Nhộn nhịp nghề cào ốc lể ở Đà Nẵng

GD&TĐ - Dọc các bờ biển ở Đà Nẵng, những ngày này, không khó để tìm thấy bóng dáng của những ngư dân đang nhấp nhô ở vùng nước ngập ngang lưng cùng với một cây sào bằng tre hoặc gỗ để cào ốc.

Sau khi cào xong, ngư dân sẽ bắt đầu đãi ốc để tách cát và các loại ốc mượn hồn ra
Sau khi cào xong, ngư dân sẽ bắt đầu đãi ốc để tách cát và các loại ốc mượn hồn ra

Một ngày cào ốc của ngư dân thường bắt đầu từ 4 – 5 giờ sáng. Đây là thời điểm nước rút nên sẽ dễ cào và có nhiều ốc nhất. Ốc sau khi cào, sẽ được rửa sơ qua nước biển và đãi tách cát, loại bỏ vỏ sò hay ốc mượn hồn ra

Vào sáng sớm, ngư dân đã bắt đầu ra biển để cào ốc lể
Vào sáng sớm, ngư dân đã bắt đầu ra biển để cào ốc lể

Để cào được ốc, ngư dân phải ra những vùng nước cách bờ hơn 60 mét. Khi cào đòi hỏi phải dùng sức kéo cào dưới cát để ốc vướng vào lưới và trụ vững mình để không bị sóng đánh ngã. Mỗi lần cào mất từ 20 – 30 phút tùy thuộc vào vùng có nhiều hay ít ốc. Sau đó sẽ lên bờ một lần để đổ ốc từ lưới vào thùng.

Dụng cụ để cào ốc là một cây sào bằng tre có gắn miếng cào sắt và lưới, được ngư dân tự làm thủ công
Dụng cụ để cào ốc là một cây sào bằng tre có gắn miếng cào sắt
và lưới, được ngư dân tự làm thủ công

Làm nghề cào ốc lể được hơn 4 năm, Anh Nguyễn Văn An (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) chia sẻ, để làm được nghề này đòi hỏi phải chịu khó và có sức khỏe tốt vì phải ngâm mình trong nước một thời gian khá lâu. Không những vậy ngư dân cần phải biết nắm bắt được qui luật của con nước, chọn những thời điểm thủy triều xuống để cào được nhiều ốc hơn.

“Vào những ngày nước không cao, tôi có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng nhờ công việc cào ốc này. Nghề này chỉ làm được vài tháng trong mùa ốc thôi, nên tranh thủ kiểm tiền. Đây là nguồn thu nhập thêm giúp gia đình tôi có thể trang trải cuộc sống được tốt hơn”, anh An bộc bạch.

Ngư dân bắt đầu cào ốc từ lúc mặt trời chưa ló dạng đến giữa trưa
Ngư dân bắt đầu cào ốc từ lúc mặt trời chưa ló dạng đến giữa trưa

Ở bờ biển phường Thọ Quang, quận Sơn Trà ngay từ sáng đã có khá nhiều ngư dân đến cào ốc. Ông Hồ Ngọc Lâm cho biết, năm nay ốc mất mùa nên việc cào ốc của ông không được thuận lợi và suôn sẻ. Kết quả sau những lần cào đa phần là vỏ ốc, vỏ sò và đá sỏi nên phải đổi vị trí liên tục để mong kiếm được nhiều ốc hơn.

“Mặc dù ở đây không được nhiều ốc cho lắm, nhưng tôi cảm thấy an toàn hơn. Khu vực này nhờ núi cao chắn bớt gió, ít sóng ngầm biển hiền hòa hơn. Do vậy nên cũng đỡ lo các vấn đề bất trắc, nguy hiểm xảy ra vì tôi hay cào một mình”, ông Lâm nói.

Cào ốc là một nghề khá vất vả, nguy hiểm luôn rình rập ngư dân từ lúc mặt trời chưa ló dạng đến giữa trưa. Họ chỉ có thể cào ở những nơi có sóng nhẹ vì nơi đó an toàn và dễ cào được ốc. Đối với những khu vực nước lặng thì cực kì nguy hiểm, do đó hầu hết ngư dân đều tránh xa vì khả năng cao sẽ có sóng ngầm hay hố sâu phía dưới. Do tính chất công việc nên người đến cào ốc đa phần là đàn ông. Ở một số gia đình, người vợ cũng sẽ đi theo hỗ trợ chồng trong việc phân loại và đãi ốc. Được biết, sau mỗi mẻ mà ngư dân cào được, họ sẽ mất tầm 10 phút để phân loại cũng như đãi ốc tách cát.

Mặc dù hôm nay không cào được nhiều ốc nhưng anh Đãi vẫn vui vẻ với những thành quả mà mình thu được
 Mặc dù hôm nay không cào được nhiều ốc nhưng anh Đãi vẫn vui vẻ
với những thành quả mà mình thu được

“Vụ mùa ốc lể năm nay ít hơn năm ngoái nhiều lần, tôi cào ở đây 3 tiếng nhưng chỉ thu được tầm khoảng 10 lon ốc. Đa phần tôi chỉ cào ốc to về bán lại với giá 15.000 đồng một lon. Đối với ốc quá nhỏ thì tôi lựa ra và thả về biển lại vì ít người mua. Sau khi cào xong sẽ giao trực tiếp cho thương lái ở ngoài chợ để họ nấu chín và bán lại cho người tiêu dùng với giá dao động từ 20.000 – 50.000 đồng một lon tùy thuộc vào kích cỡ ốc nhỏ, lớn khác nhau”, anh Phạm Văn Đãi (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ.

Người dân đến mua ốc lể tại nơi cào
 Người dân đến mua ốc lể tại nơi cào

Mùa ốc lể thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, trong đó cuối tháng Giêng và đầu tháng 2 cho ốc to và nhiều nhất. Đây là món quà biển mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho miền Trung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.