Việc triển khai dạy thực nghiệm là phần yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa.
Mục đích thực nghiệm là kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong sách giáo khoa mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu sách trước khi gửi Hội đồng quốc gia thẩm định.
Việc thực nghiệm sẽ được tiến hành ở các vùng miền trong điều kiện kinh tế- xã hội, đặc thù nhà trường khác nhau.
TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên sách giáo khoa môn Toán bộ Cánh Diều cho biết, việc dạy thực nghiệm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng: "Cần phải xem những cái mà các tác giả biên soạn ra có phù hợp với thực tiễn cuộc sống không, trước hết là phù hợp với giáo viên, hai là phù hợp với học sinh, ba là phù hợp với tiến trình giảng dạy ở các vùng miền khác nhau, trong những điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện của các nhà trường là khác nhau".
Trước khi giáo viên đứng lớp thực hiện việc dạy thực nghiệm, các tác giả sẽ có những trao đổi qua email, và trực tiếp để giáo viên nắm vững ý đồ của tác giả, từ đó thể hiện trung thực bài học được thực nghiệm. Việc dự giờ tiết dạy thực nghiệm được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi tiết dạy có ít nhất 3 giáo viên dự giờ, gồm giáo viên trường tổ chức thực nghiệm và giáo viên đến từ trường khác.
Sau khi dạy tiết thực nghiệm sách giáo khoa lớp 10 môn Toán bộ Cánh Diều, bài "Phương trình đường tròn", cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thương (Trường THPT Tây Hồ) nhận định: "Sách giáo khoa mới đã đưa vào những hình ảnh trực quan và bài tập gần gũi với đời sống, cách dẫn dắt kiến thức từ dễ đến khó, giúp giáo viên dễ dàng tiếp cận để truyền tải tới học sinh, các em cũng dễ học, dễ nhớ hơn".
Cô cũng cho biết, học sinh tích cực tham gia các hoạt động, chăm chú nghe giảng, hiểu bài nhanh và tích cực phát biểu xây dựng bài.
Đó cũng là chia sẻ của GS.TS NGND Đỗ Thanh Bình - Tổng chủ biên phần Lịch sử, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 6, Bộ Cánh Diều: "Qua dự giờ hai tiết thực nghiệm tôi rất bất ngờ, tôi không ngờ học hăng say đến thế, cô giáo dạy hay đến thế. Có thể nói là tổ chức hoạt động rất sôi nổi" - ông nói.
Đáng chú ý, sau mỗi tiết dạy thực nghiệm nhóm tác giả cùng đoàn tham gia dự giờ sẽ có buổi sinh hoạt góp ý chuyên môn công khai. Tất cả sẽ hoàn thành phiếu đánh giá góp ý một cách công tâm và khách quan. Qua đây, tất cả các tác giả sách giáo khoa sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa.
Cánh Diều là một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp một được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Thực hiện Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, nhiều sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã công bố kết quả lựa chọn.
Bộ sách Cánh Diều là sản phẩm hợp tác giữa NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam. Bộ sách này ra đời đã bước đầu tạo ra một cuộc cạnh tranh về sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam-đơn vị từ trước đến nay độc quyền về sách giáo khoa phổ thông.