Cổ vật Việt ngày càng khó hồi hương

GD&TĐ - Giá khởi điểm chỉ 600 euro, thế nhưng chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha mới đây đạt giá gõ búa cao gấp 100 lần.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế “vuột” mất bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế “vuột” mất bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi.

Cổ vật hoàng cung Việt lên giá chóng mặt tại các phiên đấu giá quốc tế. Đó là tín hiệu mừng hay đáng lo? Chỉ biết rằng, khi cổ vật càng cao giá, thì con đường hồi hương càng gian nan vất vả. Thậm chí với cơ chế hiện nay, việc ngăn chặn cổ vật “chảy máu” đã khó, mua được và đem về nước còn gian nan gấp nhiều lần.

Mũ quan quý hiếm

Câu chuyện về chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu tại nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tối 28/10 đã gây sửng sốt với các nhà sưu tầm cổ vật và đam mê thú chơi cổ ngoạn.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế nói rằng: Mũ có niên đại cuối thế kỷ 19, có cả hộp đựng mũ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tình trạng qua ảnh khá tốt, lớp sơn son thếp vàng còn sáng đẹp, chi tiết chạm trổ rất sống động.

Giá khởi điểm chỉ là 500 - 600 euro, thế nhưng bất ngờ xảy ra, khi giá gõ búa cho chiếc mũ này là 600 nghìn euro (tương đương gần 20 tỉ đồng cả thuế và phí).

Theo nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng, đây là chiếc mũ của quan nhất phẩm trở lên, gần ở mức hoàn hảo như vậy là vô cùng hiếm, gần như không thể có ở trong nước. Chiếc mũ tuy quý hiếm, nhưng với giá 600 nghìn euro, ông Hoàng vẫn cho là ngoài sức tưởng tượng.

Khi giá mũ còn ở mức 42.500 euro, chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn đã nhận xét, giá chiếc mũ quan mà cao đến như vậy thì cũng không thể hiểu nổi.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phân tích rằng, hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh. Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết. Mặt trước phía trên là 1 bác sơn, tiếp đến là 2 hoa, 2 giao long, dưới cùng là trang sức kim ngạch tường và dây kim nhiễu tuyến.

Ở mặt hai bên, mỗi bên trang trí 1 kim khóa nhãn. Mặt sau gồm 2 hoa, 2 giao long, 2 kim như ý. Còn 2 cánh chuồn, ở đầu mỗi cánh được bịt 2 trang sức, giữa mỗi cánh trang trí 2 giao long. Tất cả đều được làm bằng vàng và đều được lót phía sau một miếng vải đỏ.

Đối chiếu với quy định trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” và đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế… thì chiếc mũ được đấu giá có nhiều điểm khác lạ.

“Bác sơn” thay vì diềm phía dưới là văn sóng nước để cùng với văn mây ở diềm trên tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc, thì mũ này lại được thay bằng văn cánh hoa. Điều đặc biệt nhất là chiếc mũ dư ra 2 giao long. Vì vậy, ông Lộc cho rằng chủ nhân của chiếc mũ được đặc ân chưa có tiền lệ.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá tại Tây Ban Nha với giá 600 nghìn euro.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá tại Tây Ban Nha với giá 600 nghìn euro.

Vuột mất bảo vật vì vướng cơ chế

TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho hay, tư nhân muốn tham gia đấu giá chỉ cần có tiền, dự đấu giá, quyết định mua hay không. Còn cơ quan Nhà nước luôn phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí...Đó là những rào cản nhất định trong cuộc hồi hương cổ vật, nên rất khó mua được cổ vật đấu giá ở nước ngoài.

Không chỉ chiếc mũ, mãng bào của quan nhị phẩm triều Nguyễn có giá sàn 850 euro cũng được đấu với giá 35 nghìn euro (gần 950 triệu đồng). Trước đó, phiên đấu giá cuối tháng 9 của nhà Aguttes (Pháp) với nhiều cổ vật Việt Nam có giá ngất ngưởng.

Trong đó, tô sứ ký kiểu Tam Thai thính triều vẽ cảnh chùa Non Nước (Đà Nẵng) kèm bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Tô sứ có đường kính 19,5cm chúa Nguyễn đặt làm ở Trung Quốc về dùng. Với giá sàn 3 nghìn euro, ban đầu được giới sưu tầm trong nước đoán giá không quá 800 triệu. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi giá chốt lên đến 67 nghìn (khoảng 1,8 tỉ đồng), chưa kể thuế phí.

Khoảng 2 năm trở lại đây, cổ vật liên quan đến hoàng triều Việt Nam, đặc biệt là đồ sứ ký kiểu Lê - Trịnh và thời Nguyễn có giá cả tăng đột biến. Dù rất khó lý giải, nhưng giới cổ vật khẳng định rằng giá cổ vật Việt đi ngược với tình hình dịch Covid-19.

Nhiều cổ vật thời Nguyễn, năm trước chỉ có giá 60 triệu thì năm nay đã tới trên 300 triệu. Thậm chí, có tiền cũng không thể mua được vì tình trạng “khan hàng”, mà thực chất là các chủ nhân chờ cơ hội “tuồn” ra nước ngoài.

Trước sự việc cổ vật Việt Nam tăng giá, giới sưu tầm cho rằng đó là tín hiệu vui, nhưng nỗi lo thì lớn hơn vì khó có cơ hội để cổ vật hồi hương. Ngay khi chiếc mũ quan triều Nguyễn đưa lên đấu giá, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, chỉ theo dõi chứ không thể đấu vì giá quá cao.

Trước đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng vuột khỏi tay bức tranh của vua Hàm Nghi một cách đầy tiếc nuối. Đó là bức tranh “Chiều tà” (Déclin du jour) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915, trong giai đoạn an trí tại Algeria.

Một lãnh đạo của trung tâm phải ngậm ngùi: “Cơ chế và thủ tục về tài chính trong chuyện này của chúng ta khá phức tạp, nên việc đấu giá tương tự sẽ rất khó thành công”.

Trong khi cơ chế dành cho việc hồi hương cổ vật chưa bắt kịp thực tế, thì ở Trung Quốc đã từng thành lập Hội cổ vật Trung Quốc lưu lạc, với nhiệm vụ sưu tầm hiện vật Trung Quốc từ khắp thế giới đưa về nước. Kết quả là Cố cung Bắc Kinh, sau thời gian trống rỗng đã trở nên phong phú, thu hút khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới tìm đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.