Đưa trẻ hiếu động vào nề nếp

GD&TĐ - Nếu con bạn có những biểu hiện quá hưng phấn, như vận động thường xuyên không có mục đích, lôi phá đồ vật... không phải bé có trí tuệ kém hơn so với bạn bè, mà chỉ kém tập trung hơn và nhanh nhẹn hơn. 

Đưa trẻ hiếu động vào nề nếp

Đó là sự hiếu động. Sự can thiệp, hướng dẫn sớm của cha mẹ sẽ giúp trẻ giảm “nghịch ngợm” và có nề nếp trong cuộc sống và học tập.

Phát hoảng vì con hiếu động

Nghe chị Thúy Hà (Công ty CP Kim khí Thăng Long) phàn nàn về sự hiếu động “kinh khủng khiếp” của cậu con trai 6 tuổi mà đồng nghiệp ai cũng phát hoảng. Nhưng ai cũng trấn an chị Hà đừng quá lo lắng vì thằng bé đang còn ở tuổi ăn tuổi nghịch, học hết lớp 1 sẽ khác…

Thế nhưng, hôm trường thằng bé cho học sinh nghỉ học để tổ chức đại hội công nhân viên chức, mẹ nó phải cho con đến cơ quan. Chứng kiến thằng bé chạy nhảy, leo trèo khắp nơi, luôn chân luôn tay động đậy thì mọi người mới hiểu được nỗi khổ của bà mẹ khi cứ phải theo sau trông chừng...

Làm thế nào để xác định con bạn là đứa trẻ quá hiếu động, hay chỉ đơn giản nó là đứa bé sống động và hoạt bát? Trẻ hiếu động có một số biểu hiện sau: Dễ hưng phấn, tích cực vận động, có xu hướng thay đổi đột ngột tâm trạng và biểu hiện cảm xúc thái quá, không tập trung, rối loạn phối hợp vận động, khó khăn trong học tập.

Bên cạnh đó, trẻ rất hay đánh nhau, bởi chúng thường nói những điều không được suy nghĩ cẩn thận, xúc phạm đến bạn cùng trang lứa - đứa trẻ nói trước, sau mới suy nghĩ. Nguyên nhân gây lộn cũng có thể khác, chẳng hạn những bé quá năng động này cố tiến tới vai trò thủ lĩnh, nhưng ý tưởng của chúng không thu hút và không nhận được sự ủng hộ của bạn bè. Bởi vậy theo thời gian, trẻ sẽ chỉ còn lại một mình vì không ai muốn kết bạn với nó.

Chị Mai Thục có cô con gái nghịch như con trai than thở: “Con bé có kết quả học tập làng nhàng không phải vì khó khăn trong nhận thức mà vì nó rất khó tập trung sự chú ý vào một môn học nào đó. Những lỗi trong bài tập không phải do không hiểu mà do sự không chú ý. Ở trường, một đứa học sinh quá hiếu động khó tổ chức bản thân bởi vậy chúng luôn luôn không kịp làm một cái gì đó và bị xao lãng. Còn thầy cô lại tưởng rằng nó cố ý không nghe giảng…”.

Khéo léo khuyến khích con

Nhiều người có quan niệm sai lệch là những trẻ hiếu động chỉ thích hoạt động hay chạy nhảy mà không biết lắng nghe. Có con, cháu hiếu động, ông bà, cha mẹ nên cùng tham gia với con trong các hoạt động học tập sinh hoạt tại nhà và hướng dẫn trẻ các nguyên tắc, lối cư xử hợp lý để giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất về tâm sinh lý.

Các bậc phụ huynh sẽ giúp trẻ ưa vận động học tốt hơn bằng cách chỉ giao cho con những bài học thật ngắn và luôn nghỉ giải lao giữa các phần và đúng vào phần bé hào hứng nhất. Vì như vậy, bé sẽ bắt nhịp được ngay khi tiếp tục trở lại.

Đặc biệt với trẻ em ưa vận động, thầy cô, các bậc cha mẹ nên khéo léo khuyến khích trẻ sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn nhiều việc la mắng, bắt ne bắt nét.

Chị Bùi Mai Ngọc và các chuyên gia giáo dục sớm thuộc Trung tâm GD Đại Dương Xanh (Hà Nội) đã chia sẻ và hướng dẫn các phụ huynh những kinh nghiệm dạy con hiếu động. Cụ thể:

Dạy toán: Các mẹ hãy dạy cho trẻ phép chia khi cắt một chiếc bánh và yêu cầu con gấp tờ giấy cắt theo. Trẻ sẽ học rất nhanh theo cách này. Khi dẫn trẻ đi mua sắm bạn có thể giải thích cho bé hoa quả và rau thường được bán theo cân và cho cháu đi chọn và tự cân. Hãy hỏi bé ước tính số quả bé chọn trọng lượng bao nhiêu và gợi ý cho trẻ tự thêm vào và bớt ra cho đủ số cân trẻ muốn mua.

Dạy đọc: Bố mẹ hãy dùng các tiêu đề sách báo hay các bộ chữ có đính nam châm để dạy đánh vần. Trẻ học theo kênh vận động sẽ nhớ từ khi tự tay bé làm hay vừa đọc vừa chỉ vào dòng chữ đó. Khi đọc truyện, bạn hãy phân vai cho con đóng một vai tích cực rồi ghi âm cho con nghe lại hay đóng lại vai với các thành viên khác trong gia đình.

Học bằng chơi: Mẹ có thể dạy con thông qua các trò chơi đánh vần, lên bảng làm cô giáo, hay dùng các thẻ nhớ. Cũng có thể dùng máy tính để dạy ngôn ngữ và toán vì khi trẻ được dùng tay sẽ tăng hứng thú học tập.

Dạy viết: Dùng các tiêu đề theo A, B, C để tạo ra từ, dùng các từ chính để tạo ra câu, sử dụng các câu để ghép lại thành đoạn văn. Thay vì cho con đọc truyện tranh mẹ hãy cắt những cụm từ ra khỏi tranh rồi yêu cầu trẻ ghép vào hoặc điền chữ cho đúng trật tự, văn cảnh.

Học thuộc lòng: Cho trẻ những thẻ có tranh, chữ hay thẻ trắng yêu cầu con tự viết thông tin lên thẻ, trẻ sẽ nhớ rất dễ dàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ