Tác giả Quốc huy Việt Nam chính thức được đặt tên phố ở Hà Nội

GD&TĐ - Ngày 5/12, tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên 42 tuyến đường, phố mới, điều chỉnh độ dài 5 tuyến đường và 1 công trình công cộng trên địa bàn 17 quận, huyện với 97 phiếu tán thành, đạt 95,1% tổng số đại biểu. Trong đó, có phố mới mang tên Bùi Trang Chước – tác giả Quốc huy Việt Nam. 

Mẫu Quốc huy  hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Mẫu Quốc huy hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Phố Bùi Trang Chước dài 470m, rộng 12m, từ ngã ba giao phố Phú Xá tại sân chơi tổ dân phố số 9 Phú Thượng đến ngã ba giao cắt phố Phú Gia tại trường THCS Phú Thượng, thuộc quận Tây Hồ.

Họa sỹ Bùi Trang Chước (21/5/1915 - 27/2/1992), quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Hà Nội. Ở thời điểm năm 1942, ông là người Việt Nam và cũng là người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư. Trong giới nghệ sỹ Việt Nam, ông được phong là họa sỹ đồ họa số 1.

Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Từ năm 1953 đến 1955, bằng tài năng và sự lao động miệt mài, nghiêm túc, hoạ sỹ Bùi Trang Chước đã có hàng trăm bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và hàng chục bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy. Từ những nghiên cứu đó, ông đã hoàn thành 15 bản vẽ mẫu Quốc huy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng để gửi cấp trên lựa chọn.

Hầu hết các tác phẩm từ đồ họa đến hội họa của cố họa sĩ Bùi Trang Chước đều gắn liền với lịch sử dân tộc, phản ánh rõ nét công cuộc đấu tranh và kiến thiết đất nước. Có thể nói mẫu Quốc huy Việt Nam là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu nhất của Bùi Trang Chước, được Quốc hội phê duyệt tháng 9/1955 và sử dụng làm biểu tượng quốc gia từ đó đến nay.

Ảnh tài liệu lưu trữ mẫu Quốc huy của họa sỹ Bùi Trang Chước
Ảnh tài liệu lưu trữ mẫu Quốc huy của họa sỹ Bùi Trang Chước 

Trong đơn đề nghị gửi UBND thành phố Hà Nội, ba họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam và Thục Phi viết: “Cố họa sỹ Bùi Trang Chước đã để lại cho hậu thế những đóng góp đặc biệt quan trọng - mẫu Quốc huy Việt Nam là biểu tượng đặc sắc, tinh tế và trường tồn của dân tộc.

Ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Cụ Bùi Trang Chước là cây bút tiên phong có nhiều dấu ấn. Lĩnh vực nghệ thuật của cụ đa dạng và phong phú. Cụ vẽ tem thư, cụ vẽ tiền và nhiều công trình đồ họa. Đặc biệt, cụ là tác giả Quốc huy Việt Nam. Trước đây, có xảy ra tranh chấp về vấn đề tác giả Quốc huy. Đến nay, vấn đề đã được làm sáng tỏ. Tôi cho rằng, ở góc độ tác giả Quốc huy Việt Nam, cụ Bùi Trang Chước xứng đáng được đặt tên đường phố ở Thủ đô Hà Nội”.

Mẫu Quốc huy của Họa sỹ Bùi Trang Chước được Chính phủ lựa chọn trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa I (tháng 9/1955) xem xét thông qua là Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.