“Học đi đôi với hành”
Được nhiều bạn cùng trang lứa xem như thủ lĩnh của lớp 12A13, trường THPT Tân Bình (TP.HCM), Nguyễn Thị Minh Hậu cho biết: “Với mình, trường Đại học lý tưởng là môi trường ở đó, sinh viên sẽ học đi đôi với hành, học đi đôi với chơi”.
Thích thú với ngành Quản trị Nhà hàng-Khách sạn, Hậu cho rằng đó là một ngành học thú vị và mới mẻ trong bối cảnh hiện nay. Với dự định du học tại Nhật, bản thân cô gái trẻ mong muốn sẽ tiếp cận được những công nghệ mới trong quản trị, sự lịch thiệp của văn hóa đất nước mặt trời mọc.
Cũng như Hậu, nhiều bạn trẻ kể rằng việc học tạo áp lực nhiều với bản thân, môi trường học tập lý tưởng là được thực hành, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Đồng thời, học hỏi được những kĩ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ…
Trong khi đó, bạn Nguyễn Trung Nhật (lớp 12A4, trường THPT Tân Bình) chia sẻ ước mơ theo đuổi nghề Kỹ sư chế tạo. Nhật cho biết bản thân thích thú với việc tạo ra những phần mềm và làm việc trong một môi trường công nghệ thông tin.
Với Nhật, trường Đại học đáng mơ ước là sinh viên được học lý thuyết từ thực tiễn và được vận dụng thực hành liên tục. Đã có cho mình tên của ngôi trường ước mơ, Nhật nói việc thực hành, thực tập nhiều sẽ giúp cho sinh viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn là giảng viên nói thao thao bất tuyệt. Dù lý thuyết là nền tảng để thực hành nhưng lý thuyết đi đôi với thực hành chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn.
Ngày hội Openday đem lại nhiều trải nghiệm mới cho học sinh THPT |
Trước những con số báo động về tỷ lệ thất nghiệp, các học sinh trước ngưỡng cửa đại học đều mong muốn có được việc làm tốt sau khi ra trường hoặc được trang bị vững vàng để sẵn sàng khởi nghiệp.
Điểm chung trong mong muốn của các em về một môi trường đại học lý tưởng chính là được tăng cường nền tảng tiếng Anh và cập nhật những kiến thức chuyên ngành mới nhất, đặc biệt, có những sinh viên tương lai còn hy vọng được học bằng giáo trình gốc được “nhập khẩu” từ nước ngoài để có thể bắt kịp kiến thức, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp tại nước ngoài khi ra trường.
Bên cạnh đó, thời gian thực tập, cọ xát tại doanh nghiệp và thực hiện đề án tốt nghiệp có thể ứng dụng thực tế cũng là những điểm cộng để các học sinh đưa ra quyết định chọn trường.
“Học đi đôi với chơi”
Tìm hiểu về thông tin các trường đại học, hoạt động vui chơi để tăng tính gắn kết đồng thời phát triển các kỹ năng cá nhân cũng được nhiều bạn trẻ hào hứng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng bên cạnh kiến thức chuyên ngành.
Hiện nay các trường đại học đều xây dựng các câu lạc bộ học thuật và kỹ năng để sinh viên cùng chia sẻ sở thích đam mê của mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và tích luỹ thêm kiến thức xã hội khác.
Song, chỉ có câu lạc bộ vẫn chưa đủ, các hoạt động ngoài trời, đưa sinh viên ra khỏi vùng an toàn để tăng kỹ năng sống, tính thích nghi linh hoạt, nhất là những hành trình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để vừa tập nói vừa tập sống tại nước ngoài sẽ càng đem lại nhiều điều hữu ích thì không phải trường nào cũng có.
Như ông Lê Bình Trung (Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Trong bối cảnh mới, sinh viên cần nắm rõ nguyên tắc 5C thì mới chinh phục được nhà tuyển dụng”. Theo đó, sinh viên phải được trang bị và cần được trang bị, đó là Communication (giao tiếp bằng ngoại ngữ), Collaboration (hợp tác, đặc biệt là hợp tác quốc tế), Creativity (sáng tạo), Critical thinking (tư duy độc lập, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài), Continuous Learning (Sẵn sàng học tập suốt đời).
Ấp ủ giấc mơ gầy dựng sự nghiệp gia đình lại theo xu hướng công nghê, Hồ Thanh Xuân (cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đại học FPT TP.HCM) cho biết: Việc học không chỉ là học lý thuyết mà đôi khi chơi cũng là một cách học.
ThS Lê Bình Trung chia sẻ về nguyên tắc 5C |
Chia sẻ về quá trình đi thực tập của mình, Xuân cho biết điểm 10 thực tập không chỉ đến khi bạn nắm vững kiến thức ngành học mà đó là còn là việc bạn khéo léo áp dụng vào thực tế. Với sự năng động của trường đại hoc đã giúp cho Xuân cũng như rất nhiều bạn trẻ tích lũy kỹ năng mềm để khi đi làm không khỏi bỡ ngỡ.
Thông qua những chương trình tưởng chừng như chơi mà học như: 7 ngày trải nghiệm, 48h chuyển động,… thậm chí những chương trình giao lưu quốc tế, trải nghiệm văn hóa như Field Trip, hội thảo khoa học… cũng khiến bản thân dày dặn và dễ thích nghi hơn.
Học sinh trải nghiệm nhạc cụ dân tộc |
Mân mê với chiếc đàn tranh của CLB Nhạc cụ dân tộc, Đỗ Thái Học (lớp 12 A16) không giấu khỏi niềm vui. “Đây là lần đầu tiên mình chạm tay vào đàn, tự dưng thấy thích ghê. Nếu vào Đại học, mình sẽ tham gia những CLB về âm nhạc, ngoại ngữ”.