Tăng trợ cấp, phụ cấp với người có công
Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng.
Cụ thể, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: Trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng; Thương binh loại B: Trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng; Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: Phụ cấp 1,67 triệu đồng; Bệnh binh: Trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng…
Chính sách này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, sẽ có thêm 3 trường hợp người có thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh.
Đó là, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ BHYT; Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
“Chặt chém” du khách bị phạt đến 10 triệu đồng
Nghị định 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, mức phạt tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân là 50 triệu đồng, của tổ chức là 100 triệu đồng.
Đối với cơ sở lưu trú du lịch không niêm yết công khai giá hàng hóa bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, nếu có hành vi bán hàng hóa không đúng giá niêm yết bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Bên cạnh việc phạt tiền, cơ sở lưu trú du lịch vi phạm bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Với hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa dịch vụ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Đối với hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên khi hành nghề hoặc sử dụng thẻ giả, mức phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Mắc bệnh hiểm nghèo được xem xét đặc xá
Nghị định 52/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá. Theo đó, người đang mắc bệnh hiểm nghèo được xem xét đặc xá phải là người đang bị ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng phục vụ bản thân, có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao…
Ngoài ra, người bị kết án phạt tù được xem xét đặc xá do lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù thuộc một trong các trường hợp sau: Giúp trại giam, trại tạm giam phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn…
Từ chối quà tặng không đúng quy định
Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó có quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn. Cụ thể, chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định pháp luật.
Không trực tiếp, gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc mà mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi mình quản lý.
Nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; nếu không từ chối được phải giao lại quà cho bộ phận quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định. Chính sách có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Vui chơi dưới nước phải chịu trách nhiệm về sức khỏe
Nghị định 48/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình và phải mặc áo phao trong suốt thời gian dưới nước.
Đồng thời, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và người chơi, người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước phải đủ 15 tuổi trở lên và đảm bảo về sức khỏe. Chính sách có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.
Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự
Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
Tặng giải thưởng KHCN để thu lợi bất chính bị phạt tới 30 triệu đồng
Từ ngày 1/8/2019, theo Nghị định 51/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về đặt và tặng giải thưởng khoa học và công nghệ, cụ thể: Đặt, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ để thu lợi bất hợp pháp; Đặt giải thưởng khoa học và công nghệ cho các công trình nghiên cứu có nội dung pháp luật cấm.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc hủy bỏ kết quả công nhận giải thưởng và cải chính thông tin sai sự thật.