“Những thầy cô giáo tốt là những người anh hùng vô danh - họ đã và đang góp phần không nhỏ làm nên thành quả của ngành Giáo dục.
Đa đoan tình nghề…
Cô giáo Võ Thị Ghi sinh năm 1983, tại Tư Nghĩa, (Quảng Ngãi) đã nhiều năm giảng dạy ở các điểm trường của Trường Tiểu học Sơn Màu thuộc huyện nghèo Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Trường Tiểu học Sơn Màu có 5 điểm trường với tổng số 130 HS, và có 24 GV. TĐ10 là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất, có 54 HS ở 4 lớp 1, 2, 3, 4.
Dù chỉ có một mình là nữ nhưng vì mong muốn thực hiện tâm nguyện chăm lo, truyền thụ kiến thức cho các em học sinh nghèo mà hiếu học nên cô tình nguyện ở trên bản cùng các thầy giáo bám lớp, dựng trường.
Điều kiện trường lớp tạm bợ, gió mưa nhiều khi sạt núi, có nguy cơ sập cả trường vì là dãy nhà ghép tre gỗ tạm bợ, không có móng chắc.
Con đường khá dài từ nhà đến các điểm trường lắm thác, nhiều ghềnh, đầy đá dốc trơn trượt, chỉ có các thầy giáo vững tay lái lắm mới dám đi xe máy, còn các cô giáo nhiều lúc phải vịn vào nhau cuốc bộ leo lên dốc.
Lên được đến trường thì đứng thở mặt mày xám ngoét. Khó khăn gian nan như vậy nên có hôm đến 8 giờ sáng các em mới đến lớp đầy đủ.
Mùa mưa dột, lớp học không còn bàn ghế dọc ngang theo thứ tự được vì GV phải kê bàn lung tung để tránh chỗ dột cho học sinh. Nhìn khuôn mặt xanh xao, thân hình gầy gò của các em, nhìn ánh mắt các em trong veo ánh lên sự tin cậy, trong cô lại trào dâng tình thương và cảm mến tinh thần hiếu học của học sinh nơi đây.
Vì thế, cô Ghi đã tìm nhiều cách có thể chia sẻ, giúp đỡ các em từng cây bút, thước, bút chì, cục tẩy… để khích lệ, động viên tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Thời tiết khắc nghiệt có khi cô ở lại bám lớp cả tuần mới về trường chính một lần dù khoảng cách chỉ 3,5 km.
Câu chuyện của thầy Nguyễn Hồng Hiệp cũng có nhiều nét tương đồng. Năm nay 36 tuổi, nhưng thầy đã có 15 năm gắn bó với các điểm trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An).
Từ trung tâm thị trấn vào trường Tri Lễ 4 khoảng 40 km nhưng chỉ có 10 km đường nhựa, phần lớn là đường đất. Nhiều năm dạy học, dựa vào con đường mòn đi nương, đi rẫy của dân bản, mấy năm gần đây các thầy mới lách được bánh xe máy mà vào trường.
Vượt qua cung đường này, những chiếc xe số bình thường phải quấn xích vào bánh, một số thầy phải dùng xe phân khối lớn mới đi được. Ủng cao su, áo mưa là đồ bảo hộ không thể thiếu trên chặng đường đến lớp của các thầy.
Nếu bị bùn đất nhão ken cứng vào bánh, xe không đi nổi thì dắt bộ còn khổ hơn. Không ít lần đẩy được xe qua, mệt quá, có thầy đành nằm bên vệ đường nghỉ chờ lại sức. Chuyện trượt ngã, trầy trật, thậm chí gãy chân tay, sưng khớp chân phải nghỉ dạy cả tuần là chuyện bình thường.
“Nơi đây không đường, không điện, không sóng điện thoại, chỉ có 41 thầy giáo cắm bản. Chúng tôi vẫn tự trào rằng trường chúng tôi là ngôi trường thiếu thốn đủ thứ, đến cả cô giáo cũng thiếu…. thì chẳng còn gì thiếu thốn hơn.
Quãng thời gian dài đằng đẵng, có những lúc quá vất vả cũng thấy nản lòng. Nhưng nhìn lũ trẻ thiếu ăn, thiếu mặc, mùa đông thiếu từng đôi dép tổ ong để đi nhưng vẫn vui say đến lớp khiến mình thấy khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu…” - Thầy Hiệp chia sẻ.
Không có giáo viên nữ, 41 thầy giáo chia nhau 6 điểm trường, tương ứng với 6 bản người dân sinh sống để cắm bản dạy học sinh. Lớp học được xây dựng từ ván gỗ ghép và những vật liệu của rừng. Tiểu học Tri Lễ có hơn 400 học sinh, hoàn toàn là người Mông.
Trước đây, trẻ nơi đây ít đến lớp, hầu như không có học sinh học lên tới ĐH, CĐ. Bây giờ, sự học đã nhiều khởi sắc, xã có nhiều em đi học đại học, có những em học xong lại trở về Tri Lễ 4 dạy học, trở thành đồng nghiệp với “thần tượng của mình” ngày xưa. Thầy trò lại cùng nhau cắm bản, gieo chữ.
Cuộc sống sinh hoạt của thầy cô cắm bản hoàn toàn tự cấp tự túc. Bước chân vào trường là hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Để duy trì thức ăn cho cả tuần, các thầy mua sắm từ ngoài huyện.
Đầu tuần có thức ăn tươi, cuối tuần thường ăn đồ khô. Không đường, không điện, không sóng điện thoại đã đành, ngay cả nguồn nước suối Tri Lễ cũng chẳng được như các xã vùng cao khác.
Để có nước sinh hoạt, các thầy thường lấy từ khe trong suối chảy ra. Muốn liên lạc với gia đình, các thầy phải đi bộ khoảng 3 km lên một ngọn đồi cao để hứng sóng rớt, mà cũng lần được lần không.
Tuần nào mưa dài không dứt là các thầy giáo trẻ cầm chắc phải ở lại trường. Khi đó, họ chia nhau đi hái rau, măng, bắt cá dưới khe, lấy hoa chuối rừng làm thức ăn. Có đồ ăn nhưng có khi cũng không đỏ lửa nấu cơm được vì bếp núc tạm bợ mưa dột tứ tung.
Còn thầy Hiệp, cuối tuần về nhà được thì chiều Chủ nhật quay về trường lại chẳng khác gì người buôn chuyến bởi lỉnh kỉnh đủ thứ đồ mang lên.
Từ thùng đồ chơi Trung thu hoặc đồ dùng xin được đến bọc dép của nhà hảo tâm thầy đều không quản ngại tích cóp để mang về làm quà khích lệ đám học trò nghèo.
Tình riêng gửi lại…
Gạt nước mắt gửi lại hai con nhỏ ở nhà với ông bà nội, khi bé lớn mới bước vào mẫu giáo, bé út vừa tròn 1 tuổi, cô Ghi dấn thân vào cuộc hành trình “cõng chữ lên non”. Đã 4 năm tận tâm cống hiến nhưng cô vẫn chưa thể và không dám chắc khi nào được chuyển về công tác gần nhà.
Bám lớp trên vùng cao dạy dỗ chăm bẵm những học trò bé dại, nỗi nhớ con thơ rồi điều kiện đi lại khó khăn, những ngày mưa gió đường không đi lại được vì sạt lở khiến cô buồn da diết.
Một kỷ niệm đáng nhớ trong ngày 8/3 năm trước, khi bao người phụ nữ đang hạnh phúc vì được nhận quà tặng với rất nhiều sự quan tâm yêu thương thì cô Ghi lại cùng đồng nghiệp khắc phục sự cố thiên nhiên.
Con đường giao thông từ xã đến trường bị sạt lở cả tháng trời, cuộc sống của anh em giáo viên và bà con dân bản càng thêm gian nan, hiểm nguy.
15 năm cắm bản, có nhiều lúc khó khăn, phải xa gia đình khiến thầy Hiệp nhiều đêm mất ngủ. Nhưng nhìn đám học trò hồn nhiên lại không dứt được.
Thầy Hiệp chia sẻ việc chăm sóc hai con hầu như “khoán trắng” cho vợ và ông bà. “Mình đi dạy học trò thì tận tâm, tận tình nhưng con mình thì lại không dạy được buổi nào”, thầy buồn buồn bộc bạch.
Vợ con các thầy đều ở dưới xuôi hoặc ngoài trung tâm huyện. Trong số 41 thầy giáo thì 40 thầy đã lập gia đình, còn thầy Lương Văn Quân (41 tuổi) đã 6 năm gắn bó với Tri Lễ 4 vẫn chưa lấy vợ vì không có thời gian tìm hiểu, hẹn hò.
Giống như hàng nghìn giáo viên cắm bản trên khắp đất nước, điện, đường, sóng điện thoại là những điều bình thường ở thành phố thì với họ vẫn là điều xa xỉ.
Ngày 20/11, món quà mà các thầy cô nhận được giản dị đơn sơ như tâm hồn mộc mạc của học trò mình. Đó có khi là nắm hoa dại các em hái được ven đường rừng tói lóp, là mớ rau con cá phụ huynh trồng hay bắt được dưới suối…. nhưng với những kỹ sư tâm hồn này điều đó lại quý giá và vô cùng ấm áp vì trong đó chứa đựng cả tấm lòng quí yêu, kính trọng.
Khi được hỏi động lực nào đã giúp các thầy cô quên đi khó khăn, vất vả và những thiệt thòi để giành được những danh hiệu thi đua trong nghề, cả thầy Hiệp và cô Ghi đều giãi bày rất chân thành:
Nếu so sánh điều kiện sinh hoạt và học hành giữa các học sinh thành phố, hay vùng đồng bằng với học sinh miền núi và học sinh ở điểm lẻ mà tôi công tác thì thật là khập khiễng bởi sự chênh lệch quá chừng.
Các em học sinh dưới miền xuôi có quá nhiều điều kiện thuận lợi, còn các em ở miền núi cái gì cũng thiếu thốn, hạn chế. Khó khăn ngay cả trong chính ngôn ngữ của đất nước mình khi các em chưa đọc thông nói thạo.
Các em chưa bao giờ được xem ti vi, những món đồ chơi mà học sinh thành phố thờ ơ, vứt bỏ chỏng chơ như con gấu bông thì có khi trở thành “báu vật” với học trò của tôi.
Với học sinh vùng khó, thầy cô giáo còn là người cha người mẹ thứ hai của các em. Vì vậy, đã chọn nghề thì phải yêu người, yêu các em, thương các em như chính con mình. Và đó chính là động lực giúp chúng tôi vượt lên được tất cả.