Muôn cành đào rừng bung nở những cánh hoa rực rỡ, đung đưa trong gió chiều, để đất trời vùng cao như được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu của một mùa Xuân khoáng đạt, tinh khôi, đầy sức sống. Đó còn là những cành mai vàng khoe sắc kiêu sa, diễm lệ nơi phương Nam…
Hoa đào, hoa mai là sứ giả của mùa xuân, báo tin xuân đến mọi miền đất nước. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt, từng tiếng nói, tiếng cười trong từng nếp nhà như hứa hẹn và mở ra những điều tốt đẹp trong tương lai. Có lẽ vì thế, thơ ca nhắc đến mùa xuân như một mối duyên kỳ ngộ.
Cành lê trắng điểm
Ta đã từng bắt gặp một vài bông hoa lê trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Trong tiết trời tháng Ba, trong lễ hội mùa xuân khi chị em Thúy Kiều - những người con gái trẻ trung, xinh đẹp lần đầu bước ra ngưỡng cửa cuộc đời, khung cảnh thiên nhiên nổi bật lên là sắc “xanh” mơn mởn, ngọt ngào của cỏ non trải dài, trải rộng như một tấm thảm “tận chân trời”.
Hương cỏ lan trong gió. Mùa xuân mới mẻ, tinh khôi, căng tràn sức sống. Không gian mùa xuân miên viễn vô tận không có đường viền. Trên cái nền xanh bát ngát ấy điểm xuyết một vài sắc trắng tinh khôi, thanh khiết của hoa lê nở lác đác, chỉ mới hé lộ, khoe sắc, khoe hương “một vài bông hoa”.
Vần cổ thi Trung Hoa được Tố Như vận dụng một cách sáng tạo: “Phương thảo liên thiên bích - Lê chỉ sổ điểm hoa”. Hai chữ “trắng điểm” là nhãn tự, cách chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ gợi lên vẻ đẹp thanh xuân tinh khôi của thiên nhiên cỏ hoa ấm áp, yên bình ở một chốn làng quê.
Bút pháp nghệ thuật phối sắc tài tình: Trên cái nền xanh của cỏ non là một vài bông lê “trắng điểm”. Một bức tranh hài hòa, tương giao tuyệt đối về màu sắc đã hiện ra: Xanh của cỏ, xanh của trời, trắng của hoa lê. Sống động có hồn, tĩnh mà không tĩnh.
Thi pháp điểm nhãn, gợi tả ta đã từng đã vẽ ra bức tranh mùa xuân hoa lệ, là vần thơ tuyệt bút của Nguyễn Du để lại cho đời, điểm tô cho cuộc sống mỗi chúng ta. Và để từ đó, một mùa xuân thứ hai tươi trẻ mãi, nảy nở trong lòng bạn đọc.
Hoa đào - mùa Xuân miền Bắc
Hoa đào. |
Vũ Đình Liên là một nhà giáo làm thơ, một nhà giáo giàu lòng trắc ẩn. Thơ ông là tiếng thơ của nỗi nhớ tiếc quá khứ vàng son oanh liệt, nhớ tiếc văn hóa xưa, nhớ tiếc cảnh cũ người xưa.
Nỗi niềm ấy đã được gửi gắm kiệt tác “Ông đồ”. Văn hóa xưa, nét văn hiến xưa được đặt trong phông nền một bức tranh mùa xuân ấm áp, quen thuộc, truyền thống, hài hòa giữa cảnh và người:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Cụm từ “hoa đào nở” là một tín hiệu đẹp đẽ báo hiệu xuân đã về. Đường phố hồng tươi sắc đào, hoa nối hoa, nụ nối nụ liên miên, rực rỡ, e ấp. Phố xá tấp nập người lại qua và ông đồ xuất hiện như một sự hiển nhiên, như một quy luật muôn đời “Lại thấy ông đồ già”.
Những nụ đào chúm chím, duyên dáng, e lệ hơn trong gió xuân. Màu thắm của những cành đào ấy tạo nên bức tranh mùa xuân với những sắc màu ấm áp, hòa trộn, quấn quýt: Sắc hồng của hoa đào, màu đỏ duyên dáng của giấy điệp, màu đen bí ẩn của mực tàu cùng mái tóc bạc phơ của ông đồ lay động trong gió xuân. Nhưng rồi màu hoa ấy lại trở nên khẽ khàng hơn khi:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa.
Đào đã nở từ khổ thơ đầu và lặng lẽ có mặt suốt cả khổ thơ. Mở đầu là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường.
Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm Tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi. Cành đào ngày xuân như chất chứa những nỗi niềm buồn thương.
Mơ trắng núi rừng Tây Bắc
Rừng hoa mơ. |
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Sắc trắng của hoa đào, hoa mận đã trở thành nét đặc trưng riêng của thiên nhiên Tây Bắc mỗi độ xuân về. Và trong bài thơ “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu - cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam - đã kịp ghi lại những nét thần tình đó trong niềm nhung nhớ khi “mình về thành thị xa xôi” với lời hẹn “kháng chiến thành công ta trở lại” (Cảnh rừng Việt Bắc - Hồ Chí Minh).
Có thể nói đây là một bức tranh mùa xuân viên mãn và tràn đầy sức sống với sắc trắng của rừng mơ được vẽ bằng ngôn ngữ. Cả một không gian thiên nhiên trữ tình tinh khôi, trẻ trung, thơ mộng của Tây Bắc hiện ra.
Cái đẹp, cái quyến rũ của thiên nhiên dường như được tăng lên bội phần bởi chính cảm xúc trầm trồ, ngưỡng mộ của tác giả qua cách sử dụng từ “trắng rừng”. Trên cái nền xao xuyến ấy của thiên nhiên, hình ảnh con người hiện lên thật lặng lẽ.
Từng động tác “chuốt từng sợi giang” vừa gợi sự cẩn trọng, tỉ mỉ vừa gợi sự khéo léo, tài hoa của những người lao động Việt Bắc. Dường như, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu ân tình được người lao động gửi trọn vào trong đấy. Trong thơ như có họa chính là như thế.
Chùm xoan tím thôn quê
Hoa xoan. |
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Mùa xuân, hoa cỏ có mặt khắp muôn nơi. Nữ sĩ Anh Thơ trong “Chiều xuân” đã quan sát, chiêm ngưỡng, thưởng thức hơi thở mùa xuân vào một buổi chiều bằng cái nhìn tâm tưởng nên đã cảm nhận được cái hồn của cảnh vật rất đỗi thân quen nơi chốn làng quê.
Trong chiều mưa lạnh, quang cảnh bến sông ven làng càng tiêu điều, vắng vẻ. Một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng. Trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của không gian vẫn có sự hoạt động của cảnh vật, dù là nhẹ đến mức như có như không: Mưa đổ bụi êm êm, nhẹ nhàng, buồn buồn trên bến vắng.
Con đò thường ngày tất bật chở khách sang sông, giờ đây dường như đã thấm trong mình sự mệt mỏi, biếng lười nằm mặc nước sông trôi. Còn quán tranh cũng như thu mình lại, đứng im lìm trong vắng lặng bởi không còn khách vào ra với tiếng cười, tiếng nói rộn ràng.
Nhưng cơn mưa xuân dù nhỏ, nhẹ nhưng khi kèm theo những cơn gió còn vương hơi lạnh của những ngày tàn đông cũng đủ sức làm cho những chòm hoa xoan tím rụng “tơi bời”.
Nổi bật vẫn là chòm hoa xoan tím rụng tơi bời trước ngọn gió xuân còn vương hơi lạnh của buổi tàn đông. Tất cả đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín khó nói thành lời.
Có lẽ chính sự tĩnh lặng này đã làm cho bức tranh buổi chiều xuân có chiều sâu của nó, bình dị nguyên sơ mà khiến người đọc đong đầy cảm xúc. Tất cả cảnh vật đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín. Chùm xoan tím như mang chở một linh hồn rất riêng mà chỉ tâm hồn nhạy cảm, tha thiết của thi nhân mới cảm nhận được.
Bông hoa tím biếc giữa dòng sông xanh
Những cánh hoa xuân đi vào thơ khi diễm lệ, tinh khôi, khi thôn trang, khi mộc mạc… Từ cành lê, cành đào được nâng niu trân quý đến rừng mơ, chùm hoa xoan, bông hoa súng mộc mạc… tất thảy đều góp phần thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc đời. Chiêm ngưỡng những bức tranh xuân ấy người đọc càng thêm mến yêu cuộc sống, lắng nghe thiên nhiên vạn vật quanh mình, càng cảm ơn những cảm xúc chân thành, sâu sắc của thi nhân khi mùa xuân đã cựa mình thức giấc.
Không phải hoa đào, hoa mai khoe sắc, nhà thơ Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ” lại vẽ ra bức tranh xuân bằng ngôn từ theo một cách riêng. Bức tranh mùa xuân bắt đầu được mở ra với chiều dài, chiều rộng của dòng sông xanh biếc.
Con sông ấy hẳn là sông Hương, con sông của hương thơm, con sông của huyền thoại, con sông của thơ và nhạc, con sông trữ tình của xứ Huế mộng mơ. Giữa dòng sông biêng biếc ấy là bông hoa tím biếc - bông hoa mang sắc tím thủy chung, ân tình của mảnh đất cố đô:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Xuân là thế, dịu dàng mà nồng đượm sắc hương. Bông hoa là có thật, hay chỉ là dáng hình của niềm tin? Niềm hi vọng là sắc màu tím biếc thân quen của quê hương mà mãi in đậm trong tâm tưởng nhà thơ khi đang giằng co giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Có một sự hài hòa, tương giao đẹp đẽ giữa hai sắc màu xanh và tím. Thanh Hải đã đảo động từ mọc lên đầu câu, nhấn mạnh vẻ đẹp tràn đầy sức sống của bông hoa.
Bông hoa bé nhỏ, mong manh cựa mình tỉnh giấc, xuyên qua bùn đất để bung cánh, tỏa hương, khoe sắc giữa trời xuân, giữa sông xanh ngọt lành mang theo bức thông điệp của sức sống mùa xuân tươi mới.
Ở đây chúng ta có thể cảm nhận được thật rõ nét sắc màu đó đã rót vào trái tim mẫn cảm, tinh tế của nhà thơ tình yêu cuộc sống thật đầy. Một tâm hồn ngập tràn tình xuân, ý xuân. Gần 1.000 năm trước, Mãn Giác thiền sư trước lúc mất đã trối lại với học trò:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Cáo tật thị chúng)
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Có bệnh bảo mọi người)
Phải chăng cành mai nở muộn, màu nắng của đời ấy lại có một sự đồng điệu với bông hoa tím của Thanh Hải. Cả hai nhà thơ trước đông tàn của cuộc đời đều quên mình vì tình yêu cuộc sống, gắn bó sâu nặng với xứ sở, đều cảm thấy chết không đáng sợ, đáng sợ là không còn sống trong lòng người nữa.
Cho nên hai sắc hoa lung linh, đẹp đẽ ấy vẫn mãi tươi mới và rực rỡ trên những dòng thơ. Không chỉ vậy, bông hoa mùa xuân rực rỡ, non tơ còn gửi gắm một ý niệm đẹp đẽ về tâm hồn, khát vọng con người.
Khát vọng của nhà thơ được “làm một cành hoa” tỏa hương khoe sắc cùng với một tiếng chim ca reo vui, làm “một nốt trầm” phẳng lặng, một tiếng nhạc dịu êm neo đậu lòng người, xao xuyến vạn trái tim để nâng đỡ những nốt cao.
Cách chọn hình ảnh như thế vừa tự nhiên, hợp lí theo sự chuyển nghĩa của hình ảnh mùa xuân từ thiên nhiên đến xuân tư tưởng làm cho các tầng lớp trước sau của bài thơ gắn bó với nhau trong một chỉnh thể thống nhất.
Lấy cái đẹp của thiên nhiên để thể hiện cái đẹp của lòng người. Cành hoa vốn nhỏ bé trong đời nhưng sẽ kết tinh thành mùa xuân nho nhỏ, một khát vọng tha thiết, khiêm tốn được sống có ích, tận hiến cho đất nước.
Tất cả đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng đến khôn cùng của tác giả. Điều đáng nói ở đây là khi sáng tác bài thơ, nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Trong cái tuổi đương xuân của đời người ấy có mấy ai chấp nhận được sự thật là mình sắp lìa khỏi cõi đời với phong thái yêu đời như thế.
Phải chăng, Thanh Hải nhận ra cái hữu hạn của cuộc đời con người, có lẽ vì vậy mà muốn được là thiên nhiên, nghệ thuật để bất tử, vĩnh hằng mà cống hiến? Và ở đây có một sợi dây liên hệ giữa bông hoa tím biếc của dòng sông quê hương, giữa mùa xuân tinh khôi của đất trời, giữa bản hòa ca vào xuân của đất nước và khát vọng của tác giả.
Có lẽ vì thế, một vấn đề lớn lao có ý nghĩa phổ quát là lý tưởng sống cao đẹp của con người lại nhẹ nhàng, thấm nhuần vào lòng người đến vậy.