Những bài học kinh nghiệm từ đợt dịch thứ 4 giúp Việt Nam vượt qua đại dịch

GD&TĐ - Từ tồn tại, hạn chế ở TP Hồ Chí Minh và ở một số địa phương khác, ngành Y tế Việt Nam đã rút kinh nghiệm, thấy rằng để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, cần có bài học kinh nghiệm dưới đây.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP.

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đất nước chúng ta đến hôm nay đã trải qua 4 đợt dịch.

Về kết quả nổi bật trong công tác chống dịch thời gian qua, nhất là đợt dịch lần thứ 4, với sự nỗ lực đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng, đồng tâm hiệp lực, quyết liệt thực hiện các chủ trương, biện pháp, cùng sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nên cơ bản khống chế được dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 (với biến chúng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong dự báo).

Qua đợt dịch này, Bộ Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch, xác định các địa bàn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để có biện pháp cụ thể, khoanh vùng hẹp nhất có thể.

Chúng ta xét nghiệm thần tốc, tiến độ xét nghiệm đi trước khả năng lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, xác định biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với từng thời điểm, từng diễn biến dịch bệnh.

Đồng thời, tích cực làm tốt ngoại giao vắc xin, huy động được nguồn vắc xin trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm. Đến ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được diện bao phủ vắc xin nhất định trong cộng đồng, tạo tiền đề cho việc khôi phục lại phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội của người dân.

Tiếp theo, chúng ta ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, đặc biệt Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, chúng ta đang tích cực nghiên cứu đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước. Chúng ta đã có vắc xin đang triển khai thí điểm giai đoạn 3 và các loại vắc xin khác đang triển khai thử nghiệm.

Chúng ta đã có hệ thống kết nối được trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận; gần đây nhất, tất cả điểm cầu xã phường, thị trấn đã kết nối được với điểm cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch. Đặc biệt ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong truy vết, khai báo y tế, thông qua hợp nhất các ứng dụng phòng, chống Covid-19 thành  PC-Covid, tạo thuận lợi cho người dân truy cập và trong công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực đồng hành cùng các cấp ủy đảng, chính quyền để làm tốt phòng, chống dịch bệnh.

Về khó khăn, không chỉ ở tất cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước mà đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong đợt dịch thứ 4 vừa qua với bến chủng Delta, lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động.  Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ông nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu. Việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn, nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của ngươi dân và khả năng đáp ứng tại chỗ nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, chúng ta cần có bài học kinh nghiệm

Hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở y, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong. Hầu hết trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc men, vắc xin chúng ta đều phải nhập khẩu, chưa sản xuất được nên bước đầu còn bị động, chưa đảm bảo phương châm 4 tại chỗ ở các địa phương.

Công tác truyền thông có lúc có nơi chưa được chuẩn bị kỹ, kịp thời, nên còn lúng túng nhất trong thời gian đầu. Ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn đầu chưa được tích hợp thành 1 nền tảng thống nhất.

Từ tồn tại, hạn chế ở TP Hồ Chí Minh và ở một số địa phương khác mà Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm, thấy rằng để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, chúng ta cần có bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và phải huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để tham gia phòng, chống dịch.

Phân cấp phân quyền và phát huy tính chủ động linh hoạt ở từng cấp để tổ chức thực hiện, nhất là cấp cơ sở, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện 4 tại chỗ. Kịp thời huy động mọi người lực từ Trung ương đến địa phương, tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đang hoặc có nguy cơ bùng phát dịch.

Bám sát thực tiễn, nắm chắc và dự báo sát tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động xây dựng kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, đồng bộ tại các cấp để thực hiện.

Bình tĩnh, không hốt hoảng, đồng thời không lơ là chủ quan vì chúng ta chống dịch chưa có tiền lệ,  phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kịp thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và các biện pháp, giải pháp mà chúng ta đã thực hiện, được chứng minh hiệu quả. Đồng thời kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai các biện pháp một cách linh hoạt theo phạm vi, đối tượng, thời gian và thực hiện đồng bộ  các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội cũng như trật tự an toàn xã hội.

Huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở, đặc biệt là các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, để đảm bảo cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu, không chỉ y tế cho phòng chống dịch mà cả chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, chúng ta phải tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực vắc xin, thuốc điều trị để chủ động trong phòng chống dịch.

Cuối cùng, làm tốt công tác thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận cho người dân. Thông tin phải chủ động đi trước một bước từ đó để người dân hiểu, đồng cảm, thống nhất, đồng thuận với các biện pháp để thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.