Từ tháng 1/2019: Những chính sách nổi bật có hiệu lực

GD&TĐ - Hiệp định CPTPP có hiệu lực với việc cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, lương tối thiểu vùng tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng, nhiều nội dung bị nghiêm cấm đưa trên không gian mạng, tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2019.  

Từ tháng 1/2019: Những chính sách nổi bật có hiệu lực

Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội phê chuẩn thông qua vào ngày 12/11/2018 sẽ có hiệu lực từ 14/1/2019. Hiệp định có hiệu lực với 6 nước: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia vào ngày 30/12/2018. Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế và thực hiện các cam kết đối với hoạt động mua sắm công; lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước; cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vấn đề môi trường, thương mại điện tử... Ngoài ra, Việt Nam sẽ sửa một số luật và nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 200.000 đồng/tháng

Theo Nghị định số 157/2018 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng. Người được áp dụng mức lương này làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu

Nghị quyết 579/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2019 quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số nhóm hàng hóa như sau: Thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Trêu ghẹo nhân viên hàng không bị phạt 5 triệu đồng

Nghị định 162 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, các hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với một trong các hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Những nội dung bị nghiêm cấm đưa lên mạng

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 quy định rõ “nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thông tin các nội dung” sau: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, xúc phạm dân tộc, quốc kỳ...; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc. Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng như kêu gọi tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ; Làm nhục, vu khống như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội bằng không gian mạng...

Thi công chức bằng hình thức trắc nghiệm

Nghị định 161/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/1 đã sửa đổi nhiều quy định về thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, người thi tuyển công chức phải trải qua 2 vòng thi trắc nghiệm và nghiệp vụ chuyên ngành. Phần thi trắc nghiệm thực hiện trên máy vi tính. Nếu cơ quan tuyển dụng không có điều kiện thì làm trên giấy. Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần với 120 câu hỏi. Kiến thức chung có 60 câu về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính Nhà nước; chức trách, nhiệm vụ của công chức… (thời gian thi 60 phút). Ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi là một trong năm thứ Tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của cơ quan tuyển dụng (thời gian thi 30 phút). Tin học gồm 30 câu hỏi (thời gian thi 30 phút).

Tăng giá khám bệnh BHYT từ 15/1/2019

Từ 15/1/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, giá khám bệnh tùy bệnh viện tăng từ 2.700 - 3.900 đồng/lượt. Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Cùng với đó, Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được Bộ Y tế ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Theo Thông tư này thì giá tối đa của dịch vụ khám bệnh đã giảm so với trước đây từ 2.000 - 3.000 đồng/lượt. Riêng giá khám sức khỏe toàn diện người lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) có mức giá tối đa là 145.000 đồng.

Nhà mạng phải đảm bảo bí mật thông tin người dùng

Tại Thông tư 16/2018/TT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng. Theo đó, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng, trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Các nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng đã công bố; Không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với khách hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/1/2019.

Áp dụng chuyển mạng di động giữ nguyên số

Các nhà mạng MobiFone, Viettel, VinaPhone đã triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao (MNP) đối với thuê bao trả sau từ ngày 16/11/2018. Từ 1/1/2019, dịch vụ này sẽ đồng loạt được triển khai cho cả thuê bao di động trả trước. Việc chuyển đổi sẽ hoàn tất trong 24 giờ. Các thuê bao khi chuyển mạng sau 90 ngày sẽ được quyền chuyển sang mạng viễn thông khác hoặc quay về mạng ban đầu nếu dịch vụ không phù hợp. Chuyển mạng giữ số là một giải pháp để thúc đẩy cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thương binh, bệnh binh được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày lễ, tết

Đây là nội dung được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 101/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, vào những ngày lễ tết, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên sẽ được hỗ trợ ăn thêm 200.000 đồng/người/ngày. Đáng chú ý, thân nhân liệt sĩ (không quá 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2,4 triệu đồng/người.

Không xử lý đơn tố cáo nặc danh

Từ ngày 1/1, Luật Tố cáo 2018 thay thế cho Luật Tố cáo 2011 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo Khoản 3 Điều 24 quy định tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và được gửi đồng thời cho nhiều nơi. Trong đó có tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến nơi không có thẩm quyền giải quyết thì nơi nhận được tố cáo không xử lý. Khoản 1 Điều 25 quy định khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc không xác định được người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (luật cũ 60 ngày).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ