Những cô giáo ở Quảng Ninh xung phong ra đảo dạy học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 3 cô giáo Trường Tiểu học Hạ Long 1 và 2, xã Hạ Long huyện Vân Đồn đã xung phong ra xã đảo Thắng Lợi cách đất liền hàng chục cây số để dạy học.

Từ trái qua, cô Hưởng, Hương và Loan tại Trường TH&THCS Thắng Lợi.
Từ trái qua, cô Hưởng, Hương và Loan tại Trường TH&THCS Thắng Lợi.

Tạo cảm hứng cho học sinh

Cô Lê Thị Thu Hương (31 tuổi), Nguyễn Thị Loan (34 tuổi) là giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long 1 cùng cô Cô Phạm Thị Hưởng (35 tuổi) giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long 2 đã viết đơn tình nguyện ra dạy học ở Trường TH&THCS Thắng Lợi, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cô giáo Lê Thị Thu Hương bắt đầu ra dạy học tại Trường TH&THCS Thắng Lợi từ năm học 2022-2023. Điều kiện ở xã đảo Thắng Lợi còn nhiều khó khăn, học sinh phần lớn theo bố mẹ đi biển kiếm sống nên giáo viên thường xuyên phải vận động các em đến lớp.

Vì tình yêu dành cho học sinh xã đảo, với mong muốn giúp các em bớt thiệt thòi, cô Hương đã viết đơn tình nguyện ra đây dạy học.

Cô Hương đã có những phương pháp dạy học mới, tạo cảm hứng cho các em học tập. Cô sưu tầm các sticker ngộ nghĩnh, vở, bút và những phần quà nhỏ để thưởng cho học sinh chăm ngoan, hăng hái phát biểu xây dựng bài.

Trong các tiết sinh hoạt cuối tuần, cô Hương còn thiết kế đặt mẫu thư khen những học sinh điểm tốt và có tiến bộ trong học tập.

Cô Hương cũng tiên phong sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia các phong trào thi đua do nhà trường phát động như thi văn nghệ, thi trang trí lớp học thân thiện và đều đạt giải cao.

Học sinh được cô Hương khen.

Học sinh được cô Hương khen.

Tương tự, năm học 2022-2023, cô Phạm Thị Hưởng cũng được chuyển ra dạy học tại xã đảo Thắng Lợi sau 2 lần viết đơn tình nguyện. Bản thân cô ra đảo đưa theo con gái 7 tuổi.

Hiểu được học sinh xã Thắng Lợi ít có điều kiện tiếp xúc với các mô hình học tập thông minh nên cô Hưởng đã tìm tòi sáng tạo nhiều hình thức giảng dạy mới để tăng hứng thú học tập cho học sinh.

Trong mỗi tiết dạy, cô Hưởng luôn ứng dụng công nghệ thông tin, tìm tòi những bài khởi động mới lạ dưới dạng nhảy theo nhạc, trò chơi, câu đố, trực quan để tạo năng lượng học tập.

“Không phải là giáo viên tin học nhưng tôi luôn mong muốn học sinh được sử dụng công nghệ thông tin. Vì vậy tôi tự học và sử dụng các phần mềm Camtasia, Proshow, E-learning, Zoom, Google Meet, phần mềm cắt ghép nhạc, lồng tiếng trực tuyến để tạo ra được những video bài hát chèn hình ảnh. Từ đó học sinh được khám phá, trải nghiệm mà không bị nhàm chán”, cô Hưởng nói.

Việc sử dụng công nghệ trên đảo gặp nhiều khó khăn. Hiện trên đảo chưa có mạng Wifi, các cô thường sử dụng 3G, 4G trên điện thoại phát ra máy tính để tải và sử dụng phần mềm.

Mang nhiều hi vọng

Đối với cô Nguyễn Thị Loan (giáo viên thể dục), lý do viết đơn tình nguyện ra đảo Thắng Lợi năm học 2023 – 2024, với hi vọng mang đến cho học sinh xã đảo phong trào văn hóa - thể thao mới mẻ và hiện đại.

Gia đình ở thị trấn Cái Rồng nhưng vợ chồng cô Loan đều chia nhau ra đảo, chồng đến đảo Ngọc Vừng làm kinh tế, vợ sang đảo Thắng Lợi dạy học.

Vợ chồng cô Loan có hai con, cháu bé 4 tuổi ở nhà với ông bà nội, cháu lớn 6 tuổi theo mẹ ra đảo học lớp 1 tại Trường TH&THCS Thắng Lợi.

Với kinh nghiệm trong môi trường giáo dục hiện đại, cô Loan mong muốn đem đến học sinh biển đảo phương pháp học tập cởi mở, tự tin và tự lập.

Theo cô Loan, học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phải biết rèn luyện thể chất, rèn kỹ năng sống để giao tiếp, thuyết trình hiệu quả.

Vì vậy, cô Loan luôn chú trọng phát huy sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể trong dạy học, tạo ra các sân chơi lành mạnh cho học sinh được trải nghiệm, rèn luyện thể thao, như: nhảy chachacha giữa giờ, thi trò chơi dân gian, tập bóng chuyền, điền kinh, vẽ sân chơi cho học sinh sau giờ tan học.

Thầy Phạm Văn Quyền, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thắng Lợi cho biết, 3 cô đều là giáo viên trẻ tâm huyết, sáng tạo, có năng lực chuyên môn tốt và là những “hạt giống đỏ” của trường.

“Nhà trường có 17/25 cán bộ giáo viên từ đất liền ra công tác và đang ở nhà tập thể. Những giáo viên trẻ đồng lương thấp, vẫn phải xa gia đình để ra đảo dạy học. Chúng tôi rất mong tỉnh xem xét hỗ trợ tăng phụ cấp để nâng cao đời sống, tạo động lực thu hút giáo viên ra đảo, yên tâm công tác, gắn bó với học sinh biển đảo và vùng khó khăn”, thầy Quyền nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ