Mẹ mua “bùa nghe lời” giục con trai lấy vợ
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok hay các website… xuất hiện nhiều fanpage, hội nhóm liên quan đến tử vi, bói toán. Những hội nhóm này có hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Trong đó, nhiều người rao bán các sản phẩm bùa, ngải, vòng phong thủy… giúp cầu tình duyên, cầu tài lộc.
Với tâm lý mê tín, không ít người tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng. Họ tin theo lời bói toán vô căn cứ, dẫn tới hậu quả “tiền mất, tật mang” cho bản thân và gia đình.
Mới đây, bà T.T.M. (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) biết được thông tin Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) phá thành công chuyên án lừa đảo bán “bùa ngải” chiếm đoạt số tiền lên tới 86 tỷ đồng.
Bà M. vượt hơn 300km vào Nghệ An ngay trong đêm để trình báo với cơ quan công an. Bà là một trong số hàng nghìn nạn nhân trên khắp cả nước bị dính bẫy lừa đảo bán bùa ngải do Nguyễn Văn Kiên (SN 1987, trú tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cầm đầu.
Ở vào cái tuổi đã ngoài 60, chồng mắc bệnh hiểm nghèo, nhà có đứa con trai (năm nay 32 tuổi) lại không chịu lấy vợ, cho nên ngày nào bà M. cũng hối thúc con yên bề gia thất.
Nhưng con trai thờ ơ khi mẹ giục lấy vợ. Chồng bệnh mỗi ngày thêm nặng, không biết sống chết khi nào. Vì vậy, bà M. sốt ruột.
Một ngày rảnh rỗi, bà M. ngồi chuyện trò với hàng xóm thì được mách về việc ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số có bán các loại bùa ngải như: Bùa nghe lời, bùa giữ vợ, giữ chồng, bùa làm ăn… Nếu mua bùa này, làm theo hướng dẫn của các “thầy” thì con trai bà M. sẽ nghe lời, sớm lấy được vợ.
Sau khi lên mạng xã hội tìm hiểu, bà M. vô tình tìm thấy một fanpage trên ứng dụng Facebook có rao bán các loại bùa ngải. Không suy nghĩ nhiều, bà M. liên hệ với admin và đặt mua một chiếc “bùa nghe lời”. Bùa này là một tờ giấy trắng gấp nhỏ, một ít muối. Tất cả được đựng trong túi nhựa, giá 10,9 triệu đồng.
Theo lời của chủ trang fanpage, bà M. mua về bỏ muối vào bát canh, rồi cho con trai uống với một bài phép. Bà M. đã mua, làm theo và mong thuốc thần kỳ sẽ có hiệu nghiệm. Sau một thời gian không thấy con trai đưa người yêu ra mắt, bà M. tìm cách liên lạc với chủ trang fanpage thì bị chặn mọi liên lạc.
Công an xác định, chủ của trang fanpage này là vợ chồng Nguyễn Văn Kiên và Lê Thị Lan (SN 1985). Giúp sức phía sau còn có Vy Thị Hường (SN 1963; mẹ của Lan; trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) và Lê Đình Quý (SN 1991; trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh).
Theo điều tra, Nguyễn Văn Kiên sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký tài khoản mạng xã hội như Telegram, Facebook, Zalo để rao bán các loại bùa ngải (bùa giữ người yêu, bùa giữ vợ/chồng, bùa ghét, bùa nghe lời, bùa làm ăn…) với giá từ 9.900.000 đồng đến 10.900.000 đồng/1 bùa.
Sau khi có khách hỏi mua, nhóm người này sẽ tiến hành làm bùa từ ngải cứu, gừng, muối, lá thảo mộc… rồi gửi cho bị hại.
Công an thị xã Thái Hòa xác định, với thủ đoạn như trên, từ năm 2018 đến nay, nhóm của Kiên thực hiện việc bán bùa ngải cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, thu lợi bất chính số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng dịch vụ tâm linh
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội không khó để tìm kiếm các hội nhóm, fanpage về bùa ngải hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh.
Các hội, nhóm này không chỉ thu hút số lượng lớn cư dân mạng tham gia, mà còn tạo ra thị trường ngầm sôi động. Đã có hàng ngàn người tìm đến với mong muốn có thể nhờ bùa ngải giúp giải quyết vướng mắc về tình cảm, tài chính, khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều thầy bói, thầy cúng online ẩn nấp trong các hội, nhóm này để chực chờ lừa gạt “con mồi” nhẹ dạ cả tin. Những người tìm đến các loại bùa trên thường có tâm lý mê tín dị đoan, tin vào các thế lực thần thánh. Hơn nữa, họ cũng là người đang gặp phải các vấn đề về tình cảm, tiền bạc.
Để tạo lòng tin cho con mồi, các “thầy bùa” còn xây dựng kịch bản, đăng tải bài viết, các video lên mạng xã hội. Họ lập các tài khoản ảo để like, comment chia sẻ hiệu quả khi sử dụng sản phẩm. Mục đích cuối cùng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tâm linh là một giá trị văn hóa được các thế hệ cha ông giữ gìn đến ngày nay. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, giả mạo các dịch vụ tâm linh để chiếm đoạt tài sản.
Khi nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online để trục lợi, lừa đảo. Việc này vô hình trung khiến giá trị của tâm linh bị biến tướng.
Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội.