Hiệu quả từ lớp mô hình 'tiết học mở' tại TPHCM

GD&TĐ - Các "Tiết học mở" được các trường tiểu học tại TPHCM tổ chức ở sân trường, căng tin, sân bóng đá,... tạo sự thích thú lớn cho học sinh.

"Tiết học mở" tại Trường tiểu học Thuận Kiều.
"Tiết học mở" tại Trường tiểu học Thuận Kiều.

Mô hình này cũng đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Xây dựng tình yêu học tập cho học sinh

Từ năm học 2023/2024, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đã áp dụng mô hình “Tiết học mở” với các hình thức đa dạng, từ không gian lớp học truyền thống đến các khu vực khác trong trường. Đặc biệt, tại các tiết học này, không chỉ có thầy cô giáo và học sinh, mà còn có sự tham gia của phụ huynh.

Qua các “Tiết học mở”, các trường hướng đến công khai, minh bạch việc dạy học, chất lượng giảng dạy, giúp phụ huynh nắm bắt trực tiếp. Đồng thời, mô hình này tạo sự gắn kết, đồng thuận giữa gia đình và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (phường Phú Thọ) cho biết, trong công tác giảng dạy, việc truyền cảm hứng và xây dựng tình yêu học tập cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. Điều này đòi hỏi giáo viên không ngừng sáng tạo, áp dụng công nghệ hiện đại và lồng ghép hoạt động trải nghiệm để học sinh học qua thực hành và khám phá.

Theo bà Hương, mỗi “Tiết học mở” được tổ chức trong khoảng 35 phút, giáo viên chủ động lựa chọn địa điểm phù hợp với nội dung bài học, có thể tại lớp học hoặc không gian mở.

“Việc thay đổi không gian dạy học đã tạo sự đổi mới, sáng tạo. Học sinh tham gia học tập tích cực, hào hứng, giờ học sôi nổi và hiệu quả”, bà Hương chia sẻ.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Thuận Kiều (phường Đông Hưng Thuận), lớp học không còn giới hạn trong bảng đen, phấn trắng và dãy bàn ghế truyền thống. Với sự sáng tạo trong giảng dạy, “Tiết học mở” mang đến những không gian học tập đa dạng, phong phú.

Cô Lê Thị Thoa – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, giáo viên được chủ động lựa chọn địa điểm tổ chức, có thể tại lớp học, sân bóng, căng tin, sân trường, thư viện, Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh hoặc các phòng bộ môn.

“Để tiết học thu hút học sinh, giáo viên đã đầu tư rất nhiều, từ phương pháp giảng dạy đến tổ chức các trò chơi bổ ích, trực quan, sinh động. Qua đó, tạo sự đổi mới, sáng tạo; học sinh tham gia học tập tích cực, hào hứng, giờ học sôi nổi và hiệu quả”, cô Thoa cho hay.

Tăng kết nối nhà trường, phụ huynh

Trên thực tế, mô hình “Tiết học mở” mang lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho học sinh mà còn cho gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể, mô hình này tạo ra sự minh bạch trong hoạt động giáo dục, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về chương trình học và phương pháp giảng dạy của nhà trường. Điều này góp phần tăng cường sự gắn kết và phối hợp hiệu quả giữa phụ huynh và nhà trường.

tiet-hoc-mo-2.jpg
"Tiết học mở" môn Toán của học sinh Trường Tiểu học Thuận Kiều.

Ông Lê Ngọc Điệp – nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) chia sẻ: “Việc học tập trong không gian mở khơi dậy hứng thú với kiến thức, đồng thời tạo cơ hội để học sinh phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và khả năng tư duy, giúp các em tiếp thu bài học tự nhiên, chủ động. Đặc biệt, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy không chỉ giúp giáo viên truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy cảm hứng và tiềm năng sáng tạo của học sinh”.

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thoa cho rằng: “ ‘Tiết học mở’ là một hình thức công khai chất lượng giáo dục với phụ huynh, không chỉ qua những con số trong báo cáo mà thông qua các tiết dạy thực tế. Mô hình này nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh, giúp giáo viên và nhà trường không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Anh Nguyễn Duy Tiệp, có con học lớp 3/2, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (phường Hiệp Thành) chia sẻ: “Từng tham gia một “Tiết học mở”, bản thân cảm thấy vui khi chứng kiến các con học chương trình mới, được thực hành, thảo luận, bày tỏ ý kiến, bạn bè và thầy giáo đánh giá. Mô hình này chắc chắn thúc đẩy sự ham học tập của các con, nên tôi yên tâm khi nhà trường áp dụng cách dạy học mới như vậy. Qua việc dự khán, tôi hiểu thêm về phương pháp và sẽ phối hợp tốt hơn với nhà trường trong giáo dục con”.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, trước đây, “Tiết học mở” chủ yếu được thực hiện với môn tiếng Anh. Từ năm học 2023/2024, Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức “Tiết học mở” cho tất cả các môn học.

“Tham gia ‘Tiết học mở’, phụ huynh được chứng kiến quá trình học tập, vui chơi, rèn luyện và sinh hoạt của con tại trường, từ đó hiểu rõ cách các em học tập. Mô hình này khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường, đồng thời tạo sự kết nối với phụ huynh, hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc”, bà Thúy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ