Những chi tiết vô lý lặp lại đến nhàm chán trong phim Trung Quốc

Phim Trung Quốc có nhiều chi tiết vô lý nhưng vẫn xuất hiện trong nhiều tác phẩm.

Trong ảnh là Dương Tử (trái) trong Hương mật tựa khói sương và Đường Yên tham gia phim Tiên kiếm 3.
Trong ảnh là Dương Tử (trái) trong Hương mật tựa khói sương và Đường Yên tham gia phim Tiên kiếm 3.

Khăn che mỏng như tờ giấy nhưng tốt hơn mọi loại mặt nạ

Theo Sina, khán giả xem phim truyền hình yêu thích dàn diễn viên có ngoại hình đẹp, đầu tư công phu. Tuy nhiên, nội dung của các tác phẩm thường có nhiều lỗ hổng.

Đơn cử như việc các mỹ nhân dùng một tấm khăn mỏng che mặt nhưng không ai nhận ra thân phận thực của họ. 

Trong Thục Sơn chiến kỷ, nhân vật Triệu Lệ Dĩnh giết chết cả thôn làng của Trần Vỹ Đình, nhưng không ai nhận ra cô nhờ có chiếc khăn che dung nhan.

Công chúng tự hỏi, công dụng của món đồ này nằm ở việc che giấu danh tính hay chỉ làm đẹp.

Nữ cải trang nam khó nhận ra

Dường như các nhân vật nữ chỉ cần búi tóc, mặc đồ nam thì không ai nhận ra giới tính thật của họ. Hầu hết diễn viên nữ ít khi chịu làm xấu, thô kệch khi giả trai mà thường giữ các nét mềm mại, môi hồng, lông mày cong.

Mới đây, Cúc Tịnh Y bị chê bai vì màn giả trai lộ liễu trong phim Thư sinh xinh đẹp. Dương Mịch cũng có nhiều tạo hình nam giới nhưng không phiên bản nào thuyết phục được khán giả.

Nhân vật bị thương luôn hộc máu

 Ngoài ra, khán giả còn đúc kết được một quy luật tất yếu trong phim Trung Quốc, là các nhân vật bị trúng độc, ngã từ trên cao xuống, bị đâm trọng thương, hay tức giận luôn được thể hiện bằng việc hộc máu.

Đây dường như là phương thức duy nhất biểu lộ sự đau đớn của vai diễn. Nếu người bị thương là nhân vật nữ, có cảnh ho vào khăn tay và cũng sẽ thấy máu.

Ngã xuống vách núi không chết

Chính vì các tình tiết quen thuộc dẫn đến kịch bản phim trở nên dễ đoán. Nếu trong tác phẩm có cảnh nhân vật bị dồn đến đường cùng, là nhân vật phụ, họ sẽ ngã chết.

Tuy nhiên, nếu là nhân vật chính, dù nhảy từ vách cao cũng rơi xuống sông, vẫn có cơ hội sống lại. Thậm chí, rơi xuống vách núi còn có cơ hội khám phá ra hang động bí ẩn, từ đó gặp nhân vật quan trọng trong đời hoặc đạt được bí kíp võ công thất truyền.

Vai phản diện chết vì nói quá nhiều

Để kéo dài thời lượng phim, nhà sản xuất thường để tình tiết bị cắt đột ngột ngay lúc quan trọng.

Ví dụ khi tiết lộ bí mật, sẽ có điện thoại kêu hoặc người khác gọi, vì vậy nhân vật bị ngắt lời. Vai phụ bị thương, trước khi chết nói rất nhiều, nhưng khi tiết lộ tên kẻ sát hại hoặc chi tiết quan trọng là lúc họ trút hơi thở cuối cùng khiến khán giả chỉ biết hồi hộp chờ tập sau.

Bên cạnh đó, vai phản diện đang trong thế thắng nhưng thường tự mãn, bộc lộ sự sung sướng, thoại dài dằng dặc, khiến nhân vật chính có cơ hội lật ngược tình thế.

Nhận biết người thân bằng vòng tay, nhỏ máu 

Phim cổ trang Hoa ngữ thường xuất hiện tình huống lạc người thân từ khi còn nhỏ hoặc nhân vật nam nghi ngờ đứa bé không phải con mình. Người trong cuộc sẽ có cách thử nghiệm nhận thân rất thô sơ là trích hai giọt màu vào bát nước, nếu hòa tan sẽ là người nhà.

Trong Hậu cung Chân Hoàn truyện cũng có chi tiết này. Bên cạnh đó, nếu hai nhân vật để lại tín vật, thì dù đó là chiếc vòng mua tại chợ, hình thức rất bình thường, hàng chục năm sau đối phương cũng có thể nhận ra.

Tình huống làm quen khiên cưỡng

Để thúc đẩy tình cảm của hai nhân vật chính nhiều phim có các kịch bản quen thuộc như: Khách sạn lớn nhưng chỉ còn một phòng, nam chính đâm xe vào nữ chính sau đó cãi nhau và cảm thấy đối phương thu hút, lên giường một lần sẽ mang bầu...

Nhân vật muốn đuổi theo ai đó, chỉ cần vẫy tay, taxi sẽ xuất hiện. Khi chạy đi tìm đối phương, tìm một vòng sẽ thấy người đó đứng sau lưng mình và dù ngã với tư thế nào thì hai nhân vật cũng sẽ hôn nhau.

Ngoài ra, tình yêu oan gia giữa hai người không ưa nhau trong lần gặp đầu tiên, nhưng sau đó lại phải lòng đối phương chính là mô típ được các biên kịch Hoa ngữ thích nhất, lặp đi lặp lại ở nhiều phim đến mức nhàm chán.

Theo zingnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ