1. Năng lượng thiếu sẽ lấy từ đâu?
Hiện, phần lớn năng lượng chúng ta sử dụng (86%) đến từ các nhiên liệu trầm tích như dầu hỏa, than đá, đá phiến, dầu cát. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 10%, nhưng con số này đang tăng nhanh. Mức tiêu thụ năng lượng mặt trời của thế giới trong năm 2015 đã tăng 7,5 lần so 2010.
Trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ giữ vai trò thống trị. Những quốc gia có nhiều đất trống có thể lắp đặt các turbine điện gió và panel điện mặt trời. Đây là một lợi thế trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường.
2. Máy móc có thay thế con người?
Nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh) cho thấy, chẳng bao lâu nữa, gần phân nửa công việc do người làm tại Mỹ sẽ được robot hay máy tính đảm trách. Nhưng có loại công việc dễ bị máy móc thay thế hơn loại công việc khác.
Những người tiếp thị từ xa, kế toán, lái xe taxi sẽ bị thay thế trong hai thập niên tới, trong khi những công việc đòi hỏi sự sáng tạo sẽ trụ vững lâu hơn. Các thị trường lao động tương lai không còn cách nào khác là phải thích nghi với xu hướng tự động hóa để tăng cường sức cạnh tranh và không bị lệ thuộc vào nguồn cung lao động.
3. Dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng đến đâu?
Sẽ có 11,2 tỉ người sống trên Trái đất vào năm 2100, theo dự báo mới nhất của Liên Hợp Quốc. Nhưng đây chỉ là dự báo, con số thật có thể cao hoặc thấp hơn nhiều. Thậm chí có một chuyên gia về phát triển dân số đưa ra con số 16,6 tỉ người sống trên Trái đất vào năm 2100! Nhưng cũng có người đưa ra con số 7,3 tỉ, tức là thấp hơn 7,5 tỉ hiện nay. Dù con số nào đi nữa thì từ nay đến ít nhất là năm 2050, dân số thế giới sẽ vẫn tăng đều.
4. Tuổi thọ trung bình tăng đến đâu?
Tuổi thọ của con người ngày càng tăng và mỗi gia đình có ít con hơn. Năm 1950, phân nửa số người trên Trái đất không mong đợi sống đủ để mừng sinh nhật thứ 50. Hôm nay, số người có cơ hội mừng sinh nhật 70 tuổi trở lên ngày càng nhiều, khi tuổi thọ trung bình của con người là 72 tuổi.
Đến năm 2100, tuổi thọ trung bình sẽ hơn 83. Nhưng khi chúng ta sống thọ hơn cũng có nghĩa là sẽ có nhiều người già hơn; còn sinh suất thấp có nghĩa là có ít trẻ em ra đời hơn để thay thế những người đã chết và số lao động trẻ không đủ bổ sung số lao động mất sức. Cái gọi là kim tự tháp dân số sẽ có hình lộn ngược.
5. Loài người thích sống ở đâu?
Vào năm 2030, sẽ có 41 đại đô thị (megacity) có hơn 10 triệu cư dân; và đến năm 2050, 2/3 dân số sẽ sống trong các khu vực thành thị. Các thành phố có mật độ dân số “đậm đặc” sẽ phải tìm ra các giải pháp để có chỗ ở cho mọi cư dân trên một diện tích giới hạn.
Nếu lấy mật độ dân số của thành phố Mumbai của Ấn Độ làm chuẩn thì 6,3 tỉ cư dân đô thị trên thế giới có thể nhét vào một diện tích bằng nước Anh! Còn nếu lấy Atlanta làm chuẩn thì phải có dân số bằng nước Mỹ. Mở rộng khu ngoại ô với các thị trấn vệ tinh là cách giải quyết bài toán dân số của các siêu đô thị trong tương lai.