Vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên vẫn chưa đi đến hồi kết trong suốt 4 năm qua. Những thông tin nóng hổi về vụ ly hôn gây xôn xao cả nước luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Nhưng nó càng dai dẳng, càng bế tắc thì người ta lại càng vỡ ra được nhiều điều. Không bàn đến việc ai đúng ai sai trong cuộc phân chia ấy, nhưng những câu triết lý mà họ phát ngôn thật sự khiến người ta phải suy ngẫm, phải soi lại mình, rằng cái hiện thực hôn nhân nó không thể mãi ngọt ngào như buổi ban đầu yêu nhau.
1. Những phát ngôn đầy tính triết lý và trải đời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
"Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con! Mình đã sai rồi thì đừng bao giờ đưa tụi nó vào tranh chấp này rồi để cho chúng bị tổn thương, điều đó là không được phép".
Mọi cuộc hôn nhân đổ vỡ thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ, dù chúng có lớn hay còn bé, những vết thương trong tâm hồn là điều khó tránh khỏi. Nhất là khi lòng tự tôn của cha mẹ càng lớn, họ lại càng thích "bóc" nhau, bóc cho bằng sạch những thứ xấu xí nhất mà có thể họ đã từng "ngậm bồ hòn làm ngọt". Con cái cứ nghĩ xấu về bố mẹ chúng thì họ lại càng hả hê, càng nghĩ mình ở thế chiến thắng.
Nói vậy không có nghĩa việc làm của cha mẹ là cứ gắng gượng bằng những cảm xúc giả tạo bên nhau vì các con. Hãy cứ sống theo tình cảm của mình, đã hết yêu thì buông tay, nhưng con cái không thể buông bỏ.
Dù có chia tay, người làm cha, làm mẹ đã yêu con thì sẽ biết gạt bỏ những cái tôi cá nhân để cùng nhau làm tròn trách nhiệm.
"Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con!".
"Tiền nhiều để mà làm gì? Tiền nhiều làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?".
Câu nói "đắt" nhất của ông Vũ trong phiên tòa xét xử ly hôn tạo nên 1 làn sóng dư luận về giá trị thật sự của đồng tiền. Khi người ta trải qua bao biến cố, hi sinh bao thứ để có được thành công ngày hôm nay, người ta lại mất đi tình cảm vợ chồng, như 1 sự đánh đổi đã trở thành quy luật muôn đời.
Nhưng đấy là suy nghĩ của người giàu, của người đã đạt đến "cảnh giới" nhìn tiền như thứ vô nghĩa, còn với đa số những ai vẫn phải tất bật với gánh nặng cơm áo thì "tiền nhiều" có thể làm rất rất nhiều thứ.
Lẽ đời nực cười ở chỗ, người cần thì không có mà người có lại không cần. Nhiều hay ít sẽ không còn quan trọng bằng việc chúng ta cố giữ được cái tình dành cho nhau trọn vẹn qua năm tháng. Để đến sau này, dù có ngồi đâu, ở ngôi nhà hạnh phúc, trong tòa án ly hôn hay dưới mấy tấc đất thì tình cảm con người vẫn là giá trị bất biến.
"Cái gì không phải của cô thì đừng có đòi".
Vẫn cứ là chân lý muôn đời, đàn bà có vững vàng, bản lĩnh tài giỏi mấy cũng không thể "đứng ngang hàng" với đàn ông. Đừng có nghĩ là "của chồng công vợ", vị trí trụ cột gia đình của người đàn ông từ xưa đến nay đã được quy định rồi, dù vợ có góp công, góp sức thì mãi mãi cũng chỉ là "hậu phương".
Thế mới nói, hậu phương có vững thì chiến tuyến mới thắng lợi. Nhưng đã là vợ chồng với nhau, cái quan trọng nhất là sự tôn trọng và biết điều giữa 2 bên. Không thể rạch ròi mà tính toán ai góp của nhiều hơn, góp công lớn hơn. Mỗi người phải gác cái tôi cao ngạo sang 1 bên, dập tắt những ích kỉ thì vợ chồng mới có thể lâu bền.
"Cái gì không phải của cô thì đừng có đòi".
2. Những câu nói như "đại diện" cho nỗi lòng người phụ nữ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
"Bản thân tôi là phụ nữ nhưng tôi có quyền được sống như một con người".
Cái chữ "nhưng" ở giữa câu làm bao phụ nữ phải chua xót. Không phải tự nhiên mà người ta luôn đánh giá phụ nữ chịu thiệt nhiều hơn, vất vả hơn, bị phân biệt đối xử hơn đàn ông. Có những người vợ, chịu đựng, hi sinh, hết lòng vì chồng vì con nhưng lại luôn nhận lại những bất công.
Họ chẳng cần gì cao sang, họ chỉ cần được sống, được tôn trọng như "một con người" đúng nghĩa chứ không phải cái phận đàn bà hẩm hiu kia. Bao giờ xã hội bị "tuyệt chủng" những tư tưởng khinh thường phụ nữ thì đàn bà mới ngừng than van, ngừng đòi quyền bình đẳng.
"Bản thân tôi là phụ nữ nhưng tôi quyền được sống như một con người".
"Lỗi tại tôi. Tôi đã trao gửi sự tin tưởng vào anh quá lâu mà không nhìn thẳng vào sự thật".
Trong tình yêu, có những sự mù quáng 1 cách cố tình, biết sai đấy nhưng lại vẫn cứ dấn thân rồi chẳng trách được ai, lại quay ra hận mình.
Con người đúng là khó hiểu. Nhưng nếu ai cũng giỏi nhận thức rồi đi đúng đường, làm đúng hướng thì cuộc đời đã không tồn tại khái niệm: Sai lầm. Vậy nên, phụ nữ chúng ta, có thể yếu đuối, có thể vin vào cảm xúc, cứ thoải mái đấu tranh quyết liệt nhưng đừng tự ngã 2 lần trên cùng 1 chỗ, đừng cho ai nhiều cơ hội khi người ta không biết giá trị của lòng tin.
"Anh không được tiếp tục sỉ nhục tôi, 20 năm nay tôi không nói vì muốn giữ hình ảnh của anh với các con".
Phụ nữ cứ hay có thói quen cho mình cái quyền vạn năng, là có thể chịu đựng hết sức, bao dung hết mình và vị tha hết lần này đến lần khác. Họ cứ nghĩ là che giấu mọi đau khổ, giữ hình ảnh đẹp trong mắt các con là việc làm đúng đắn.
Nhưng rồi nỗi niềm ấy lớn dần, cứ chồng chất hết năm này đến tháng kia rồi có ngày "giọt nước tràn ly", cảm xúc bùng phát, đưa nhau ra tòa để vạch tội nhau thì giữ để làm cái gì? Thế có phải là hành động "tra tấn tinh thần" cho các con trẻ không?
3. Bất cứ đối tượng nào ngoài 1 cuộc hôn nhân vẫn chỉ là người ngoài cuộc
"Gia đình tôi không biết cô Thảo là ai, 3 năm sau con tôi mới cưới cô này... Khi cô Thảo về cũng có góp sức nhưng tiền bạc thì không".
Câu nói của mẹ ông Vũ trước tòa như nguyên nhân lý giải mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu đã trở thành "truyền thuyết" không bao giờ có màu hồng.
Các cụ xưa có câu "của 1 đồng, công 1 nén", tức là công thì lúc nào cũng cao hơn của nhưng đã là vợ chồng với nhau, là những thành phần gắn kết trong 1 gia đình phải nâng đỡ nhau trong mọi công việc. Anh đi làm thì em nấu cơm, chăm con, em bận việc cơ quan thì anh rửa bát, lau nhà.
Tất cả đều là những yếu tố phụ trợ nhau, không thể nói là công ai to hơn. Nói chung phải là vợ chồng, cùng chung sống mới hiểu chính xác đối phương đối đãi với mình thế nào.
Mẹ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
"Tiền nhiều rồi, hãy lui về phía sau và sống như một bà hoàng".
Lời của thẩm phán, những người cầm cân nảy mực trong phiên tòa này chính là đại diện của toàn bộ xã hội xung quanh cuộc sống của chúng ta. Đúng, tiền nhiều như thế, bon chen làm gì, cố chấp làm gì mà không về yên phận? Đấy chính là suy nghĩ của những người ngoài cuộc.
Người ta nói đâu có sai, nhưng họ lại không sống trong hoàn cảnh của chúng ta, tầm nhìn của họ cũng chỉ đến đấy, chỉ có bản thân bạn mới hiểu được đúng nghĩa 2 từ hạnh phúc mà bạn muốn có.
Tóm lại, có những chân lý mà chỉ đến khi trải qua những xô xát, rạn nứt, thậm chí là tình yêu phai nhạt, nghĩa vợ chồng cũng chẳng còn người ta mới vỡ ra.
Đôi khi chẳng ai sai hết mà cũng chẳng ai đúng hoàn toàn. Chỉ đơn giản là mọi thứ trong cuộc sống đều có 2 mặt, được cái này ắt phải chấp nhận mất cái kia. Vậy nếu đã là quy luật sống thì việc của chúng ta là giữ tâm thanh thản để bình tĩnh đón nhận.