Những bảo vật trường tồn cùng thời gian

GD&TĐ - Đây là những hiện vật quý hiếm, độc bản và có giá trị lớn về mĩ thuật, tiêu biểu cho lịch sử - văn hóa của dân tộc.

Thanh Long đao đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, ở xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy).
Thanh Long đao đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, ở xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy).

Trong số 12 bảo vật cấp quốc gia mà thành phố Hải Phòng vừa công bố nhân kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng, thanh Long đao và tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là những sản phẩm tinh hoa, minh chứng cho tài năng, trí tuệ và giá trị lịch sử - văn hóa trường tồn của con người Việt Nam.

Cổ vật trên 500 tuổi

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - khẳng định, với những giá trị tiêu biểu, thanh Long đao thờ tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 15/1/2020. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của dòng họ Mạc Việt Nam, của nhân dân huyện Kiến Thụy, mà còn là di sản vô giá của thành phố Hải Phòng, rất cần được quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị.

12 bảo vật quốc gia vừa được Hải Phòng công bố gồm: Thanh Long đao (niên đại thế kỷ XVII - XVIII), được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, ở xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, Phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (niên đại thế kỷ XVI), trưng bày tại chùa Trà Phương, ở xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy); Bộ sưu tập gốm men trắng An Biên (niên đại thế kỷ XI - XII), trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng (quận Hồng Bàng).

Đây là những hiện vật quý hiếm, độc bản và có giá trị lớn về mĩ thuật, tiêu biểu cho lịch sử - văn hóa của dân tộc.

Ông Đỗ Xuân Trung - Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng - thông tin: 12 bảo vật quốc gia được công bố và trưng bày đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. Các bảo vật có giá trị độc bản, vẻ đẹp độc đáo riêng về giá trị lịch sử, mĩ thuật, kĩ thuật và khoa học.

Thanh Long đao vốn là cổ vật của dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định. Thanh Long đao được chế tạo bằng 2 hợp kim đồng và sắt, nặng 12,8 kg, tổng chiều dài 2,4m, lưỡi đao dài 0,96m, cán làm bằng sắt rỗng. Dọc sống đao có nhiều nét hoa văn độc, lạ.

Thanh Long đao được xếp vào loại đại long đao theo phân loại binh khí cổ bởi kích thước dài và lớn hơn mức trung bình của nó so với hầu hết các loại đao cận chiến thường thấy.

Phần khâu đao của nó được tạo tác theo hình dạng đầu rồng thu nhỏ, thay cho chỗ chắn hộ thủ quen thuộc thường thấy ở các loại đao khác nhau. Chuôi đao trông như thể đầu rồng con đang há miệng nuốt lấy phần cuối lưỡi đao.

Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến triều Nguyễn (đầu thế kỷ 19), thanh Long đao của dòng họ Phạm gốc Mạc bị thất lạc. Đến năm 1938, họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt đã tìm thấy Long đao sau hơn 90 năm nằm sâu trong lòng đất.

Khi đưa lên, đao bị gỉ sét ăn mòn nhiều chỗ cả phần lưỡi và cán đao. Dòng họ rước thanh Long đao về từ đường phụng thờ như xưa. Năm 2009, Long đao được rước ra bảo quản, trưng bày và phát huy tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Thanh Long đao có giá trị đặc biệt, bởi đây là hiện vật gốc độc bản, có nguồn gốc rõ ràng, một loại vũ khí có kích thước lớn, có sự kết hợp giữa hai kim loại đồng và sắt, trang trí ở khâu đao rất tỉ mỉ, tinh tế, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.

Hình thức độc đáo của thanh Long đao nằm ở chỗ, lưỡi có hình bán nguyệt, khâu đao là chốt nối giữa lưỡi đao và cán đao; khi tháo lưỡi đao ra thì cán đao thành một cây đoản côn. Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (gần giống đầu rồng), với chạm khắc hoa văn tinh tế, sống động.

Theo các nhà nghiên cứu, Nhai Tí là linh vật có tính khí cương liệt, hung dữ, thường nổi cơn thịnh nộ, hung hãn, khát máu, ham sát sinh và thích chiến trận. Linh vật này được tạo tác ở trên đao với ngụ ý tăng sát khí, thị uy, tăng thêm sức mạnh, lòng can đảm của binh sĩ trên chiến trận.

Hai bảo vật trong ngôi chùa cổ

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng được làm từ đá vôi tự nhiên, nguyên khối.

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng được làm từ đá vôi tự nhiên, nguyên khối.

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là hai bảo vật quốc gia thờ tại ngôi chùa cổ Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cùng niên đại từ thế kỷ XVI.

Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người ở làng Trà Phương và là chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung (1527 - 1529). Người dân địa phương đến nay vẫn còn truyền tụng câu ca “Cổ Trai đế vương - Trà Phương công chúa” để nói về vua và hoàng hậu nhà Mạc. Tuy vậy, ít ai biết những điểm đặc biệt của bảo vật quốc gia bức phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.

Bức phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020. Tượng cao 56 cm, vai ngang 23 cm, được tạo tác theo phong cách phù điêu và  làm bằng chất liệu đá vôi, tạc hõm sâu vào đá nguyên khối.

Bức phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020.

Bức phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020.

Hình ảnh Thái hoàng thái hậu hiện lên là một người phụ nữ luống tuổi, khuôn mặt đầy tròn phúc hậu, tư thế ngồi thiền định. Phần bia bên ngoài tượng trang trí hoa dây tay mướp, rồng, cúc mãn khai mang đặc trưng phong cách mỹ thuật Mạc. Điều này cũng được thể hiện ở phần đế bia với băng dây cánh sen được chạm phía mặt ngoài của đế bia.

Trong các phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, phù điêu tại chùa Trà Phương có niên đại sớm nhất, đẹp nhất. Việc tạc tượng Thái hoàng thái hậu dưới dạng Hậu Phật (tín đồ phật giáo/phật tử) thể hiện giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc.

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung cũng được làm từ đá vôi tự nhiên, nguyên khối. Tượng cao 63 cm, vai ngang 37 cm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đây là hiện vật độc bản, không sao chép, hình thức độc đáo, chưa từng xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.

Pho tượng được tạo theo phong cách tượng tròn, ngồi thiền định. Tượng được trang trí hoa văn với các đường nét to khỏe, dứt khoát trên mũ, vạt áo, đai áo… Bên cạnh đó, họa tiết rồng trong bổ tử lại được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ, lột tả được phong cách đặc trưng của rồng thời Mạc.

Đặc biệt, trên mũ tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung có tạc một con chim đang dang cánh bay xuống. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền: Hình tượng chim tượng trưng cho sự lĩnh hội Phật pháp.

Về mặt tạo hình, chim nằm ở đỉnh cao nhất của tượng trong tư thế bay hướng đầu xuống dưới, tạo thành 2 chiều chuyển động: Phật là chúng sinh vươn lên chân lý, còn chim là đại diện cho chân lý của Phật pháp sẵn sàng hòa xuống cùng chúng sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ