Mới đây, ngày 3-11, nữ minh tinh lừng lẫy một thời ở Hồng Kông là Hạ Mộng đã qua đời ở tuổi 83. Giới truyền thông và người hâm mộ rất quan tâm đến Hạ Mộng không chỉ vì bà từng là cô đào sắc nước hương trời, một “Audrey Hepburn phương Đông”, một “Trường Thành đại công chúa” mà còn là hóa thân của những nhân vật Tiểu Long Nữ, Hoàng Dung, Vương Ngữ Yên dưới ngòi bút của Kim Dung.
Giấc mộng đêm hè
Kim Dung từng tán dương: “Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai nhìn thấy. Tôi nghĩ Tây Thi phải giống như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền”.
Kim Dung và Hạ Mộng làm việc tại Công ty Chế tác phim ảnh Trường Thành Ảnh: INTERNET
Hạ Mộng tên thật là Dương Mông, sinh năm 1933 tại Thượng Hải - Trung Quốc trong một gia đình giàu có. Mẹ của Hạ Mộng là Cát thị, một người đẹp có tiếng.
Đầu năm 1930, Trường Giang xảy ra lũ lụt lớn. Một trong các hoạt động kiếm tiền cứu trợ ở Thượng Hải là chọn 10 cô gái đẹp nhất đi bán hoa tươi, giá cả tùy theo người mua. Kết quả là đóa hoa hồng của Cát tiểu thư được mua đến 500 đồng bạc Tây Dương - một số tiền cực lớn thời bấy giờ.
Gia đình Hạ Mộng đều mê âm nhạc, diễn kịch, ai cũng có thể xướng Kinh kịch, chơi nhị hồ, kinh hồ, đàn nguyệt… Năm 1947, Hạ Mộng theo gia đình định cư ở Hồng Kông, học trường Anh văn nữ tu Maryknoll College. Hạ Mộng sớm thể hiện tài năng diễn xuất. Vai đầu tiên cô thủ diễn là nhân vật chính trong vở “Thánh nữ Jeanne d’ Arc” đã ấn chứng tài năng này.
Khoảng năm 1950, cô bạn học Mao Muội của Hạ Mộng có cha là Viên Ngưỡng An, đang quản lý Công ty Chế tác phim ảnh Trường Thành. Nhìn thấy bạn của con gái cao hơn 1,7 m, dáng vóc thon thả, dung nhan xinh tươi, thuần khiết, thanh nhã, Viên Ngưỡng An và đạo diễn Lý Bình Thanh mừng rỡ như được bảo vật, liền đề nghị ký hợp đồng.
Nhà văn Cao Hùng và đạo diễn Lý Bình Thanh cùng bàn chuyện đặt nghệ danh cho Dương Mông. Lúc ấy là mùa hạ, liên tưởng đến vở “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare, họ quyết định lấy nghệ danh cho cô là Hạ Mộng.
Tháng 10-1951, tác phẩm điện ảnh đầu tiên do Hạ Mộng đóng vai chính là “Cấm hôn ký” đã thành công rực rỡ. Tiếp đó, hàng loạt bộ phim của Công ty Trường Thành do Hạ Mộng thủ vai chính như:
“Đêm tân hôn”, “Tỷ muội khúc”, “Nhật xuất”, “Bản giao hưởng đô thi”̣, “Kim chi ngọc diệp”, “Ngự muội Lưu Kim Đính”, “Vương lão hổ cướp thân”… đã đưa cô trở thành “đại công chúa” trong “Trường Thành tam công chúa” - hai người còn lại là diễn viên nổi tiếng Thạch Tuệ và Trần Tư Tư.
Hoa đã có chủ
Từ năm 1953, Kim Dung - với bút danh “Lâm Hoan” - đã viết ít nhất 50 bài lý luận, phê bình điện ảnh cho Trường Thành họa báo và viết các bộ tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên: “Thư kiếm giang sơn” (Thư kiếm ân cừu lục), “Bích huyết kiếm”.
Năm 1957, Kim Dung quyết định đầu quân cho Công ty Chế tác phim ảnh Trường Thành để làm một chân biên kịch, chuyên viết kịch bản điện ảnh. Lúc này, ông đã chia tay người vợ đầu và quyết định lưu lại công ty. Quyết định này về sau được “giải mã” là vì Kim Dung say mê Hạ Mộng.
Kim Dung không bình luận về chuyện đó nhưng có câu trả lời hóm hỉnh: “Xưa kia, Đường Bá Hổ yêu a hoàn Thu Hương của một phú hào. Để gần gũi cô ấy, Bá Hổ không tiếc bán thân vào nhà kia làm nô. Kim Dung tôi so với Bá Hổ còn kém xa lắm!”.
Nữ nhà văn Tam Mao, một người quen của Kim Dung, đã nhận xét: “Chỗ đặc biệt trong tiểu thuyết Kim Dung là viết về một thứ mà cho đến nay, loài người vẫn không nắm bắt được.
Nó có thể khiến người ta lên thiên đàng hay xuống địa ngục, đó là chữ “tình”. Mà nếu không biết được đoạn tình sử của Kim Dung và Hạ Mộng thì sẽ không hiểu được “tình duyên” mà ông miêu tả trong tiểu thuyết”.
Sau này, nhà văn, dịch giả Thẩm Tây Thành - người rất thân với Kim Dung và Nghê Khuông - trong cuốn sách “Kim Dung và Nghê Khuông” đã khẳng định lại “thuyết Hạ Mộng”.
Theo Thẩm Tây Thành, các nhân vật nữ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung như Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ, Vương Ngữ Yên, “từ cái liếc mắt, nụ cười đều mang bóng dáng của Hạ Mộng”.
Đoạn tình sử tài tử - giai nhân này không đi đến đâu, đơn giản vì lúc ấy Hạ Mộng đã là hoa có chủ. Năm 1954, Hạ Mộng kết duyên với thương nhân Lâm Bảo Thành. Kim Dung đành ngậm ngùi: “Tuy dòng nước có tình nhưng cuối cùng vẫn phải chảy về đông...”.
Thời gian ở Trường Thành, Kim Dung đã viết không ít kịch bản như “Tuyệt đại giai nhân”, “Đừng rời xa tôi”, “Hoan hỷ oan gia”, “Cô bồ câu nhỏ”, “Thiếu nữ hoài xuân”, “Ba lần yêu”, “Tiếng đàn đêm”…
Đặc biệt, tác phẩm “Tuyệt đại giai nhân” do Hạ Mộng đóng vai Triệu Cơ đã đoạt giải thưởng điện ảnh xuất sắc ở Trung Hoa đại lục, còn Kim Dung đoạt huy chương vàng về biên kịch.
“Vương lão hổ cướp thân” do Kim Dung và Hồ Tiểu Phong làm đạo diễn, Hạ Mộng đóng vai chính cũng đã trở thành tác phẩm kinh điển phim về Việt kịch.
Năm 1958, Kim Dung rời Công ty Trường Thành, cùng bạn thành lập tờ Minh báo và vừa viết báo vừa sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp. Tuy vậy, “đại hiệp” vẫn luôn theo sát những biến chuyển của Hạ Mộng và cho đăng báo.
Tống biệt giai nhân
Tháng 9-1967, sau khi đóng 42 bộ phim, Hạ Mộng quyết định cùng chồng định cư ở Canada. Ngày 27-9-1967, Minh báo đăng trang bìa bài “Hạ Mộng đã đi Canada” kèm theo một bài tống biệt thi vị của chủ bút Kim Dung: “Xuân mộng của Hạ Mộng”. Sau này, ông còn đăng nhiều bài về việc trở lại Hồng Kông của Hạ Mộng.
Năm 1979, Hạ Mộng quay về Hồng Kông lập Công ty Điện ảnh Thanh Điểu, làm giám chế và sản xuất một số bộ phim có sự đóng góp ý kiến của Kim Dung như “Lao vào biển dữ”, “Tự thủy niên hoa” - đoạt giải Kim Tượng về phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất năm 1982 và 1984.