Bằng tất cả trái tim và lẽ sống, thầy Thành đã và đang thắp lên ánh sáng cho nhiều mảnh đời bất hạnh, tiếp sức cho đồng bào nghèo ở vùng cao Hướng vươn lên trong cuộc sống.
Nước mắt tuổi thơ…
Trong tiết trời lạnh buốt của mùa đông vùng rẻo cao những ngày cuối năm, chúng tôi gặp thầy giáo Thành, được nghe thầy kể lại những chuyến đi thiện nguyện đến với bà con dân tộc thuộc các xã khó khăn ở vùng cao huyện Hướng Hoá. Ấn tượng đầu tiên về thầy là dáng người cao gầy cùng vẻ ngoài trông khá nghiêm khắc nhưng trái tim chất chứa tình yêu thương học sinh (HS), yêu thương bà con đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Những gì thầy Thành có được ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực trong cuộc sống. Có mấy ai biết được thầy Thành đã trải qua tuổi thơ đầy vất vả, khó khăn khi sống trong gia đình có bố bị dị tật ở chân, mẹ mang bệnh nhưng vẫn gồng mình để nuôi các con ăn học. Chia sẻ cùng bố mẹ, bảy anh em thầy Thành động viên nhau ngoài giờ đến trường, lao động đỡ đần cha mẹ. Khó khăn là vậy nhưng thầy Thành vượt qua tất cả đế đến trường và đạt được kết quả tốt. Nỗ lực của thầy đã được cụ thể hóa bằng nhiều bằng khen, giấy khen, các giải thưởng HS giỏi từ cấp huyện, tỉnh đến cấp quốc gia.
Thầy Thành tâm sự: Cuộc đời tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của xã hội do vậy trong tâm trí, tôi luôn mong mỏi mình làm được điều gì đó thật sự có ích cho xã hội. Có lẽ đó chính là cơ duyên và tâm huyết của một nhà giáo dành cho HS. Trong những chuyến công tác, trên đường đi làm gặp những hoàn cảnh khó khăn, thầy Thành là người kết nối cộng đồng, chia sẻ những khó khăn đó đối với bà con và HS…
Thầy giáo Lý Chí Thành đứng ra kêu gọi, vận động kinh phí và trực tiếp tham gia làm 6 km đường ở thôn Xa Rường, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa |
Sống cho đi đâu chỉ nhận riêng mình…
Thầy Thành kể: “Cách đây cũng khá lâu, tôi cùng một số bạn tình nguyện viên của Nhóm “Từ thiện Khe Sanh” vượt hàng chục km đèo dốc mang gạo, áo quần và một số vật dụng thiết yếu lên trao tặng bà con ở thôn Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa. Tôi đã gặp hoàn cảnh gia đình anh Hồ A Đinh ăn chuối xanh sống qua ngày. Hai đứa con của anh Đinh mới lên ba, lên bảy, thế mà suốt một tuần đó, bữa ăn của chúng cũng chỉ gói gọn trong buồng chuối xanh ấy.
Anh Đinh bị một khối u lớn ở đầu, do không có điều kiện đến bệnh viện khám và chữa trị nên sức khỏe ngày càng yếu; vợ của anh Đinh bị mắc bệnh thần kinh, tâm trí không ổn định nên không thể lao động được; hai cháu nhỏ thì bị suy dinh dưỡng nặng, có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng”.
Quá thương xót và đồng cảm với hoàn cảnh cơ cực của gia đình anh Hồ A Đinh, thầy Thành tìm mọi cách kêu gọi, trợ cấp gạo, muối và thực phẩm trong vòng 1 năm. Không chỉ lo lắng về đời sống, thầy Thành thường xuyên đến nhà để thăm hỏi và động viên gia đình anh Đinh vượt qua khó khăn, cố gắng lao động cải thiện kinh tế, có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái thành người. Cứ thế, cuộc sống của gia đình Hồ A Đinh dần dần đổi thay và có thể tự chủ được một phần…
Một trường hợp khác là sinh viên Nguyễn Thị Nguyệt, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, từng nghĩ đến việc bỏ học do khó khăn. Cầm giấy báo nhập học đại học nhưng Nguyệt không thể vui bởi cuộc đời không may mắn của mình. Nguyệt mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bệnh tật triền miên, bà nội già yếu phải nằm liệt giường nên dù học rất giỏi nhưng không có đủ tiền để tiếp tục đến trường. Và rồi thầy giáo Thành đã gặp Nguyệt trong một chuyến thiện nguyện. “Khi nghe Nguyệt kể về hoàn cảnh, tôi xúc động rơi nước mắt, bởi hoàn cảnh của em bây giờ giống tôi của hơn 20 năm về trước”, thầy Chí Thành tâm sự.
Quay trở lại Hướng Hóa, thầy Lý Chí Thành cảm thấy day dứt khôn nguôi với hoàn cảnh của Nguyệt cùng ước mơ vào giảng đường cháy bỏng của một tân sinh viên nghèo. Một lần nữa, thầy lại đứng ra vận động, kêu gọi sự hỗ trợ từ những người đồng hành thân thiết, những mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Sau hơn 1 tuần, số tiền 20 triệu đồng đã được trao đến sinh viên Nguyễn Thị Nguyệt trong niềm vui vô hạn của gia đình bởi ước mơ được bước vào giảng đường đại học đã thành hiện thực.
Rồi cứ thế, ngoài giờ dạy, những lúc rảnh rỗi, thầy Thành lại tìm đến những nơi xa xôi, những hoàn cảnh khó khăn để xem mình có thể giúp được gì không. Ước nguyện lớn nhất của thầy Thành lúc này là có thể xây dựng một mái ấm tình thương, nơi quy tụ những mảnh đời bất hạnh, cho những số phận không được may mắn. Một nơi mà mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, được đến trường, được vui vẻ, được mơ ước, được bình đẳng... và trên hết là được thương yêu như mọi người.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga -
Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị