Những bệnh lý làm sa sút trí tuệ

GD&TĐ - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thế giới hiện tiêu tốn khoảng 604 tỉ USD để chăm sóc và điều trị bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, chiếm 1% GDP toàn cầu (bình quân gần 17.000 USD cho một bệnh nhân).

Trầm cảm khiến cơ thể luôn mệt mỏi.
Trầm cảm khiến cơ thể luôn mệt mỏi.

Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh, mà là một hội chứng vì do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, chúng có cùng chung các đặc điểm: Giảm trí nhớ và nhận thức; Giảm hoạt động; Rối loạn hành vi.

Alzheimer

Năm 1906, một thầy thuốc người Đức tên là Alois Alzheimer lần đầu tiên mô tả căn bệnh này. Sau đó thì các nhàchuyên môn tiếp tục nghiên cứu và dùng ngay tên ông mà gọi là bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer xảy ra chủ yếu ở người già, là nguyên nhân thường gặp, gây nên sự sa sút về mặt trí tuệ. Biểu hiện của bệnh là hậu quả của sự thoái hóa các tế bào não, gây giảm khả năng tư duy và lập luận. 

Ban đầu các dấu hiệu bệnh lý không rõ rệt. Nhưng dần dần người bệnh có các biểu hiện “lẩm cẩm” như không nhớ rõ những người thân quen, lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi cho dù đã được nghe câu trả lời. Người bệnh tốn nhiều thời gian để thực hiện những công việc bình thường. 

Đây là bệnh mạn tính, hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi hay làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh. Việc huấn luyện các kỹ năng sống đơn giản là cần thiết. Thuốc chỉ dùng cho các trường hợp có biểu hiện trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ mà thôi.

Suy nhược thần kinh 

Suy nhược thần kinh là một loại bệnh lý mang tính tâm căn, có nghĩa là bệnh thường khởi phát từ nguyên nhân tâm lý hoặc stress gây sang chấn tâm lý.

Ngoài ra, các nguyên nhân như thiểu năng tuần hoàn não, sau chấn thương sọ não, lao động trí óc cường độ cao cũng đều có khả năng gây ra bệnh suy nhược thần kinh. Các biểu hiện của bệnh suy nhược thần kinh bao gồm:

- Nhức đầu, chóng mặt, đau nhức mình mẩy, cơ bắp do giảm ngưỡng chịu đựng với các kích thích. Cơn đau gia tăng khi có chuyện phải suy nghĩ, lo lắng. Đôi khi, những tiếng động nhỏ cũng làm khó chịu và gia tăng sự nhức đầu.

- Giấc ngủ bị rối loạn như ngủ chập chờn, gặp cơn ác mộng, thao thức trắng đêm hay mất ngủ hoàn toàn.

- Thay đổi tính tình với các biểu hiện như dễ bị kích thích, đột nhiên cáu kỉnh, khó chịu. Đôi khi phản ứng thái quá với sự tác động của ngoại cảnh hay con người. Trí nhớ giảm, lòng kiên trì kém và dễ bị chán nản. Các trường hợp nặng, khí sắc giảm, tinh thần bị suy sụp thấy rõ, dễ bị xúc động, dễ… khóc.

Ngoài ra còn có các biểu hiện như hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác đau vùng trước tim, thở khó, vã mồ hôi, cảm giác nóng bừng hay lạnh toát, ăn uống kém. 

Các biểu hiện ở người mắc bệnh suy nhược thần kinh thường kéo dài, trên 3 tháng. Bệnh này dễ nhầm với các bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, là các bệnh được cho là có “vấn đề” về tâm thần.

Bệnh được điều trị dựa theo cănnguyên. Nếu do tâm lý thì cần tâm lý liệu pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa hay loại trừ các yếu tố tác động lên tâm lý. Nghỉ ngơi giải trí thích hợp để giải tỏa áp lực công việc hay sự căng thẳng quá mức. Ở người lớn tuổi tham gia các nhóm tập khí công, dưỡng sinh cũng mang lại nhiều kết quả tốt.

Các loại thuốc cần dùng tùy thuộc vào biểu hiện của bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau như Paracethamol, Aspirin, Efferalgan, Ibuprofen… Các thuốc tăng cường tuần hoàn não như Tanakan, Duxil, Ginkapra, Piracetam… Các loại thuốc an thần như Seduxen, Valium, Diazepam, Phenobarbital…

Nếu nguyên nhân gây bệnh được loại trừ thì bệnh không tái phát và ngược lại. 

Trầm cảm 

Trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần, trầm cảm (depression/ depressive disorder) là bệnh thường gặp nhất. Tỉ lệ mắc bệnh là 2 - 5% dân số. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng theo các thống kê, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất tập trung ở độ tuổi trên 50.

Bệnh có khuynh hướng tăng theo nhịp điệu sống căng thẳng và dồn dập của thời kỳ hiện đại.

Các nguyên nhân gây bệnh trầm cảm là:

- Stress: Bao gồm cả sang chấn tinh thần tích cực và tiêu cực, như quá vui, quá sung sướng hoặc quá buồn rầu, lo nghĩ.

- Môi trường và hoàn cảnh sống: Sống một mình, ít giao tiếp, môi trường sống khác lạ với thói quen đã có.

- Thể trạng sinh học: Bệnh trầm cảm có chu kỳ liên quan đến “kiểu người mập mạp”. Một số thể trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền.

- Biểu hiện của một số bệnh: Ở não như chấn thương sọ não, nhiễm khuẩn trong não, xơ cứng mạch máu não hay bệnh lý khác của cơ thể làm thay đổi sinh lý cơ thể như rối loạn nội tiết, bệnh về máu, ung thư, lao, nhiễm độc...

- Không rõ nguyên nhân: Một số trường hợp bị trầm cảm nhưng nguyên nhân không thể nào xác định được. 

Các biểu hiện để nhận dạng bệnh: Thường xuyên mất ngủ, ăn kém ngon. Mất tính linh hoạt: Buồn rầu, ủ rũ, trầm lặng, dáng vẻ xa lánh, cô đơn. Giảm khả năng hoạt động: Mệt mỏi, mất tập trung, hết thích thú.

Thay đổi nhân cách: Mất tính tự trọng, thiếu lòng tự tin và có ý tưởng khác lạ như tự ti mặc cảm, hoang tưởng mắc bệnh, bị hại, hành vi tự sát... Trơ với cảm xúc: Cảm giác trống rỗng, mất hết tình cảm, thiếu sự quan tâm, không còn yêu ghét giận hờn.

Phương pháp phòng bệnh: Rèn luyện nhân cách: Tập cách sống hòa đồng với mọi người, thích nghi với mọi môi trường, điều kiện sống, hoàn cảnh và công việc. Tránh hay tìm cách giảm nhẹ các stress và không để cho các stress kéo dài. Tạo cuộc sống ổn định, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý.

Tăng cường sự thăm hỏi và quan tâm lẫn nhau nhất là ở trẻ em và người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, độc thân, neo đơn. Phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh cơ thể nhằm tránh để lại hậu quả như đã nêu trong phần nguyên nhân.

Tâm thần phân liệt

Trước đây, người ta thường gọi những người có các biểu hiện bất thường về mặt tâm thần kinh là… điên. Ngày nay, “bệnh điên” là một quan niệm lỗi thời và không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Y học hiện đại đã lần lượt giải mã những căn bệnh mà xưa kia được cho là ma quỷ hoặc thần linh gây ra. 

Tâm thần phân liệt thực chất là một dạng bệnh lý của não bộ, chịu sự tác động của môi trường tâm lý xã hội và các stress. Bệnh xảy ra với những biến đổi sinh học rất phức tạp.

Theo các thống kê thì tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt có nơi đến 1%. Tức là cứ 100 người có 1 người mắc bệnh này. Tất nhiên, mức độ mắc bệnh cũng rất khác nhau. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị đúng mức, bệnh có thể khỏi hoặc thuyên giảm rất nhiều. 

Các dấu hiệu để nhận biết bệnh tâm thần phân liệt bao gồm những bất thường về hành vi và cảm xúc như là tính tình đột nhiên thay đổi, vui buồn giận dữ vô cớ, la hét, đập phá, hành hung người khác. Có trường hợp sống thu mình, tránh tiếp xúc, không nói, thậm chí không ăn. Một số thì có ảo giác như mình đang bị ai theo dõi, ám sát, đầu độc hoặc có cảm giác tội lỗi cần được tha thứ hay mắc một bệnh nặng cần được cứu chữa. 

Trong những năm gần đây, việc quản lý và điều trị những người có biểu hiện bất thường về tâm thần kinh là một trong những chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng đã được toàn xã hội quan tâm và giúp người bệnh sớm hòa nhập trở lại với cộng đồng.

Tất cả các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt đều được nhận thuốc điều trị miễn phí theo địa phương đang sinh sống dưới sự quản lý của nhân viên chuyên trách của các trạm y tế xã, phường.

Chứng hay quên 

Hay bị quên là dấu hiệu của tuổi già. Đây thường là biểu hiện của những người... sắp về hưu hay đã về hưu. Tất nhiên không phải ai về hưu cũng quên, có những chuyện họ vẫn “nhớ như đinh đóng cột” đấy chứ. Nhưng thật ra những chuyện như vậy họ cần quên đi cho... khỏe, nói cho vui là quên đi cho rảnh nợ!

Tuy nhiên, nếu thường xuyên quên, ví dụ như để cái gì ở đâu đó không nhớ rõ chỗ nào cứ phải lục tìm mãi mới thấy hoặc mới nói chuyện gì đó, vì “quên” nên lát sau nói lặp lại khiến cho người nghe nhíu mày, hoặc có những phản ứng tế nhị khác. 

Chữa bệnh quên bằng cách tăng cường hoạt động trí não như đọc sách báo, nghe radio, xem tivi, đánh cờ tướng, tập làm thơ, viết hồi ký, vẽ tranh… 

Tránh dùng nhiều cà phê, bia, rượu, thuốc lá. Tăng cường hoạt động thể lực như tập dưỡng sinh, tập thiền, tập yoga, đi bộ, chơi cầu lông, bóng bàn… Ăn uống các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng khác. 

Ngoài ra cũng cần xây dựng một cuộc sống có nguyên tắc, ngăn nắp và nền nếp. Lên kế hoạch cho các hoạt động thành một thời gian biểu cụ thể, viết ra trên giấy càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ