Những bi kịch trong đời hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc

GD&TĐ - Sau khi kết hôn, hoàng hậu Uyển Dung đã trải qua những ngày tháng đầy bi hận.

Hoàng đế và hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc.
Hoàng đế và hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc.

Hôn nhân sắp đặt và bầu không khí chính trị thời đó không mang lại cho bà điều gì ngoài sự khổ đau dai dẳng. Bà được xem là một trong những nhân vật có số phận bi thảm nhất lịch sử Trung Quốc.

Hôn nhân không hạnh phúc

Sinh ra vào cuối triều đại nhà Thanh, Uyển Dung được vị hoàng đế cuối cùng, Phổ Nghi, chọn làm vợ chính thức. Sau lễ cưới xa hoa, hoàng hậu trẻ nhận ra nhà vua không yêu thương gì mình, mà đang say đắm một phi tần. Đối với Uyển Dung, đây là điều khó chấp nhận nên bà suy sụp, thường xuyên đau ốm, phải dùng thuốc phiện để điều trị, dẫn đến nghiện nặng.

Trong khi đó, bất ổn chính trị ở Trung Quốc đã đặt cả Uyển Dung và Phổ Nghi vào tình thế bấp bênh trong vai trò lãnh đạo bù nhìn của Mãn Châu quốc. Khi xung đột nổ ra cả trong và ngoài Trung Quốc, Uyển Dung rơi vào tay quân du kích, phải chịu cảnh tù đày và chết trong đau đớn.

Sinh ra năm 1906 tại Bắc Kinh, hoàng hậu tương lai trưởng thành vào thời nhà Thanh. Mẹ mất khi Uyển Dung còn nhỏ, nhưng bà vẫn có một cuộc sống xa hoa vì người cha đang giữ một vị trí quan trọng trong xã hội.

Vào năm 1911, cách mạng nổ ra khắp Trung Quốc đã làm thay đổi sâu sắc đất nước Trung Hoa và cả cuộc đời của Uyển Dung. Nhà Thanh bị lật đổ, dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1912.

Dù có những biến động chính trị này, vị hoàng đế trẻ tuổi của Trung Quốc, Phổ Nghi, vẫn được phép giữ lại tước hiệu. Đến tuổi kết hôn, nhà vua được hướng dẫn chọn vợ tương lai từ các tập ảnh do hoàng tộc tuyển chọn.

Ông ưng ý một cô bé 12 tuổi tên Văn Tú nhưng không được chấp thuận. Các phi tần của Quang Tự - vị vua tiền nhiệm - đã thuyết phục Phổ Nghi chọn Uyển Dung làm hoàng hậu, còn Văn Tú được phong làm Thục phi. Không thể làm khác, Phổ Nghi miễn cưỡng vâng lời.

Lúc đó Uyển Dung mới 16 tuổi và bà không hài lòng với cuộc hôn nhân sắp đặt này. Nhưng không thể chống lại quyết định của gia đình và triều đình, bà thành hôn với nhà vua vào ngày 1 tháng 12 năm 1922. Tuy nhiên, mọi thứ dường như không êm xuôi ngay từ đầu. Trong đêm tân hôn, Phổ Nghi đã bỏ cô dâu một mình trong phòng hoa chúc, lẻn ra ngoài.

Cho dù như thế nào, Uyển Dung vẫn phải sống trong vai trò hoàng hậu. Bà tiếp nhận sự hiện đại, thích ẩm thực phương Tây và nhạc Jazz, học tiếng Anh, thậm chí còn lấy tên Elizabeth, theo tên nữ hoàng Anh. Tuy thế, cuộc sống hậu trường của bà không hề bình lặng.

Bà vẫn luôn ghen tị với Thục phi Văn Tú, cô gái trẻ được Phổ Nghi sủng ái, và bắt đầu sử dụng thuốc phiện để điều trị chứng đau bụng, đau đầu. Những vấn đề nghiêm trọng hơn thế lại đến với bà vào năm 1924, khi lối sống đế vương trong Tử Cấm Thành đột ngột kết thúc.

Uyển Dung thời trẻ (trái) và Uyển Dung hoàng hậu (ảnh chụp năm 1930).

Uyển Dung thời trẻ (trái) và Uyển Dung hoàng hậu (ảnh chụp năm 1930).

Bi kịch cuối đời

Vào tháng 10 năm 1924, tướng quân phiệt Phùng Ngọc Tường tiến hành một cuộc chính biến, và Phổ Nghi, Uyển Dung cùng những người thuộc hoàng gia bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành.

Hoàng đế, hoàng hậu cùng Thục phi tìm đến thành phố Thiên Tân dưới sự bảo vệ của người Nhật. Tại đây, Uyển Dung bắt đầu gia tăng phụ thuộc vào thuốc phiện và ngày càng cảm thấy chán nản. Thực tế, Phổ Nghi chưa bao giờ yêu bà và bà luôn phải trong cảnh cô đơn, buồn chán.

Văn Tú cũng không hài lòng với cuộc sống của một phi tần và quyết định ly dị Phổ Nghi vào năm 1931. Vị hoàng đế mất ngôi đổ lỗi việc này là do Uyển Dung gây ra và gần như không nói chuyện với bà kể từ đó.

Mặc dù Phổ Nghi chính thức lên ngôi hoàng đế Mãn Châu quốc vào năm 1934, hoàng hậu Uyển Dung vẫn không hài lòng với cuộc sống mới của mình và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Bà cũng bắt đầu có những dấu hiệu bệnh tâm thần nghiêm trọng và số lượng thuốc phiện sử dụng ngày càng tăng lên.

Sức khỏe của Uyển Dung ngày càng suy sụp. Ngày đêm trong cung điện để hút thuốc phiện, bà hiếm khi ra khỏi giường, ngừng chải chuốt, trở nên gầy gò và không tham dự các sinh nhật hay lễ đón năm mới.

Bà thậm chí không hay biết thời điểm Liên Xô tiến chiếm Mãn Châu vào năm 1945, và Phổ Nghi chạy trốn bỏ mặc bà xoay xở cùng những người thân. Uyển Dung cùng với em dâu và những người còn lại của hoàng gia tìm cách trốn sang Hàn Quốc nhưng bị quân du kích bắt giữ vào tháng 1 năm 1946.

Bị giam ở Cát Lâm, bà đã trải qua những ngày cuối đời trong đau đớn và mê sảng. Vào tháng 6 năm 1946, hoàng hậu cuối cùng của Trung Quốc qua đời ở tuổi 39 vì suy dinh dưỡng và cai thuốc phiện trên sàn nhà tù lạnh lẽo.

Trong khi Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, chỉ ngồi tù vài năm rồi trở thành người làm vườn và hướng dẫn viên du lịch Tử Cấm Thành, sau khi được thả, thì hài cốt của hoàng hậu Uyển Dung không được tìm thấy. Năm 2006, vào ngày 23 tháng 10, em trai của bà đã tổ chức lễ mai táng mang tính biểu tượng, chiêu hồn cho bà vào Thanh Tây lăng, gần Bắc Kinh, hợp táng với Phổ Nghi ở Phổ Nghi mộ.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ