Tận dụng hoạt chất quý trong hạt mít
Nhận thấy trong quá trình chế biến các sản phẩm từ mít, hạt mít là một loại phụ phẩm bỏ đi với khối lượng lớn, rất lãng phí. Nhóm bắt tay tìm hiểu thành phần, tác dụng của hạt mít. Một quả mít có thể chứa 100 – 500 hạt có thể ăn được và bổ dưỡng.
Sinh viên Nguyễn Sơn Cảnh kể, từ rất lâu rồi, khi nhìn những đứa trẻ ăn hạt mít trong các gia đình ở nông thôn, anh đã có ý định tận dụng hạt mít thành sản phẩm mang lại giá trị.
Sau này chứng kiến hạt mít, vỏ mít được loại ra sau khi người ta đã tách múi mít đem sử dụng, rác thải chưa đem đi được chất thành đống phân hủy bốc mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh rủ nhóm bạn bắt tay tái chế một phần phụ phẩm này là hạt mít để tạo thành những sản phẩm có giá trị.
“Thành phần chính của hạt mít là tinh bột. Trong khi để làm rượu, người ta cần lên men tinh bột. Tôi nghĩ đến việc sản xuất rượu từ hạt mít để tận dụng nguồn nguyên liệu này”, anh Nguyễn Sơn Cảnh chia sẻ.
Anh và nhóm kỳ vọng khi được triển khai thành công, dự án sẽ đã góp phần tiêu thụ một lượng lớn hạt mít được loại bỏ, góp phần thúc đẩy gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, gia tăng kinh tế cho người nông dân.
Và điều đặc biệt như anh nói, hiện chưa có bất cứ sản phẩm tương tự nào trên thị trường. Thôi thúc nhóm nghiên cứu, làm ra sản phẩm đầu tiên.
Để làm ra rượu từ hạt mít phải có thiết bị nấu hạt mít, xay nhỏ, thiết bị nấu rượu, đóng chai, dán nhãn, đóng thùng. Cảnh cho biết, “Rượu lên men từ hạt mít” là loại rượu được sản xuất với phương pháp lên men truyền thống, nguyên liệu là tinh bột hạt mít và chủng men truyền thống ở nhiệt độ 30 - 45 độ C.
Thành phần của hạt mít có chứa nước nguyên chất trong hạt mà thiên nhiên ban tặng, ngoài ra còn có một số khoáng chất như: Riboflavin 8%, Thiamine 7%, Magie 5%...
Để giữ được hương vị truyền thống, đồng thời tạo điều kiện cho những người dân có thể dễ dàng tiếp cận với cách làm mới, nhóm đã quyết định lên men rượu theo cách truyền thống là lên men khô và lên men ướt. Nhóm liên hệ với các xưởng làm mít sấy để mua lại hạt mít bị loại ra sau quá trình lấy múi.
Sau khi đã có được nguyên liệu, nhóm tiến hành sơ chế, lên men rồi chưng cất ra rượu. Quy trình làm được dựa trên nguyên lý đơn giản của hóa học là ủ men và chưng cất. Quá trình chưng cất được thực hiện bằng nồi nấu rượu mini dung tích khoảng 20 lít.
Loại rượu “có một không hai”
Dù chỉ làm thử nghiệm, song nhóm cho biết sản phẩm đã giúp tạo ra một nguồn thu nhỏ đối với các cơ sở sản xuất các sản phẩm làm từ mít (mít sấy), lượng hạt mít lúc trước đa số là bỏ đi thì nay đã có thể tiêu thụ được đem lại một phần nhỏ doanh thu.
Nói về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Minh Quang chia sẻ: “Khó khăn đầu tiên là việc không thể trữ hạt mít lâu dài. Nhất là sau khi tách vỏ, hạt mít sẽ rất dễ mốc nếu không được đem đi nấu.
Tuy vậy, khi nấu xong mà không sử dụng ngay thì rượu sẽ bị chua, dù được bảo quản trong tủ lạnh. Chính vì vậy, việc tính toán thời gian là vô cùng quan trọng.
Vấn đề thứ hai tụi mình gặp phải là mỗi loại men sẽ có thời gian ủ cũng như hiệu suất lên men khác nhau. Lượng men cho vào ở bước lên men khô cũng như lượng nước cho vào ở bước lên men ướt có ảnh hưởng rất lớn đến nồng độ rượu thu được”.
Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển quy mô dự án, biến rượu hạt mít trở thành một sản phẩm phổ biến hơn nhằm tiêu thụ một lượng lớn hạt mít bị bỏ đi.
Ngoài ra, việc rượu hạt mít trở nên phổ biến sẽ tạo thêm công việc cho người dân, đồng thời làm đa dạng thêm thị trường rượu truyền thống của nước ta. “Bọn mình tin rằng, dự án rượu hạt mít mà bọn mình đang thực thiện sẽ góp phần hỗ trợ an sinh, phát triển nền kinh tế”, Minh Quang bộc bạch.
Sau quá trình nghiên cứu và sáng tạo nghiêm túc, nhóm đã cho ra được mẻ rượu đầu tiên được như ý sau nhiều lần thử nghiệm.
Rượu lên men từ hạt mít vẫn giữ được vị rượu thơm nồng truyền thống, lại thoang thoảng mùi hạt mít, hấp dẫn người sử dụng. Ngoài ra, mặt nguyên liệu cũng là điểm đột phá khiến sản phẩm này nhận được sự kỳ vọng của nhiều người.