Nhớ về những rạp chiếu phim của ký ức

GD&TĐ - Nghĩ đến rạp chiếu bóng, ta thường nhớ về những rạp chiếu phim của ký ức, về rạp chiếu bóng lưu động - chở niềm vui đến mọi miền tổ quốc. Điều gì xảy ra ở những rạp chiếu phim? Hơn cả những thước phim, đó là cuộc đời …

Nhớ về những rạp chiếu phim của ký ức

Tất cả sẽ được tái hiện sinh động trong chương trình Quán thanh xuân tháng 7 với sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ.

Ngược về quá khứ những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta gọi đi xem phim rạp bằng nhiều tên khác nhau. Xem chớp bóng là cách gọi phản chiếu vẻ tò mò, ngơ ngác của người nông dân về thế giới điện ảnh ma mị, quyến rũ. Xi-nê-ma lại là cách gọi kiểu Âu hóa…

Những ngày tháng ấy, xem phim là một trong những niềm vui cuốn hút và sang trọng nhất. Người ta hân hoan nhấm nháp sự sung sướng từ khi nghe tiếng loa phát thanh thông báo sắp có chiếu bóng hay trông thấy mấy tấm áp phích viết bằng phấn màu trên giấy bản dán tường. Trai gái hẹn hò, người già nhắc nhở con trẻ ăn cơm, tắm giặt cho sớm rồi vác ghế con, áo mưa, đèn pin mà đi nhận chỗ.

Giữa các đoạn phim, khán giả phải đợi “anh chiếu bóng” loạch xoạch rút cuộn phim cũ ra, thay cuộn phim mới vào. Thiếu ánh sáng nên nhầm lẫn là chuyện thường, thậm chí xem hết cả cuộn rồi mới biết bị mất một đoạn, lại lắp đoạn ấy vào xem tiếp… Những năm ấy cũng chưa phổ biến kỹ thuật thuyết minh, lồng tiếng, nên phim nước ngoài phải có người thật ngồi sau màn chiếu để dịch trực tiếp lời của từng nhân vật. Chẳng hiếm trường hợp, “thuyết minh viên” vì không quen nghề, không rành ngoại ngữ mà hình ảnh trên phim một đằng, lời dịch một kiểu, thế mà ai nấy đều vui vẻ cả.

Một hồi ức khác về một không gian bé nhỏ - nơi chỉ có những bộ phim là tiêu điểm - sẽ thật khó quên với những ai từng chen chân để mua được một tấm vé, ngồi trong một phòng chiếu với các hàng ghế kê san sát.

Được xem phim - dù ở đâu - đích thị là niềm vui chung trong thanh xuân của nhiều thế hệ trong những ngày xưa thương khó. Trong gần nửa thế kỷ, kể từ cuối thập niên 1950, Hà Nội lần lượt có tới gần 20 rạp chiếu thuộc quản lý của nhà nước. Những cái tên như Đại Đồng, Đại Nam, Mê Linh, Kinh Đô, Dân Chủ, Majestic (Tháng Tám), Kim Đồng, Ngọc Khánh, Sinh Viên, Đặng Dung, Bạch Mai, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia… được ví như thiên đường của những người yêu phim.

Thời kỳ đầu, các phim được chiếu chủ yếu là phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Ngày lễ Thánh… hay những bộ phim của Liên Xô, Tiệp Khắc cũ… Dần dần, các rạp chiếu bóng không chỉ là nơi kinh doanh mà còn có những hoạt động cộng đồng bổ ích để đưa nghệ thuật thứ bảy đến gần với khán giả thông qua những câu lạc bộ điện ảnh.

Vào năm 1994, một rạp chiếu phim nhỏ mang tên Fansland đã ra đời ở con phố Lý Thường Kiệt. Nơi đây trở thành điểm hẹn văn hóa khi trình chiếu các bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới, các phim nghệ thuật châu Âu. Khán giả xem phim xong còn được các các nhà chuyên môn phân tích về ý nghĩa, thông điệp, phong cách tác giả…

Trong Sài Gòn, con số thống kê là khoảng 60 rạp với những cái tên như Catinat, Đại Đồng, Đại Nam, Eden, Khải Hoàn, Kinh Đô, Lê Lợi, Long Phụng, Long Vân, Mini Rex, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Thanh Bình, Vĩnh Lợi, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng, Văng Lang, Cathay, Cây Gõ, Kim Châu, Kinh Đô, Lệ Thanh, Minh Phụng, Palace, Đồng Khánh, Phi Long…

Xi-nê Sài Gòn có một truyền thống phải nói là độc đáo với các tờ program (chương trình) phát cho khán giả khi đến mua vé xem phim. Trên tờ program của phim, khán giả có thể đọc để biết đại khái nội dung phim và tên các tài tử trong phim. Dân ghiền xi-nê có thú sưu tầm program.

Thế giới điện ảnh quả là rất phong phú và khán giả của chương trình Quán thanh xuân tháng 7 sẽ giàu có thêm khi được nghe nhiều câu chuyện từ ký ức của những vị khách mời.

NSƯT Đạo diễn Quốc Trọng kể về thời kì đỉnh cao của những bộ phim chiếu rạp. Trải qua các thời kì, những thể loại phim được ưa chuộng dần thay đổi… Những không gian văn hoá dần biến mất (Rạp Dân chủ, Fansland, Hanoi Cinematheque...)

Vợ chồng NSND đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân chia sẻ câu chuyện của những người làm phim thời kì đầu cho đến thời trầm lắng của điện ảnh trong nước, khi các tác phẩm điện ảnh Việt dần ít đi, người ta được chọn mang rạp chiếu bóng về nhà, với những bộ phim đa dạng đủ thể loại của các nước...

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể về số phận của những bản nhạc phim nổi tiếng bởi xuất hiện trong những bộ phim chiếu rạp để lại dấu ấn trong lòng khán giả, về đời sống người dân gắn liền với ký ức chung cùng những buổi chiếu phim.

Một nhân chứng của rạp chiếu bóng lưu động cách đây vài chục năm - "Anh Núi Xanh" Trần Thanh Sơn sẽ kể về ký ức… dở khóc dở cười thời còn phụ trách đội chiếu bóng lưu động.

Nhà báo Hà Đỗ chia sẻ cảm xúc, cuộc sống những người trẻ đã được niềm đam mê điện ảnh nuôi nấng tâm hồn và tình yêu như thế nào?

Đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh - nổi tiếng với hai bộ phim: Em là bà nội của anh & Cô gái đến từ hôm qua sẽ kể câu chuyện về tình yêu điện ảnh đã làm thay đổi cuộc sống và đem lại niềm tự hào của ngày hôm nay với anh.

Điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của khách mời đặc biệt - NSND Trà Giang, một trong nữ diễn viên nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Khán giả sẽ được gặp NSND Trà Giang cả trên sân khấu Quán thanh xuân tháng 7 và trong bộ phim Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam). Năm ấy Trà Giang 20 tuổi, bước vào vai chị Tư Hậu suýt soát 40, đằm thắm, chững chạc, là một thử thách không nhỏ, nhưng từ đó Trà Giang đã thành danh rực rỡ. Cái vốn liếng mà Trà Giang mang vào phim chính là ký ức tuổi thơ nơi vùng chiến tranh ác liệt: "Tôi nhớ những trận càn, những trái bom nổ tung, những gia đình ly tán... Ba tôi hoạt động cách mạng ở Phan Thiết, bọn Tây bắt không được nên tới bắt mẹ tôi. Lúc đó em trai tôi còn ẵm ngửa, tôi và anh hai thì nhỏ xíu, sợ hãi khóc òa lên nhìn theo chiếc xe chở mẹ đi thật xa. Rồi cả ba anh em lại đứng trước cửa nhà dõi theo từng chiếc xe chạy ngang đường, vì người ta hứa sẽ trả mẹ về nên thấy chiếc xe nào cũng tưởng có mẹ mình trong đó. Chính cảm xúc ấy giúp tôi thể hiện lại chị Tư Hậu trong một bối cảnh chiến tranh tương tự". Khán giả của Quán thanh xuân tháng 7 hãy cùng chờ đón những câu chuyện đặc sắc mà giai nhân của màn ảnh đen trắng Việt Nam sẽ kể với chúng ta.

Các tiết mục ca nhạc đan xen trong chương trình gửi tới khán giả chùm ca khúc nhạc phim nổi tiếng: Nơi em gặp anh (Nhạc sĩ: Hoàng Hiệp); Bài ca trên núi (Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương - Lời: Tô Hoài); Triệu bông hồng, Phía xa bên kia sông, Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt (Nhạc nước ngoài); Còn tuổi nào cho em, Em là bông hồng nhỏ (Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn); Yêu (Nhạc sĩ: Văn Phụng); 60 năm cuộc đời (Nhạc sĩ: Y Vân).

Rạp chiếu bóng của thanh xuân với thông điệp: Niềm đam mê điện ảnh, nhu cầu chia sẻ - đó là điều không thay đổi qua thời gian. Hãy đi xem phim để thấy ta còn thanh xuân.

Quán thanh xuân tháng 7 được truyền hình trực tiếp lúc 20h40 chủ nhật, ngày 7/7/2019 trên kênh VTV1.

Ê kíp thực hiện chương trình:

MC: Diễm Quỳnh - Anh Tuấn

Khách mời: NSND Trà Giang, Vợ chồng NSND Thanh Vân - Nhuệ Giang, NSUT - Đạo diễn Quốc Trọng, Anh Núi Xanh, Nhạc sỹ Trương Quý Hải, Nhà báo Hà Đỗ, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Ca sĩ: Đức Tuấn, Uyên Linh, Vũ Thắng Lợi, Minh Quân, Trần Lang & friend.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.