Vi khuẩn biến đổi gen có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt khối u

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các khối u ung thư đặc biệt giỏi trong việc trốn tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, gây khó khăn cho việc điều trị.

Các nhà khoa học đã kết hợp CXCL16 với một chemokine khác - CCL20.
Các nhà khoa học đã kết hợp CXCL16 với một chemokine khác - CCL20.

Nghiên cứu mới đã biến đổi gen một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến. Từ đó, cho phép tìm kiếm và tiêu diệt các khối u ung thư. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.

Có nhiều cách để khối u tồn tại bằng việc trốn tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Phương pháp đầu tiên là ngăn chặn các tế bào miễn dịch tham gia vào hóa ứng động.

Đây là quá trình mà các tế bào miễn dịch phát hiện ra một khối u và di chuyển về phía nó để tiến hành cuộc tấn công. Hoá hướng động được thúc đẩy bởi các cytokine, protein nhỏ báo hiệu cho tế bào miễn dịch khác. Chemokine là một tập hợp con của các cytokine gây ra sự di chuyển tế bào miễn dịch.

Chemokine CXCL16 điều khiển các tế bào T - tế bào bạch cầu giúp chống nhiễm trùng và ung thư, xâm nhập vào các tế bào. CXCL16 và thụ thể của nó - CXCR6 đã được chứng minh là cải thiện tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân ung thư ruột kết và phổi.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, CXCL16 và CXCR6 cùng nhau tạo ra khả năng miễn dịch chống khối u. Tuy nhiên, chưa ai phát hiện ra phương pháp đưa CXCL16 vào môi trường tế bào của khối u.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng, một số loài vi khuẩn có thể tồn tại bên trong khối u. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Columbia (Mỹ) đã sử dụng kiến thức đó, kết hợp với kỹ thuật di truyền.

Từ đó, tạo ra cách nhắm mục tiêu và tiêu diệt các khối u thông qua việc điều khiển tế bào miễn dịch của cơ thể.

Tiến sĩ Nicholas Arpais - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu cho phép chúng tôi hiểu được phản ứng miễn dịch phát triển như thế nào. Chúng tôi đang phát triển các phương pháp trị liệu nhắm mục tiêu cụ thể đến từng bước riêng biệt đó”.

Điều quan trọng đối với nghiên cứu là sự ra đời của một chủng vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). Đây là một loại vi khuẩn phổ biến trong ruột người. E. coli được thiết kế để chứa một mạch ly giải đồng bộ. Đây là cách khai thác khả năng bẩm sinh của một số vi khuẩn để xâm nhập những vị trí gây bệnh trong cơ thể.

Khi vi khuẩn xâm nhập vào khối u, mạch này được kích hoạt, khiến chúng bị vỡ ra hoặc ly giải. Ly giải cho phép phân phối chemokine cục bộ lặp đi lặp lại. Từ đó, giúp điều khiển tế bào T và tăng cường khả năng miễn dịch chống khối u.

Ngoài việc sử dụng một loại vi khuẩn được biến đổi gen, các nhà khoa học đã kết hợp CXCL16 với một chemokine khác - CCL20. Loại chemokine này thu hút các tế bào lympho.

Đây là một loại tế bào bạch cầu và tế bào đuôi gai. Chúng chịu trách nhiệm khởi xướng phản ứng miễn dịch thích nghi bằng cách trình diện các kháng nguyên cho tế bào miễn dịch khác.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, việc kết hợp hai chemokine đã nâng cao hiệu quả điều trị của chúng. Đồng thời, tăng cường phản ứng miễn dịch đối với khối u theo cách mà trước đây không có.

“Bằng cách kết hợp điều này với các chemokine thúc đẩy sự xâm nhập và kích hoạt các tế bào đuôi gai, việc phát hiện kháng nguyên khối u được tăng lên”, nhà nghiên cứu Arpaia cho biết.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ