Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với 7 năm đổi mới giáo dục tiểu học

Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với 7 năm đổi mới giáo dục tiểu học
TS. Đặng Huỳnh Mai
Bảy năm trước đây, vào ngày 19/8/2002 – đúng ngày kỷ niệm 57 năm ngày Cách mạng tháng Tám, ngày chuẩn bị triển khai Nghị quyết 40 của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông với năm học đầu tiên, tôi được Bộ trưởng phân công đến xin ý kiến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt liên quan báo cáo của Bộ trưởng về sự chuẩn bị thay SGK tiểu học mới (SGK tiểu học 2000) để triển khai vào tháng 9/2002.
Ông Kiệt với các cháu thiếu nhi các tỉnh về dự Liên hoan chiến sỹ nhỏ Điện Biên Xuất sắc toàn quốc năm 1994 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (ảnh tư liệu)
Ông Kiệt với các cháu thiếu nhi các tỉnh về dự Liên hoan chiến sỹ nhỏ Điện Biên Xuất sắc toàn quốc năm 1994 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (ảnh tư liệu)

-Thưa chú Sáu, cháu được Bộ trưởng phân công trực tiếp kính gửi báo cáo này đến chú.
-Bây giờ thì còn báo “cáo”, báo “cò” gì nữa.
-Vậy cháu xin được thay mặt lãnh đạo Bộ tiếp nhận sự chỉ bảo của chú Sáu ạ.
-Tôi không biết các cô, chú nghĩ gì, làm gì khi đổi mới giáo dục tiểu học với sự bắt đầu bằng chữ “e” thay chữ “o”, chữ “a” quen thuộc. Một sự thay đổi không cần thiết đã gây phản ứng lớn trong xã hội, làm hoang mang các bậc phụ huynh thì làm sao học sinh học tốt hơn được. Hãy ngưng ngay việc triển khai sách giáo khoa mới cho.
-Thưa chú nếu ngưng triển khai thì năm học mới đến lấy gì để mà dạy và học hả chú?
-Đó là việc của các cô, chú. Không hoàn thành trách nhiệm thì phải chịu tội “tử hình” trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trước thái độ quá nghiêm khắc của chú, tôi không biết mình phải làm gì khi mà thư báo cáo của Bộ trưởng vẫn còn trong tay tôi. Có lẽ tôi không hoàn thành nhiệm vụ mất rồi... Tôi đề nghị các đồng chí Thường vụ Tỉnh uỷ cho lùi Hội nghị 15 phút để tôi được tiếp tục thuyết phục. Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh đã rộng rãi chấp nhận khai mạc Hội nghị Thường vụ mở rộng lùi lại 30 phút.
Điều quan trọng đối với tôi bây giờ là làm cách nào tiếp cận với chú Sáu để tiếp tục trình bày một lần nữa. Tôi thầm nghĩ với tính cách của chú mà năn nỉ thì có lẽ không thể thành công được.
-Thưa chú, nhất định phải sử dụng SGK cũ phải không ạ?
-..............
Tôi rụt rè nói sau lưng chú:
-Vậy là “tử hình” chữ “E” hả chú?
-Tôi không đùa với cô! Tử hình những ai vô trách nhiệm đã làm cho xã hội hoang mang.
-Vậy lúc trước chú có ý kiến gì không hả chú?
-Vì sao?
-Vì dự án này... từ năm 1995 đến 2000 và đến năm 1997 chú mới thôi là Thủ tướng.
Lúc bấy giờ chú quay mặt lại và nhìn thẳng vào mặt tôi. Đôi mắt sáng của chú trông như sáng hơn, vầng trán cao của người lãnh đạo đất nước thuở nào dường như thẳng đứng hơn, cao hơn. Chú dõng dạc:
-Trước kia chưa có ý kiến thì bây giờ có vậy. Nếu như tôi đã phê chuẩn mà bây giờ xét thấy không đúng thì tôi sẽ chịu trách nhiệm chung với Bộ GD-ĐT. Thật ra cô cần nói gì thì nói hết đi.
Tôi mừng quá, đúng là Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà bao nhiêu người đã từng ca ngợi. Thế là tôi mạnh dạn hơn:
-Thứ nhất kính xin chú nhận văn bản của Bộ trưởng giúp cháu.
-Tôi sẽ gửi thư trực tiếp cho Bộ trưởng, cô không phải chờ. Nói tiếp đi!
-Thật ra sự bắt đầu chữ o, chữ a hay chữ e không phải là vấn đề mấu chốt của tiếng Việt. Tiếng Việt là đơn âm mà chú. Có lẽ đối với Việt Nam mình thì sự thay đổi thói quen mới là điều vô cùng khó khăn. Điều này thì Ban cán sự Đảng của Bộ cũng đã rút kinh nghiệm rồi chú ạ.
...
Ngày nay SGK chỉ chiếm 30% trong hiệu quả giáo dục; 40% kết quả là do phương pháp dạy vì phương pháp truyền đạt kiến thức của thầy là để trẻ được học cách học và cách làm người Việt Nam; 30% là do cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Ví dụ như một chuyên gia giáo dục nước ngoài đã nhận định: Tại sao người Việt Nam quá chú ý đến điểm số, khi một học sinh về nhà báo cáo với bố mẹ là con học được điểm 1,2,3 thì chắc chắn học sinh sẽ phải nhận 1 roi hoặc 1 cái tát tai. Nếu học sinh nói con được điểm 10 thì cả nhà sẽ vui vẻ, thậm chí bố mẹ còn không biết con mình đã học được những gì. Thay vì học sinh nhận điểm về nhà giáo viên có thể dạy cho trẻ biết được một kiến thức thông thường như tại sao có mưa dông là có sấm chớp... để trẻ tự mang về nhà thì có phải tốt hơn không? Cần gì phải lấy 1 điểm hoặc 2 điểm về nhà.
Nghe xong chú trầm ngâm:
-Thôi để đó tôi nói chuyện với Bộ trưởng của cô sau.
Tôi mừng vô cùng vì không phải trở thành người không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi chỉ còn biết nắm chặt tay chú để biểu thị lòng biết ơn vì sự nghiêm khắc mà độ lượng.
Sau 5 ngày chúng tôi báo cáo với chú Sáu Dân – nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tất cả những văn bản chỉ đạo của Bộ nhằm đảm bảo thực hiện 3 mục tiêu mà chúng tôi đã từng trình bày với chú. Chú ngồi nghe và chỉ nói:
-Nếu không nghiêm khắc thì sẽ dễ chủ quan và coi thường dư luận xã hội... Rồi chú lại tiếp: Phải có tầm nhìn chiến lược để tiếp cận với sự phát triển của thế giới nhưng cũng phải biết tôn trọng giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ý kiến xã hội có giá trị tham khảo, cái  gì mới, tiến bộ và đúng đắn thì quyết tâm bảo vệ và giải thích cho mọi người hiểu để cùng tham gia. Giáo dục tiểu học va chạm đến từng nhà dân, làm gì cũng phải trả lời câu hỏi: Cái này có đại chúng không, nếu không đại chúng thì sẽ phục vụ đối tượng nào?
Nhân ngày giỗ đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi xin viết lại câu chuyện gặp gỡ 7 năm về trước, như một lời tri ân đến chú Sáu Dân.
Có lẽ, chính chú Sáu đã làm cho chúng tôi phải nỗ lực rất lớn với quyết tâm đổi mới toàn diện trong công cuộc chỉ đạo giáo dục tiểu học để không phải chỉ dừng lại ở việc đổi mới SGK.
Đ.H.M

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ