Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/7

GD&TĐ - Từ ngày 1/7 tới, hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành, đem lại những thay đổi lớn đến an ninh trật tự và đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó có những chính sách nổi bật như quy định về cạnh tranh không lành mạnh, đặc xá... Đặc biệt là những thay đổi lớn về chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển… cho hàng triệu người lao động thụ hưởng.

Lương hưu và trợ cấp xã hội tăng cao
Lương hưu và trợ cấp xã hội tăng cao

Lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng

Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức điều chỉnh này nhằm phần nào đáp ứng sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước. Theo đó, từ ngày 1/7 tới, lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng/tháng. Lương cơ sở sẽ được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật…

Cùng với đó, mức lương hưu, trợ cấp xã hội tăng 7,19 %. Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, 8 nhóm đối tượng sẽ được tăng thêm 7,19% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng so với mức tháng 6. Cụ thể: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng...

Từ 1/7, Thông tư 79/2019/TT-BQP cũng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách Nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Quy định mới về tuyển dụng công chức, viên chức

Theo Thông tư 03/2019/TT-BNV sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập… Trong đó phải kể tới việc bổ sung 3 trường hợp tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.

Cụ thể, nhân sự có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, gồm: Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có thời gian làm viên chức từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự); Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 5 năm (60 tháng) trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu; Người đang giữ chức danh, chức vụ chủ chốt tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm (60 tháng), không kể thời gian thử việc.

Hàng triệu người lao động được thụ hưởng từ thay đổi chính sách tiền lương
  • Hàng triệu người lao động được thụ hưởng từ thay đổi chính sách tiền lương

Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 được ban hành ngày 20/11/2018. Theo đó, các đối tượng sau có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2019, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên một cách trung thực. Luật hiện hành chỉ quy định nghĩa vụ này đối với một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Phạm tội phản bội, gián điệp không được đặc xá

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Luật Đặc xá 2018. Cụ thể, so với Luật Đặc xá 2007, Luật Đặc xá 2018 đã bổ sung thêm các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án phạt tù về các tội như: Tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…

Đồng thời, luật mới cũng bổ sung trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm mà theo hướng giảm nhẹ hoặc giữ nguyên trách nhiệm hình sự vẫn được quyền đề nghị đặc xá.

Thay đổi quy định cạnh tranh không lành mạnh

Đây là một trong những điểm mới nổi bật được quy định tại Luật Cạnh tranh 2018. Theo đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại Luật Cạnh tranh 2004 không được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh 2018 kể từ ngày 1/7/2019 bao gồm: Phân biệt đối xử của hiệp hội; Bán hàng đa cấp bất chính. Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung thêm một trường hợp bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là: “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó”.

So với quy định hiện hành Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung thêm 3 thỏa thuận cạnh tranh bao gồm: Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Như vậy, từ ngày 1/7/2019, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.