Nhớ người vẽ mẫu Quốc huy

GD&TĐ - Hằng năm vào dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhiều văn nghệ sĩ và người yêu mỹ thuật lại tưởng nhớ họa sĩ Bùi Trang Chước – người phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam.

Quốc huy Việt Nam, Biểu trưng Tổng liên đoàn và các mẫu huân chương do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Ảnh: IT
Quốc huy Việt Nam, Biểu trưng Tổng liên đoàn và các mẫu huân chương do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Ảnh: IT

Họa sĩ Bùi Trang Chước sinh năm 1915 - mất năm 1992. Ông quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, nay là phường Phú Thượng (Tây Hồ - Hà Nội). Bùi Trang Chước là một trong số ít họa sĩ Việt Nam mà sức nhìn và kỹ năng có thể đạt đến độ thấu đáo đáng kinh ngạc. 

Phác thảo mẫu Quốc huy

9 giờ sáng nay (25/8) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) khai mạc triển lãm “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước”. Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ về sự ra đời của Quốc huy Việt Nam. Đồng thời, triển lãm cũng trưng bày bản gốc những phác thảo mẫu vẽ Quốc huy do gia đình cố họa sĩ gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Bà Minh Thuỷ, con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết, năm 1936 ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bùi Trang Chước sớm nổi tiếng với khả năng đồ họa vượt trội so với lứa sinh viên cùng thời. Thế nhưng, ít ai biết một bí mật liên quan đến việc ông suýt bị đuổi học vì nghỉ dài mà quên không xin phép.

Sau đó, sinh viên Bùi Trang Chước đã gửi thư cho họa sĩ Nam Sơn (người thầy được các sinh viên thời đó gọi là “cụ”), với nội dung: Thưa cụ, nay con có mấy lời về kính thăm cụ được bình an khang cát. Sau con viết để có lời thưa với cụ, xin cụ rộng lòng soi xét cho con. Nguyên, mấy tháng nghỉ hè vừa rồi, con vào Sài Gòn vì có chú dặn vào, con định gần đến ngày khai trường về học nhưng lại bị ốm không ra được. Con biết bổn phận là phải viết giấy về xin phép cụ, nên con đã nhờ chú con viết ra để xin cụ. Nhưng cho đến nay, con hỏi ra thì mới biết rằng chú con bận việc trong hãng chưa có giấy về xin phép cụ. Nay con biết lỗi của con lớn lắm nên con vội viết về để xin cụ rõ cho con, và xin cụ rộng lòng mà thương đến con, cho con lại về đi học như cũ, con được đội ơn cụ lắm.

Sự thể sau đó thế nào, ít người được rõ. Nhưng có một điều chắc chắn, cậu sinh viên rất mực tôn sư trọng đạo, hiếu lễ với thầy đã không bị nghỉ học mà còn tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc vào năm 1941, và trở thành thầy giáo giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt.

Sau 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước chuyển ra Hà Nội, tham gia kháng chiến và giảng dạy mỹ thuật. Ông là một trong số ít những họa sĩ đầu tiên sáng tác tem thư và tiền giấy. Trong những năm 1951 - 1952, do có biệt tài về đồ họa ông được điều về vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng. Đầu năm 1953, ông làm nhiệm vụ sáng tác Bằng khen, Huân - Huy chương và tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam.

Trong 3 năm, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có 94 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và hàng chục bản vẽ chì mẫu Quốc huy rồi “rút” lại thành 15 bản vẽ mẫu. Đến tháng 10/1954, từ hơn 300 mẫu Quốc huy của các họa sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả Bùi Trang Chước được lựa chọn trình Chính phủ.

Nhớ người vẽ mẫu Quốc huy ảnh 1

Họa sĩ tài danh

Giới mỹ thuật còn biết đến một Bùi Trang Chước với biệt tài sơn khắc, đồ họa. Ở nước ta, những họa sĩ có biệt tài về đồ họa, đặc biệt đồ họa khắc như Bùi Trang Chước thực ra không phải hiếm. Ngay cả Nguyễn Tư Nghiêm hay Nguyễn Sáng đều là những cây đồ họa xuất sắc.

Thế nhưng, nếu kể tên các họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật đồ họa, dành cả cuộc đời cho đồ họa, đặc biệt cho nghệ thuật tranh sơn khắc thì không được nhiều. Ngoài một số tên tuổi như Nguyễn Khang, Công Văn Trung, Huỳnh Văn Thuận, Thái Hà, Doãn Tuân, Trần Hữu Chất thì chỉ còn Bùi Trang Chước là đáng nêu tên.

Tranh sơn khắc của Bùi Trang Chước mặc dù không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm đủ tạo ra một đề tài cho các thế hệ sau phải nghiền ngẫm. Theo giới phê bình mỹ thuật, tài năng và cá tính đặc biệt của người họa sĩ mới có thể qua các chất liệu “pha nước” vẽ bằng bút, mới tạo ra được những hiệu quả tuyệt mĩ, tưởng như chỉ có bằng dao và đục người ta mới tạo ra được. Bởi vậy, xem các tác phẩm của Bùi Trang Chước là xem những kiệt tác thời đại.

Theo giới mỹ thuật, độ vân vi của muôn vàn chi tiết trong tác phẩm của Bùi Trang Chước làm cho người xem thích thú trước cái sự “tham” của người vẽ. Vì có lẽ, chẳng mấy khi người xem được thấy sự vật một cách chi li và được nghe thấy cả tiếng rì rào của gió và sóng nước.

Bùi Trang Chước được đánh giá sinh ra như để làm đồ họa, làm tranh sơn khắc. Bản tính giản dị, khiêm nhường của ông cũng là một phẩm chất quý giá làm nên nghệ thuật. Ông đã có một cách quan sát cuộc sống rất riêng, một cách tâm tình đầy thú vị với cuộc sống; ông từ tốn, nhỏ nhẹ nhưng đằm thắm, đầy đặn và rất chu đáo.

Tìm đến nghệ thuật Bùi Trang Chước là tìm đến một tấm lòng, một công phu lao động, một sự sáng tạo không ồn ào, không khoa trương. Con đường của họa sĩ Bùi Trang Chước đã đi đong đầy khó khăn vất vả, cần đến vô vàn nỗ lực để trở thành một cá nhân riêng biệt, độc đáo mà chỉ cần nhắc tên, người khác đã phải cúi đầu thán phục.

Trong di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” do họa sĩ Bùi Trang Chước viết ngày 26/4/1985 có đoạn: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.