Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019 yêu cầu bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách hằng năm.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các địa phương và các bộ ngành gửi Bộ GD&ĐT thì tỷ lệ này hằng năm chỉ đạt khoảng 17 - 18%.
Theo phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ cân đối, bố trí ngân sách chi thường xuyên và chi đầu cho các ngành, lĩnh vực.
Bộ GD&ĐT tại các báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm đều kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm bổ sung kinh phí cho ngành Giáo dục để bảo đảm tỷ lệ tối thiểu theo quy định.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay ngành Giáo dục đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng vào việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và tăng cường tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đào tạo, chuyển dịch cơ cấu chi ngân sách từ hỗ trợ chi thường xuyên sang thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng cường chất lượng dạy và học; do đó nhu cầu tăng chi ngân sách cho giáo dục là rất cần thiết.
Bộ GD&ĐT xin ghi nhận ý kiến của cử tri để tiếp tục đề xuất kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí cho ngành Giáo dục bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20% tổng chi ngân sách vào thời điểm xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm.