Thừa Thiên - Huế: Tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn trị giá hàng chục tỷ đồng

GD&TĐ - Ngày 17/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tiếp nhận cổ vật đấu giá gồm Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn do một doanh nghiệp hiến tặng.

Tiếp nhận và trưng bày hai cổ vật: Mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn.
Tiếp nhận và trưng bày hai cổ vật: Mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn.

Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã được hội đồng thẩm định với sự tham gia của các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà sưu tập cổ vật nhận định và đánh giá: đây đều là những cổ vật có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 gắn liền với đời sống cung đình triều Nguyễn, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử.

Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn, loại áo có cổ xẻ ở chính giữa, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật trang trí trước ngực.
Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn, loại áo có cổ xẻ ở chính giữa, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật trang trí trước ngực.

Sự trở về của Chiếc Mũ quan đại thần và Áo Nhật bình cung tần triều Nguyễn đã bổ sung vào nguồn cổ vật của một bảo tàng vốn có bề dày lịch sử gần 100 năm gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế. 

Chiếc mũ quan triều Nguyễn đi kèm hộp gỗ.
Chiếc mũ quan triều Nguyễn đi kèm hộp gỗ.

Phát biểu tại buổi tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, các cổ vật triều Nguyễn là những di sản vô giá và là nguồn sử liệu vô giá ghi lại dấu tích sống động của triều đại này.

“Trải qua bao thăng trầm, nguồn cổ vật trong các đền vàng, điện ngọc của Huế hiện không còn đầy đủ như thuở trước, nhiều cổ vật triều Nguyễn bị thất tán ra nước ngoài. 

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực sưu tầm, tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, trong đó đã đấu giá thành công chiếc xe kéo cầm tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh vào năm 2014.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, thì việc tham gia đấu giá và hiện tặng cổ vật cho bảo tàng của các đơn vị, cá nhân là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích cộng đồng.

Việc làm này góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật của bảo tàng, đa dạng hóa trưng bày, đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu ngày càng cao của du khách và nhân dân.

Đưa hiện vật vào bảo tàng là tri ân quá khứ, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy, quảng bá giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc đến với công chúng.

Việc tiếp nhận và trưng bày cổ vật đấu giá thành công ở nước ngoài mang ý nghĩa của “nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, ông Phương khẳng định.

Theo ông Đinh Chí Hiếu - Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunshin, sau một chuyến công tác ở Huế, công ty nhận được thông tin về hai món cổ vật nói trên. Kể từ đó, công ty đã thành lập một nhóm nhân sự tập trung vào tìm hiểu thông tin và tham gia đấu giá 2 món cổ vật này.

“Chúng tôi mong muốn 2 món cổ vật này sẽ làm phong phú thêm kho tàng cổ vật triều Nguyễn ở Huế. Đồng thời giúp ích hơn trong công tác nghiên cứu, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của đất cố đô”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Theo đó, triển lãm sẽ mở cửa miễn phí hàng ngày từ 7:00-17:00, diễn ra từ 17/4 đến hết năm 2022 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, phường Đông Ba, TP. Huế).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...