Đó cũng là ký ức chung của nhiều cựu nhà giáo Nghệ An, lên đường nhập ngũ chống Mỹ, có mặt đến ngày cuộc chiến kết thúc vào 44 năm về trước.
Rời phấn bảng ra trận
Ngày gặp mặt, 2 nhà giáo Đặng Danh Lưu và Nguyễn Ngụ mái đầu đều đã bạc trắng, ôm chặt lấy nhau xúc động. Cả 2 vẫn tự hào gọi nhau là bạn cùng chiến hào.
Đầu tháng 9/1972, nhiều trường học tại Nghệ An đang phải chịu cảnh sơ tán nhưng vẫn rộn ràng chuẩn bị cho năm học mới. Tại trường cấp 2 Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn), thầy giáo Vũ Quang Thâm cũng đang tất bật sửa soạn khai giảng. Nhưng đúng vào thời điểm đó có lệnh tổng động viên toàn quốc, dồn mọi lực lượng cho miền Nam ruột thịt, thầy giáo làng gác lại phấn, bút xung phong lên đường.
“Ngày khoác ba lô ra đi, cũng bồi hồi lắm, biết có ngày trở lại mái trường này nữa không? Chiến tranh mà, có người trở về, có người sẽ nằm lại trên chiến trường. Nhưng phải như thế mới có sự công bằng giữa tất cả mọi người, ai cũng đều có nghĩa vụ với Tổ quốc. Không phải thầy giáo là được miễn ra trận. Nếu mình không ra đi thì ai sẽ góp sức bảo vệ quê hương, đất nước, giành lại hòa bình”.
Những cái nắm tay, cái ôm của người đồng nghiệp, đồng chí |
Thực hiện lệnh tổng động viên năm 1972, thầy Lê Xuân Bát (SN 1942) cũng tạm biệt trường lớp, học sinh, gửi gắm gia đình cho làng xóm để nhập ngũ. “Ngày ấy, tôi có cha già ốm nặng nên xin chuyển công tác từ huyện Nghi Lộc về Trường cấp 2 Hưng Châu (huyện Hưng Nguyên) để tiện chăm sóc, phụng dưỡng.
Nhưng khi đất nước cần, tôi xung phong nhập ngũ, cha tôi cũng không giữ mà bảo tôi đi vì việc nước. Trước đó tôi có xung phong vào lính mấy lần nhưng vì quá tuổi nên không được chấp nhận. Lần đó vào bộ đội, tôi đã 30 tuổi rồi, trước khí thế đấu tranh sôi sục của quân và dân ta, chúng tôi không nghĩ tới cái chết, chỉ có niềm tin vào ngày đất nước thống nhất…”, thầy Bát nhớ lại.
Năm 1972, khi cuộc chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cả nước dồn lực cho miền Nam, hơn 80 thầy giáo, cán bộ giáo dục Nghệ An đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Bỏ lại sau lưng cha mẹ già yếu, con còn nhỏ, có người mới cưới vợ, có người chưa lập gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, rời bảng đen phấn trắng nhập ngũ, vào biên chế ở nhiều binh chủng, mặt trận khác nhau nhưng cùng chung một quyết tâm vì ngày chiến thắng, thống nhất đất nước.
Thầy Bát tâm sự: “Chúng tôi hành quân trong rừng, vượt dãy Trường Sơn, cuộc chiến khó khăn, gian khổ và nỗi nhớ nhà, nhớ quê quay quắt. Nhưng là nhà giáo – bộ đội càng phải quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”
Có mặt ở Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử
Khi đang cùng giáo viên dạy trường Cao đẳng Sư phạm Miền xuôi Nghệ An (đóng tại huyện Tân Kỳ) thì cả 2 thầy giáo Đặng Danh Lưu và Nguyễn Ngụ cùng xung phong vào mặt trận và được phân bổ vào Sư đoàn 593, Đại đội 9, tiểu đoàn 3. “Gọi tắt là C9-D3-E593, những ai từng chiến đấu trong quân ngũ là sẽ hiểu ký hiệu đó. Chúng tôi nằm trong quân đoàn trung dũng, chủ lực của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, thầy Đặng Danh Lưu tự hào.
Mùa xuân năm 1975, cuộc chiến trở nên khẩn trương, gấp rút hơn cho cuộc tổng tiến công đánh về Sài Gòn. Thầy Nguyễn Ngụ nhớ lại: “Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh Buôn Ma Thuột, ban đầu định đánh trực diện, nhưng sau đó thay đổi chiến thuật, chúng tôi đánh úp từ phía sau. Giải phóng Buôn Ma Thuột rồi, không khí ở chiến trường chuyển biến và thay đổi rõ lắm. Chúng tôi cảm nhận được, ngày toàn thắng đã đến gần rồi”.
Cùng xem lại những kỷ vật nhắc nhớ một thời nhà giáo lên đường "xẻ dọc Trường Sơn" |
Cả 2 anh lính quê xứ Nghệ theo đơn vị pháo cao xạ hành quân rời Tây Nguyên. Dọc đường, từng cánh quân từ khắp các chiến trường khác cũng đổ về Sài Gòn, không khí náo nức vô cùng. Đi đến đâu, phía quân địch đã bỏ chốt đầu hàng hoặc chống cự yếu ớt, không có mai phục.
“Chúng tôi đánh xuống Đồng Dù, rồi theo đường 14 đánh thốc Củ Chi, về Tân Sơn Nhất. Cầm theo chiếc đài cát –sét nhỏ, tin thắng trận các nơi báo về. Chiều 30/4/1975, chúng tôi có mặt ở Sài Gòn, đứng trước cổng Dinh Độc lập đã bị húc đổ, 5 anh em đồng đội thân thiết đã chụp chung với nhau bức ảnh kỷ niệm. Cảm giác không có gì tuyệt vời, sung sướng hơn. Chúng tôi vượt Trường Sơn, nói thật không biết ngày về. Cuối cùng đã được thấy ngày thắng lợi, hòa bình rồi”, 2 thầy giáo xúc động.
Cũng có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc lịch sử ấy, thầy Phạm Quý Hùng (SN 1947) ôm lấy các đồng đội, nước mắt trào ra. Khi nhập ngũ, thầy là giáo viên dạy ở huyện Tân Kỳ, năm học mới vừa bắt đầu, thầy trò mới kịp ổn định nơi ăn chốn ở. Tiễn thầy lên đường, lũ học trò mắt đỏ hoe, các thầy thương học sinh như con em ruột thịt.
Thầy Phạm Quý Hùng (ngồi ngoài cùng bên phải) trước khi nhập ngũ là GV Trường cấp 3 Tân Kỳ (Nghệ An) |
Thầy Hùng vẫn không thể nào quên: “Thấy cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập, cả Sài Gòn rợp trời hoa chiến thắng. Chúng tôi vui cùng niềm vui của dân tộc, vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ cho thắng lợi này. Đất nước hoàn toàn được thống nhất, không phải ai cũng có được niềm vinh dự, tự hào đó”.
Cũng trong chiều ngày 30/4, ở thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ), một khóa học sinh đang thi tốt nghiệp, nghe tin miền Nam toàn thắng, cả trường chạy ra sân ôm nhau reo hò. Đất nước thống nhất các thầy cô và các bạn sẽ trở về.
Tự hào là nhà giáo – lính Trường Sơn
Chiến tranh kết thúc, trong số những nhà giáo – chiến sĩ đi đến ngày vui, có người tiếp tục làm nhiệm vụ khác trong quân ngũ, về các trường văn hóa quân đội, quân khu, còn lại nhiều người trở lại ngành, trở về với mái trường, học sinh thân yêu.
“Lính Trường Sơn đã từng là nhà giáo/ Đánh giặc xong lại hát, lại làm thơ”! Được thử lửa ở chiến trường, về trở cởi áo lính họ lại thành thầy giáo mẫu mực, thi đua dạy tốt học tốt.
44 năm sau, cuộc gặp gỡ của hội các nhà giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 nay đều đã vào “tuổi xưa nay hiếm”. Là thầy Đặng Danh Lưu, Nguyễn Ngụ mái tóc bạc trắng ôm chầm lấy nhau gọi “bạn cùng chiến hào”. Là những cái bắt tay thật chặt, là lời hỏi thăm và những câu chuyện của người đồng nghiệp, đồng chí lại sôi nổi, sống động như vừa hôm qua.
Cuộc gặp mặt thường niên của những nhà giáo nhập ngũ năm 1972 |
“Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường như thầy Nguyễn Tiến Bộ, chuyên viên Toán Ty Giáo dục Nghệ An (nay là Sở GD&ĐT Nghệ An), thầy Nguyên Văn Cáp, giáo viên Trường cấp 2 Thanh Chương hi sinh ở Quảng Ngãi… Nhiều đồng đội khác đã mất sau khi trở về ngành giảng dạy như thầy Lê Văn Thiên, Trần Văn Giảng, Nguyễn Văn Hiền…”, thầy Phạm Quý Hùng – Trưởng ban liên lạc Hội các thầy giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 xúc động.
Trong cuộc gặp gỡ hàng năm, thay cho những đồng đội đã không còn, là thân nhân, gia đình ở xa tìm về đoàn tụ đủ đầy. Để ôn lại một thời là chiến sĩ, nếm trải thử thách, xây đắp tình đồng chí trong sáng. Để thế hệ trẻ và những nhà giáo sau này biết đến một thế hệ cha ông, thế hệ tiền bối đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giữ yên bản làng, quê hương và những mái trường cho con em lớn lên đi học trong yên bình.