Quảng Ninh chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, từ đó gặt hái nhiều thành quả quan trọng.

Học sinh Trường THPT Cẩm Phả trong ngôi trường mới.
Học sinh Trường THPT Cẩm Phả trong ngôi trường mới.

Những chính sách gắn liền với lợi ích của người dân

Trong tháng 9-10/2023, tỉnh đã tổ chức gắn biển các công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023), trong đó có nhiều trường học được xây dựng, mở rộng khang trang, hiện đại.

Điển hình như: Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long), Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả).

Các công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học 2023-2024 đã nhân lên niềm vui của thầy, trò các trường.

Những nỗ lực này góp phần hiện thực mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

Cải cách toàn diện GD&ĐT theo định hướng của trung ương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao (chuẩn mức độ 2 trở lên), để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập, tạo điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên...

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 92,1%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 89%.

HĐND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách khuyến khích, hỗ trợ giáo viên, học sinh, sinh viên, trẻ mầm non, như: Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND “Quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 248/2020/NQ-HDND “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND”; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND “Ban hành Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026”; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND “Về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2022-2023”...

Mới đây, Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa 14 thông qua Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND “Về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND cho đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh”.

Trong đó, có các chính sách: Hỗ trợ tiền ăn trưa, kinh phí tổ chức dạy hè, kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn, kinh phí chăm sóc học sinh bán trú; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục...

Đây là những chính sách thiết thực, gắn liền với lợi ích của người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.

Tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ tỉnh, định hướng phát triển giáo dục, đào tạo tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030... Quảng Ninh phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030 nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng.

Liên kết, hợp tác với nhiều quốc gia

Tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường liên kết, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục với nhiều quốc gia. Điển hình, Trường Đại học Hạ Long đang tăng cường thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học ở Nhật Bản và các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Các đối tác chính có hoạt động thường niên với Đại học Hạ Long là: Đại học Osaka, Đại học Yamanashi Gakuin, Đại học Asahikawa, Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam…

Các thỏa thuận hợp tác tập trung liên kết đào tạo, bao gồm trao đổi giảng viên, sinh viên, thực tập sinh, tiếp nhận tài liệu học tập.

Từ năm 2017 đến nay, Đại học Hạ Long cử 15 sinh viên có thành tích tiêu biểu sang học tập ở một số trường đại học ở Nhật Bản theo chương trình trao đổi sinh viên hoặc nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản.

Đồng thời tiếp nhận 3 tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA sang giảng dạy tiếng Nhật... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành ngôn ngữ tiếng Nhật nói riêng, chất lượng giáo dục toàn trường nói chung.

Với những chính sách vượt trội, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã có những bước tiến không ngừng. Hơn 3 năm qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành GD&ĐT đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học để đạt được những thành tích cao.

Riêng năm học 2022-2023, học sinh Quảng Ninh tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi đều đạt kết quả tốt. Tỉnh xếp thứ 13/69 đơn vị dự thi với tổng số 59 giải, tăng 11 giải so với năm học 2021-2022.

Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao; duy trì, giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3 là mức cao nhất, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2; quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được cải thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ