(GD&TĐ) - Gạt đi mọi lý do về tình cảm, những chuyện tưởng như “giời ơi đất hỡi” có khi lại chính là nguyên nhân khiến những cặp đôi vợ Việt - chồng nước ngoài hoặc ngược lại đối diện với khó khăn, thậm chí phải “đứt gánh giữa đường”. Trong đó, những khác biệt về văn hóa được xem là những rào cản rất lớn.
Khác biệt
Nảy sinh tình cảm với một người đàn ông đến từ một đất nước châu Âu, chị Vân cảm thấy như sống lại với những tình cảm đam mê và nồng cháy. Dù đã là mẹ của hai đứa trẻ ngoan ngoãn, song sau rất nhiều năm đau khổ vì cuộc chia tay không thể nào khác với người chồng đầu tiên, cảm giác hạnh phúc thực sự dường như một lần nữa chị Vân lại được chạm đến. Sailor- người đàn ông thành đạt cũng đã từng “lỡ một lần đò”- đến Việt Nam để thực hiện một hợp đồng kinh doanh quan trọng của công ty. Sailor đã trung tuổi và ông từng không nghĩ rằng trái tim ông lại có thể loạn nhịp với một người phụ nữ Việt đang sống đơn thân với con riêng.
Những cuộc gặp gỡ ban đầu từ vô tình đến cố ý đã níu trái tim của hai con người không còn trẻ trung, vốn khá kín đáo, nghiêm túc về chuyện tình cảm. Dù sau vài tháng kể từ khi quen biết, Sailor mới chính thức đặt vấn đề trở thành người yêu của chị Vân, song giữa hai người thật ra “tình trong như đã mặt ngoài còn e” trước đó rồi.
Vốn là doanh nhân, lại rất cẩn trọng, quan tâm đến việc nghiên cứu văn hóa, lối sống nổi bật của đất nước mà mình có hoạt động đầu tư, song những gì đọc trên Internet và xem qua sách báo dường như không đủ để Sailor tránh đối diện với vô số rắc rối trong cuộc sống chung với một người phụ nữ Việt Nam ít phóng khoáng, đã có con, một đời chồng. Chỉ ngay trong thời gian đầu sống chung với chị Vân, Sailor gần như “sốc” bởi sự khác biệt quá lớn trong văn hoá ứng xử giữa người Việt và người dân ở đất nước ông.
Vừa quyết định về sống chung với chị Vân và hai đứa trẻ con chị, Sailor đã rất lúng túng trước những ánh mắt luôn dò xét của đứa con gái út của chị Vân đang học tiểu học. Nó tỏ rõ thái độ không hài lòng khi ông hôn chị Vân vào mỗi buổi sáng khi rời nhà đến công ty hay ôm hôn mỗi khi trở về nhà. Thậm chí nó nhất quyết không chịu ngủ riêng mà đòi nằm ngủ chung giường với mẹ và cha dượng người nước ngoài.
Chị Vân phải giải thích với Sailor là nhiều đứa trẻ Việt Nam thường ngủ cùng bố mẹ chúng tới tận khi chúng “đủ lớn”, dù nhà có phòng riêng cho mỗi người. Nhất là khi cô con gái bé bỏng của chị Vân luôn ngủ chung với mẹ trước khi cha dượng người nước ngoài xuất hiện. Mỗi lần ôm hôn vợ hay khi “gần gũi” vợ, Sailor luôn có cảm giác mình đang “ăn vụng”, ông cứ lấm lét ngó trước nhìn sau, sợ con riêng của vợ bắt gặp
Sự khác biệt về văn hóa là những rào cản rất lớn trên con đường đi đến hạnh phúc |
Những nỗ lực mệt mỏi
Sailor vốn là người vui tính, nhưng để lấy lòng những đứa trẻ con riêng của chị Vân sao quá khó với ông, khi mà thói quen từ cuộc sống quá khác nhau giữa các thành viên gây ra không ít va chạm chẳng ai mong muốn. Còn chị Vân gần như phải căng lên mỗi ngày để nghĩ ra cách làm sao khiến chồng có thể thân tình, hòa đồng được với những đứa con riêng của chị. Đôi lúc quá mệt mỏi vì sự lạnh nhạt vô hình giữa các thành viên trong gia đình, chị Vân chợt cảm thấy mình đã hơi vội vàng khi quyết định chung sống với Sailor.
Chưa giải quyết xong những vấn đề gặp phải trong sinh hoạt từ cuộc sống mới, Sailor lại cảm thấy rất bối rối trước thói quen và cách ứng xử của họ hàng nhà vợ. Mỗi khi ở quê có đám cưới, đám giỗ, theo vợ về quê cũng là một dịp Sailor toát mồ hôi thật sự, vì bị họ hàng nhà vợ “quây”. Mới về tới quê họ hàng già trẻ đã xúm lại thăm hỏi rất nhiệt tình ông cháu rể Tây.
Đôi khi Sailor không biết trả lời thế nào dù cậu con trai của vợ giỏi tiếng Anh đã phiên dịch rất cụ thể để ông hiểu, bởi có những câu hỏi thật chẳng dễ trả lời- những câu hỏi ở đất nước ông có khi ngay cả sống chung một nhà cũng không được hỏi và được biết nhiều đến thế. Sailor cũng không hiểu thế nào là những câu hỏi xã giao của người Việt như: “Dạo này làm ăn thế nào? có khấm khá không? Sắp lên chức tổng giám đốc chưa, lên chức là phải khao cả làng đấy nhé!”.
Hay có bà cô họ già cả quan tâm rất “sâu sắc”: “Nghe thấy con Vân bảo chúng mày chuẩn bị mua cái nhà mới hả? Có mua thì cũng đừng bán cái nhà đang ở, để lại cho thằng lớn sau này lấy vợ”... Phần lớn những câu hỏi kiểu thế Sailor chỉ biết cười trừ, còn chị Vân thì vô cùng lúng túng vì họ hàng nhận xét chồng cô kín đáo quá mức cần thiết. Những người họ hàng của Vân không biết rằng ở đất nước của Sailor người ta thường không có thói quen quan tâm trực diện đến những vấn đề mang tính tài chính riêng của mỗi gia đình, càng không có thói quen dạy bảo ai đấy phải ứng xử về tài sản như thế nào với con riêng của vợ hoặc chồng.
Chưa dính phải những rào cản giống như Sailor, nhưng Maria đến từ châu Mỹ hiện đang sống tại Hà Nội với người chồng Việt cũng không khỏi mệt mỏi vì sự khác biệt quá lớn trong lối ứng xử, cách sống giữa con người ở đất nước của cô và ở Việt Nam.
Mới 25 tuổi, Maria không ngại những công việc bếp núc của phụ nữ trong gia đình. Mỗi chiều từ công ty về nhà Maria vẫn thường đi chợ hoặc siêu thị để chọn mua thức ăn về nấu bữa tối cho chồng. Cuộc sống với người chồng trẻ tuổi rất tình cảm khiến cô gần như mãn nguyện. Có điều, chỉ sau một thời gian ngắn, hai vợ chồng bắt đầu tranh luận, cãi vã vì những chuyện không thật sự đến từ tổ ấm của họ. Đó lại là nguyên nhân đến từ các cuộc gặp mặt, ăn uống vào cuối mỗi tuần trong gia đình chồng và nhất là những lần về quê có công chuyện họ hàng với tần suất ngày càng dày.
Sống rất gần nhà bố mẹ chồng và các anh chị chồng, nên cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, theo thói quen lâu nay của gia đình, hai vợ chồng Maria lại đến chơi nhà bố mẹ chồng cả một ngày thứ bảy. Ở đó, cô cùng mẹ chồng, chị chồng nấu nướng cả bữa trưa và bữa tối để cả nhà cùng ăn và trò chuyện hỏi han công việc và cuộc sống trong tuần của nhau. Bố mẹ chồng cô mỗi tháng ít nhất có một ngày thứ bảy mời những người họ hàng gần đến nhà dự một bữa cơm trưa hoặc tối. Mọi người nói rất nhiều chuyện “trên trời dưới bể”, Maria cảm thấy sự có mặt của cô chỉ là để cho có, chứ hầu như chẳng mấy ai để ý hay quan tâm cô nghĩ gì, muốn nói gì. Ngoài mấy đứa trẻ con anh chị chồng có vẻ thân thiện với cô, hay hỏi chuyện cô, còn lại thì những thành viên khác trong gia đình, kể cả bố mẹ chồng, nhất là những người họ hàng đều coi cô là người “ngô ngọng” với những công việc và câu chuyện mà họ quan tâm, đề cập.
Nhiều ngày thứ bảy như thế Maria phải miễn cưỡng theo chồng tham gia bữa cơm của đại gia đình. Cô gần như cảm thấy stress vì có khi chỉ muốn được ngủ nhiều hơn hay ở nhà mình để dọn dẹp, nghỉ ngơi, hay hẹn hò bạn bè đi uống trà, cafe, thay vì cứ phải lẽo đẽo đến nhà chồng nấu nướng, rồi ngồi gần như câm lặng trước những câu chuyện rôm rả của cả nhà.
Đấy là chưa kể cô cảm thấy bị tra tấn bởi sở thích ăn thịt chó với mắm tôm của ông bố chồng, hay món bún đậu mắm tôm mẹ chồng rất thích ăn vào những ngày nóng nực. Maria không ăn được thịt chó thì mẹ chồng khuyên nên rán trứng ăn với cơm cho lành, hay không ăn được mắm tôm vì món bún đậu thì có thể pha nước mắm chấm đậu hoặc lại rán trứng ăn với cơm. Thành ra, không ít ngày thứ 7 được coi là ngày “ăn trứng” của Maria.
Những rào cản hiện hữu và vô hình trong sinh hoạt vợ chồng khác quốc tịch, khác biệt về thói quen sinh hoạt và văn hoá, đã gây áp lực không nhỏ trong cuộc sống gia đình của những người ngoại quốc như Sailor hay Maria, khi họ đã gắn bó tình cảm với một người Việt Nam mà chưa kịp quen với đời sống Việt.
Thu Ba