Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo dùng thẻ ‘lạ’ in mệnh giá tiền treo xe máy, cửa nhà

GD&TĐ - Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế (Hue-S) cảnh báo việc xuất hiện một số thẻ “lạ” có chứa mã QR treo cửa và xe máy.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua hình thức thẻ "lạ" có chứa mã QR. (Ảnh: Hue-S)
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua hình thức thẻ "lạ" có chứa mã QR. (Ảnh: Hue-S)

Theo đó, thời gian gần đây, xuất hiện một hình thức treo các thẻ “lạ” có chứa mã QR được treo trên tay lái xe máy hoặc cửa ra vào nhà dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Hue-S, trên thẻ hướng dẫn sẽ in các mệnh giá tiền, người dân muốn nhận số tiền ghi trên thẻ thì quét mã QR để liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, khi quét mã QR sẽ dẫn tới một trang web đánh bạc và cá cược trái phép. Nếu người dân làm theo yêu cầu, điện thoại sẽ bị xâm nhập, bị chiếm quyền điều khiển và bị chiếm quyền tài sản trong tài khoản ngân hàng.

Các thẻ "lạ" có màu vàng, ghi số lượng 50.000 ở mặt trước. Mặt sau thẻ ghi nhiều thông tin hướng dẫn và kèm theo số thẻ, mật khẩu cùng mã QR.

z5613914368300_19a224961000439e48c7b8e23fdc5735.jpg
Thẻ "lạ" có màu vàng, ghi số 50.000 đồng và chứa mã QR để hướng dẫn người dân làm theo nhằm chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: MXH)

Cụ thể, thông tin mặt sau hướng dẫn có ghi: “Bảng giá thẻ này có thể được thông qua bằng cách quét mã QR để nhận. Quét mã QR để liên hệ với bộ phận CSKH (khách hàng) sau đó cung cấp tài khoản mật khẩu của thẻ để nhận được số tiền tương ứng. Khi liên hệ với bộ phận CSKH, bạn vui lòng chụp lại ảnh số tiền trên thẻ và tài khoản mật khẩu. Để nhận được số tiền của thẻ chỉ cần nạp 50k (50.000 đồng) sẽ được tặng 50k”.

Để tránh bị lừa đảo, Hue-S thông báo đến người dân tuyệt đối không quét mã QR, không thực hiện theo hướng dẫn trên thẻ "lạ" nhằm tránh mất tài sản. Không truy cập vào các trang web lạ hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chia sẻ, thông báo cho người thân biết để phòng tránh và báo cho công an gần nhất hoặc chụp ảnh những người có hành vi trên gửi cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.