Thay vì cấm cản, cha mẹ có thể biến những đồ chơi, đồ thật trong gia đình thành giáo cụ để kích thích trẻ sáng tạo.
“Phá” để tìm hiểu
Anh Xuân Tùng (Long Biên, Hà Nội) làm trong lĩnh vực nội thất ô tô. Công việc của anh là tháo lắp, kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách hàng. Vì vậy, cậu con trai mới 5 tuổi của anh đã có sở thích bắt chước bố, thích tháo rời các thứ, từ đồ chơi cho đến đồ gia đình rồi táy máy, loay hoay, cố gắng lắp ráp lại.
Anh Tùng kể, anh mới mua cho con chiếc ô tô đồ chơi, cậu bé rất thích nhưng chỉ hôm sau chiếc ô tô đã bị tháo tung ra và trong trạng thái “thất lạc phụ tùng” và xộc xẹo do lắp ráp lại không khớp.
Có lần, cu cậu tháo cả chiếc đồng hồ đeo tay mẹ mới mua cho để xem bên trong có những gì nhưng không lắp lại được. Anh Tùng chỉ biết lắc đầu rồi đem đồng hồ đi sửa.
Giống như anh Tùng, nhiều cha mẹ có chung “quan ngại” về những lần “phá” đồ của con mình. Thế nhưng, theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm GD trẻ Hà Đông), trẻ em đứng trước bất kỳ đồ vật nào cũng cảm thấy tò mò. Cầm ô tô đồ chơi trên tay thì muốn biết tại sao xe lại chạy được khi điều khiển; muốn biết cấu tạo của nó như thế nào nên tháo bánh, tháo pin để xem.
Trẻ cũng có ý thức lắp lại nhưng lắp vào vẫn thiếu ốc và có lắp lại được thì ô tô cũng không hoạt động như trước.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình cho rằng, trẻ thích “phá” đồ không phải là do hư, nghịch ngợm mà tò mò, hiếu kì. Cha mẹ hãy coi đây là động lực thôi thúc trẻ khám phá, tìm hiểu tất cả những thứ xung quanh và đồ chơi cũng như đồ dùng là những thứ chúng thích.
Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể do bé bắt chước người lớn và để thỏa mãn nhu cầu khám phá của mình, điều này có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức của trẻ.
Chúng ta biết rằng, ngay từ khi sinh ra trẻ đã tò mò, muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Trẻ khám phá thế giới bằng miệng khi cầm bất cứ vật gì trong tầm tay, đều cho lên miệng để thử.
Lớn hơn, trẻ sẽ dùng tay để nhặt và ném đồ xem nó có vỡ ra không, hay sẽ tìm cách mở ra xem bên trong có gì. Đó là những bước cơ bản nhất để khám phá một đồ vật. Tiếp theo, trẻ bắt chước những thứ cha mẹ thường làm để học theo, với xu hướng thích tháo lắp, bẻ nhỏ, bóc tách mọi thứ.
Biến vật dụng thành giáo cụ
Thuở nhỏ, Thomas Edison nổi tiếng là một cậu bé hiếu kì. Trong khi bạn bè đồng trang lứa còn ham chơi thì ông không chỉ luôn băn khoăn tìm hiểu mọi vật xung quanh, mà còn muốn hiểu thấu đáo các vật đó.
Mẹ Edison là một giáo viên và bà đã khuyến khích, dạy con học, làm thực nghiệm. Nhờ vậy, sau này Edison trở thành một nhà khoa học lỗi lạc với nhiều phát minh nổi tiếng thế giới.
Theo chuyên gia tâm lý Đào Ngọc Cường (Công ty Cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt), trẻ hay “phá hoại” thường thông minh và có tư duy, nhận thức tốt. Điều quan trọng là cha mẹ nên có phương pháp giáo dục phù hợp để trẻ biết quý trọng vật dụng mà vẫn phát huy được tính sáng tạo.
Hiếu động và “phá hoại” vốn là bản tính tự nhiên, là biểu hiện ban đầu của sự sáng tạo. Đó là hệ quả của tính tò mò. Bởi vậy, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội khám phá, khéo léo dẫn dắt, bồi dưỡng tinh thần ham học hỏi, phát triển não bộ cũng như khả năng xử sự sau này của trẻ.
Thay vì cấm cản, cha mẹ có thể biến những “đồ thật” trong nhà thành giáo cụ hay đồ chơi để kích thích sáng tạo của trẻ. Chị Nguyễn Minh Trang chia sẻ, bốn bạn nhỏ nhà chị rất thích nghịch đồ, nhất là đồ làm việc của mẹ, càng cấm cản lại càng tò mò, háo hức. Mỗi lần mở máy tính ra làm việc được một lúc là y như rằng cả đám lại chạy ra thò ngón tay chọc chọc, gõ gõ vào bàn phím của mẹ xong cười thích thú.
Thế nên, chị Nguyễn Minh Trang đã nghĩ tới việc xin một cái bàn phím máy tính cũ làm giáo cụ học tập cho các bạn nhỏ. Chỉ là một cái bàn phím cũ nhưng có nhiều trò để chơi vui, lại dạy trẻ nhận biết con số, chữ cái và các thao tác làm việc với máy tính.
Theo chị Trang, với trẻ trong độ tuổi 0 - 2 tuổi thì dùng chiếc bàn phím như một món đồ chơi phát triển xúc giác, vận động các ngón tay khi mỗi lần giơ ngón tay thao tác gõ gõ vào các phím bấm. Trò này rất vui vì gõ phím còn tạo ra các âm thanh tách tách.
Với các bạn từ 2 - 4 tuổi thì cho học số lượng, tập đếm, học chữ cái. Thay vì học số, học chữ bằng cách chỉ vào số/chữ đó, giờ các bạn nhỏ sẽ giơ ngón tay ra gõ “tách” một cái lên bàn phím, vừa vui vừa thú vị.
Còn với bạn 4 - 6 tuổi thì cho học ghép vần, tập đọc. Trò này vừa giúp con nhớ mặt chữ, nhớ các âm/vần lại dễ dàng hơn khi con tập viết chính tả và tập đọc sau này. Với bạn 6 tuổi trở lên được làm quen với việc gõ máy tính bằng mười đầu ngón tay. Thực hành gõ máy tính vừa giúp việc học chữ, luyện ghép vần, luyện chính tả vừa giúp con thành thạo một kỹ năng cơ bản của thời đại 4.0.
Như vậy, muốn trẻ có sự ưa thích đối với các sự vật xung quanh, tiền đề cho sự ham mê và là khởi điểm cho việc hướng nghiệp sau này, cha mẹ hãy tìm cách kích thích tính tò mò của trẻ, tạo những cơ hội để trẻ khám phá. Đôi khi cũng xảy ra những sự đáng tiếc như vỡ đồ hay hư hỏng đồ… Nhưng chính những thứ đó cũng là những bài học có giá trị, để trẻ vừa tăng thêm kỹ năng, vừa thêm hiểu biết.
Nói thế không có nghĩa là cha mẹ cứ thả cho trẻ tự khám phá, tìm tòi, “phá” đồ. Trước khi để con “tự lo” khám phá, cha mẹ cũng cần xem xét đến yếu tố an toàn một cách tương đối, lưu ý đến những nguy cơ có thể gây ra té ngã, cháy nổ hay điện giật. Nhưng điều quan trọng, cha mẹ nên tạo điều kiện và khuyến khích sự tìm tòi, khám phá để kích thích tối đa khả năng phát triển tư duy cho trẻ.