Những cách bảo quản đồ dùng dạy học đơn giản, hiệu qủa

GD&TĐ - Đồ dùng dạy học là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình dạy học; tuy nhiên, việc quản lý đồ dùng dạy học một cách hữu hiệu không phải trường nào cũng thực hiện tốt, gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học.

Những cách bảo quản đồ dùng dạy học đơn giản, hiệu qủa

Kinh nghiệm nhiều năm công tác, Đỗ Thị Hiệu - Trường THPT 4 Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã đưa ra những biện pháp quản lý đồ dùng dạy học (ĐDDH) hiệu quả, thiết thực.

Lập sổ “Sổ thiết bị giáo dục”

Hàng năm các ĐDDH được bổ sung từ các nguồn: Được cấp, tự mua sắm, tự làm, được tặng,… Những ĐDDH này đều được vào “Sổ thiết bị giáo dục”.

Sổ thiết bị giáo dục được phân ra theo từng khối, từng môn và thiết bị giáo dục dùng chung. Để quản lý ĐDDH hiệu quả việc cần thiết đầu tiên là phải lập sổ thiết bị giáo dục.

Với sổ này, lãnh đạo nhà trường dễ dàng kiểm tra việc quản lý ĐDDH. Giúp cán bộ quản lý thiết bị nắm bắt được số lượng thiết bị hiện có theo từng năm học hoặc có sự thay đổi về cán bộ quản lý thiết bị thì người mới nhận nhiệm vụ cũng biết được số lượng thiết bị hiện có trong nhà trường.

Phân loại và sắp xếp ĐDDH

Thiết bị dạy học (TBDH) nhập về được phân loại theo: Dụng cụ, hóa chất, tranh ảnh, bảng biểu, … theo khối, theo môn và thiết bị dùng chung. Được sắp xếp khoa học, đẹp mắt và mất ít thời gian khi tìm kiếm, dễ quản lý.

Khi sắp xếp TBDH cần chú ý: Không để hóa chất chung với các thiết bị như: Máy vi tính, máy chiếu,…vì dễ bị oxi hóa làm hư hỏng.

Các hóa chất được để trong giá kính tránh bị bay mùi làm mất độ chính xác của hóa chất và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh, các hóa chất dạng dung dịnh được xắp đặt ở ngăn thấp nhất trên giá vì chúng dễ vở và tránh bị đổ hóa chất và người.

Sau cùng là dán tiêu đề (dán nhãn) lên phía trên cùng của kệ, của giá thiết bị theo khối, theo môn để dễ tìm. (Ví dụ: Tranh địa lý khối 10; Tranh sinh học khối 12; Vật lý khối 11 – Thiết bị thực hành; Vật lý khối 12 – Thiết bị biểu diễn; Thiết bị dùng chung; …)

Lên kế hoạch sử dụng ĐDDH theo phân phối chương trình

Ngay từ đầu năm nhà trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn “Sổ kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học” theo từng khối, từng môn.

Trong sổ kế hoạch này tổ chuyên môn đã nêu được: Sẽ sử dụng thiết bị gì cho tiết nào? Thiết bị dạy học đó sẽ khai thác ở đâu? (Thiết bị hiện có của trường hay tự làm) để có những kiến nghị, đề xuất với nhà trường.

Dựa vào kế hoạch của từng tổ chuyên môn cán bộ phụ trách ĐDDH sẽ có kế hoạch chung về việc sử dụng ĐDDH cho toàn trường.

Để có thời gian chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ, hoá chất thực hành theo yêu cầu của giáo viên bộ môn, vào thứ 6 cuối tuần giáo viên nộp lại “Phiếu báo sử dụng thiết bị” cho tuần kế tiếp, để cán bộ quản lý thiết bị có thời gian chuẩn bị đồ dùng dạy học theo đúng tiết mượn của giáo viên.

Cách này giúp bố trí được thời gian chuẩn bị đồ dùng, tránh mượn trùng lặp một loại đồ dùng trong cùng một tiết dạy mà số lượng đồ dùng ít.

Làm công tác cho mượn

Mỗi giáo viên bộ môn đã có trong tay danh mục ĐDDH. Khi chuẩn bị thiết kế bài giảng trên lớp, giáo viên tra cứu vào danh mục ĐDDH biết được tiết học cần chuẩn bị những ĐDDH nào để phục vụ tiết dạy và đăng ký theo mẫu “Phiếu báo sử dụng thiết bị ” ở trên.

Cán bộ phụ trách thiết bị sẽ chuẩn bị sẵn đồ dùng, dụng cụ, hoá chất thực hành,…. Giáo viên bộ môn chỉ việc đến nhận đồ dùng và kí mượn vào sổ “Sổ theo dõi sử dụng thiết bị dạy học”.

Khi sử dụng xong giáo viên mang đồ dùng đến xác nhận tình trạng thiết bị và kí trả. Cán bộ phụ trách có trách nhiệm làm sạch và bảo quản các thiết bị sau khi đã sử dụng.

Khắc phục những TBDH hư hỏng

Những ĐDDH qua thời gian sử dụng không tránh khỏi hư hỏng, rách nát. Có thể khắc khục bằng cách: Mua phụ tùng về thay thế, sữa chữa; dùng hồ dán, keo dán, băng dính, … để khắc phục.

Vệ sinh phòng TBDH

Theo quy định vệ sinh phòng ĐDDH 2 lần/1 tuần vào các ngày thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Cụ thể các công việc như sau: Quét dọn; lau bụi bám trên các đồ dùng, dụng cụ, tranh ảnh, …; thau rửa các dụng cụ, ống nghiệm thực hành.

Bảo quản TBDH

Cán bộ quản lý ĐDDH muốn bảo quản ĐDDH được tốt phải có kế hoạch đề phòng các tác nhân gây hại như:

Đề phòng tại nạn thiên tai: Tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường để phòng TBDH được đặt ở tầng II tránh bão lụt.

Chuẩn bị sẵn các vật che phủ, phương tiện chống ẩm đề phòng mưa bão hắt nước vào đồ dùng, dụng cụ, hoá chất.

Đề phòng hoả hoạn: Phòng ĐDDH là nơi chứa nhiều thiết bị, hoá chất dễ cháy nổ vì thế không được đun nấu dưới bất kì hình thức nào trong phòng. Trong phòng luôn luôn phải có dụng cụ phòng cháy chữ cháy đề phòng bất chắc.

Đề phòng côn trùng gây hại như: Mối, mọt, chuột, dán, … bằng cách: Thường xuyên kiểm tra các góc nhà; Kiểm tra tủ, giá để thiết bị, các thùng (hòm) đựng hoá chất để kịp thời phát hiện ổ bệnh.

Đề phòng kẻ xấu gây hại bằng cách: Kiểm tra lại phòng TBDH, buộc cửa sổ, đóng cầu giao, khoá cửa chắc chắn trước khi ra về.

Kiểm kê TBDH

Các thiết bị dạy học được kiểm kê theo định kỳ 2 lần/1năm (vào cuối học kỳ I và cuối học kỳ II). Để cán bộ phụ trách ĐDDH biết được số lượng thiết bị sau một học kỳ, sau một năm học; biết được những thiết bị nào đã bị hư hỏng, thiết bị nào còn thiếu.

Thanh lý ĐDDH

Qua việc kiểm kê theo định kỳ cán bộ phụ trách ĐDDH sẽ lập ra danh sách các thiết bị hư hỏng để thanh lý kịp thời. Từ đó, vừa tạo được không gian thoáng mát vừa có thêm diện tích để xếp đặt các thiết bị mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ