Nhu cầu tự thân

GD&TĐ - Thực nghiệm là bước không thể thiếu trong quy trình biên soạn sách giáo khoa (SGK).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK biên soạn theo chương trình này, từ năm 2017, trong Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã quy định “Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK”. Ở Thông tư này, hoạt động thực nghiệm cũng được nêu rõ trong yêu cầu về tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn SGK, hồ sơ đề nghị thẩm định SGK.

Mới đây, nội dung về thực nghiệm SGK được quy định chi tiết hơn trong Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT, với đầy đủ yêu cầu về việc lựa chọn bài học, thời lượng, số lần dạy ở mỗi bài học; lựa chọn cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh, giáo viên tham gia dạy và học thực nghiệm… Những quy định trong Thông tư 05 nêu rõ điều kiện cần tuân thủ khi thực nghiệm SGK được đánh giá là đầy đủ và hệ thống, không chỉ phục vụ cho các tác giả viết sách, nhà xuất bản, mà còn là cơ sở để hội đồng thẩm định, cấp quản lý đánh giá một bộ SGK.

Giá trị của thực nghiệm là giúp các tác giả có thông tin thực tiễn để biết khả năng đáp ứng chương trình của SGK đến đâu; cách biên soạn có khả thi, phù hợp với năng lực nghề nghiệp của giáo viên, học sinh và điều kiện thực tiễn của nhà trường hay không? Đó là thông tin cần thiết giúp người biên soạn có dữ liệu từ thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện bản mẫu SGK một cách tốt nhất. Thực nghiệm còn là cơ hội tuyệt vời để giáo viên, học sinh làm quen, “cọ xát” với SGK mới; là cách thức hiệu quả “thăm dò”, biết được khó khăn, thiếu hụt của thầy cô - thông tin quan trọng để sau này triển khai bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình, SGK mới. Tham gia dạy học thực nghiệm, các nhà trường, giáo viên cũng được giao lưu, trao đổi trực tiếp với tác giả, từ đó hoàn hiện hơn năng lực giảng dạy của mình…

Với tầm quan trọng như vậy, trên thực tế, triển khai thực nghiệm SGK không chỉ là yêu cầu của nhà quản lý, mà còn là nhu cầu tự thân của các tác giả, nhà xuất bản. Trong bối cảnh có tính cạnh tranh, chính các tác giả, nhà xuất bản là đối tượng có nhu cầu thiết thực nhất đối với phản hồi của người dạy, người học về nội dung bản mẫu SGK. Chỉ khi có bản mẫu chất lượng mới có thể qua được vòng thẩm định, và quan trọng nhất là được nhà trường, giáo viên học sinh tin tưởng lựa chọn, sử dụng lâu dài.

Do đó, trong 2 năm qua, dù mới chỉ được quy định một cách khái quát, nhưng việc thực nghiệm các bộ sách được triển khai nghiêm túc. Các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt đều xây dựng kế hoạch thực nghiệm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về dạng bài, số lượng tiết học, đối tượng tham gia và tính đa dạng vùng miền… Những đoàn thực nghiệm được thành lập và triển khai kế hoạch trên nhiều tỉnh, thành.

Để có mỗi tiết dạy hiệu quả, người viết SGK đều trao đổi với giáo viên để thầy cô nắm vững ý đồ, từ đó thể hiện trung thực bài học được thực nghiệm. Sau các tiết dạy, nhóm tác giả cùng đoàn tham gia dự giờ tổ chức sinh hoạt góp ý chuyên môn công khai; từ đó tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thành bản mẫu. Tuy nhiên, SGK khi đi vào cuộc sống đâu đó vẫn được phát hiện còn “sạn”. Do đó, vấn đề tổ chức dạy thực nghiệm nghiêm túc tiếp tục được đặt ra cùng yêu cầu cao hơn với các nhà xuất bản, vì sức sống lâu dài của chính các bộ sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ