Những bậc thầy… vượt ngục

GD&TĐ - Alfred George Hinds là một đứa trẻ chạy trốn khỏi trại trẻ mồ côi từ khi mới 7 tuổi. Hinds bị bắt lần đầu tiên do tội trộm cắp nhỏ, sau đó trốn khỏi nhà trừng giới dành cho vị thành niên, rồi gia nhập quân đội Anh. 

Phục dựng cảnh trốn tù của Yoshie Shiratori
Phục dựng cảnh trốn tù của Yoshie Shiratori

Alfred George Hinds

Lần vi phạm pháp luật tiếp theo của Hinds diễn ra vào năm 1953, khi anh ta đột nhập lấy cắp nữ trang trị giá 90.000 USD và bị kết án 12 năm tù. Hai năm sau, Hinds lại phá khóa phòng giam và trèo qua bức tường cao 6m trốn thoát khỏi nhà tù Nottingham. Nổi danh vì “chiến tích” trốn trại, Hinds được giới truyền thông gắn cho biệt danh “Houdini”.

Lần đào thoát ấy, Hinds xin làm thợ nội thất tại Ireland và Anh, trong khoảng thời gian 248 ngày mới bị cảnh sát Scotland bắt lại và ngồi tù lần thứ 3. Trong lúc bị giam, tù nhân này đã nộp đơn kiện vì bị bắt giữ trái pháp luật, đồng thời lập kế hoạch lợi dụng vụ kiện để đào tẩu. Khi ra tòa, bằng cách nào đó, Hinds đã khóa trái hai cảnh sát dẫn tù trong toilet và chạy trốn, hòa vào đám đông trên phố Fleet. Tuy nhiên, chỉ 5 giờ sau, Hinds bị bắt tại sân bay.

Một năm sau đó, Hinds lại trốn khỏi nhà tù Chelmsford và sống ở Ireland, làm nghề buôn ô tô cũ dưới tên giả là William Herbert Bishop. Hai năm sau đó, Hinds bị bắt khi đang sử dụng một chiếc xe không đăng ký. Sau này, Hinds viết đơn thỉnh cầu nguyện lên Thủ tướng Anh và chấp thuận các cuộc phỏng vấn, ghi âm của báo giới. Hinds bán câu chuyện đời mình cho tờ News of the World và thu được 40.000 USD. Loạt bài về tù nhân này thu hút sự chú ý của dư luận. Năm 1964, Hinds thắng trong vụ kiện nhân viên Herbert Sparks, một cựu giám thị Sở Cảnh sát Scotland, và được bồi thường 1.000 USD. Herbert Sparks đã viết một serie bài báo trên tờ Sunday Pictorial chỉ trích việc tuyên bố vô tội đối với Hinds. Alfred George Hinds qua đời năm 1991.

Yoshie Shiratori

Yoshie Shiratori là một người Nhật Bản, nguyên mẫu của nhân vật bất tử trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Hagok. Năm 1933, Shiratori bị bắt do bị nghi ngờ giết người cướp của và phải đối diện với án tử hình. Tuy nhiên, năm 1936, Shiratori đã trốn thoát nhờ mở cùm tay và khóa cửa phòng giam bằng một đoạn dây thép.

Shiratori bị bắt lại hai lần nữa và đều vượt ngục thành công. Năm 1942, ông ta trốn thoát nhờ trèo qua một ống thông hơi trên trần nhà tù, còn năm 1944, “cao thủ vượt ngục” này lại khéo léo tháo cùm tay và tẩu thoát.

Năm 1946, Shiratori bị bắt lần thứ tư và nhận án tử hình. Trong lúc chờ thi hành án, Shiratori dùng một mảnh sắt nhỏ cưa thủng sàn gỗ trong phòng giam, đồng thời dùng một chiếc bát để đào hầm. Một lần nữa, kế hoạch của tù nhân này lại thành công mỹ mãn. Shiratori sống an toàn trong suốt 2 năm sau đó, cho đến khi tự thú với cảnh sát rằng mình là một tù nhân vượt ngục. Shiratori bị đưa trở lại nhà tù với án 20 năm, nhưng được trả lại tự do năm 1961. Shiratori qua đời năm 1979 do đau tim và được ghi nhận là một trong số ít ỏi những tù nhân vượt ngục thành công tới 4 lần.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.