Cuộc hành quân ấy dằng dặc gian khổ kéo dài ít nhất 3 tháng, có khi đến 7,8 tháng, thậm chí một năm nếu có người ốm đau bệnh tật hoặc gặp địch càn.
Mở đầu là Đoàn 1 với 16 người xuất phát từ khu V ngày 22/5/1961, và cuối cùng là đoàn 31 với 195 người đi từ Quảng Trị ngày 12/12/1974. Đoàn đông nhất xuất phát từ Quảng Trị tháng 8/1973 với 251 nhà giáo.
Có biết bao câu chuyện kể trên con đường ấy, và biết bao câu chuyện kể khác khi các nhà giáo đi B không chỉ làm nhiệm vụ với bút mực phấn bảng, mà còn làm đủ mọi nhiệm vụ trong đời sống “ba cùng” với người dân sở tại: cày cuốc trên đồng hoặc lên rẫy lên nương, tuyên truyền địch vận, và cả cầm súng trực tiếp chiến đấu.
Cuộc sống ấy đã tôi rèn cho họ - những nhà giáo đi B, phẩm chất dám dấn thân, chấp nhận mọi thử thách dù khắc nghiệt, âm thầm phấn đấu, để rồi, khi đất nước thống nhất, một số người ở lại miền Nam công tác, một số người khác trở về miền Bắc tiếp tục nhiệm vụ của mình. Và dù ở cương vị nào, những nhà giáo đã một thời là người lính cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, không hề đòi hỏi sự ưu đãi nào mà lẽ ra, họ đáng được hưởng ưu đãi.
Mọi sự tưởng đã đi vào quên lãng. Nhưng không, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, năm 1990, lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Bộ và Vụ tổ chức cán bộ tập hợp đại diện các nhà giáo đi B của các tỉnh phía Bắc và số anh chị em đang công tác ở Bộ Giáo dục đến họp mặt.
Bộ trưởng còn trao tặng Bằng khen cho một số đồng chí có thành tích tiêu biểu. Anh chị em lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi trong tình thân mến với nhau, và nghe Bộ trưởng tâm sự chân thành: Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi các đồng chí gian khổ vượt Trường Sơn làm nhiệm vụ giáo dục thì tôi lại được Đảng và Nhà nước cho đi học nước ngoài. Điều đó càng làm cho tôi thêm trân trọng những đóng góp của các đồng chí.
Những tưởng rằng đó là sự mở đầu cho việc chăm lo đến những nhà giáo đã có thời gian cống hiến trong gian khổ, hi sinh chiến đấu vì sự nghiệp giáo dục ở miền Nam. Nhưng rất tiếc, cuộc tái ngộ mãi 6 năm sau mới lại được thực hiện nhờ nỗ lực của chính những người trong cuộc đó – các nhà giáo đi B. Ban liên lạc nhà giáo đi B được thành lập, và kể từ đó, suốt 21 năm qua, năm nào các nhà giáo đi B cũng được gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại một quãng đời gian khổ mà đẹp đẽ của mình.
Như nhà giáo Đỗ Trọng Văn – Chi hội trưởng Chi hội nhà giáo đi B tâm sự: Chúng tôi gặp nhau ở đây để chia sẻ cả niềm vui chung và riêng, chia sẻ cảm thông với nhiều đồng chí, đồng đội của chúng tôi hiện nay sức khỏe suy giảm nhiều, mang nhiều bệnh tật, không đến dự gặp mặt được. Đâu đó, một số đồng chí còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ, động viên nhau như đã từng động viên nhau nơi chiến trường.
Chi hội nhà giáo đi B thuộc Hội cựu giáo chức cơ quan Bộ giáo dục trở thành một chi hội đặc biệt, bao gồm những “cựu binh giáo dục”. Và rất nhiều tỉnh thành khác cũng có Ban liên lạc nhà giáo đi B. Qua những cuộc gặp mặt này, mà ký ức một thời của các cựu binh giáo dục đã được tập hợp thành những cuốn sách đặc biệt, riêng có của đội ngũ này, như: Kỷ niệm 40 năm K33 vượt Trường Sơn (1964-2004); Ký ức nhà giáo B2; Kỷ niệm 40 năm đoàn giáo dục-y tế vượt Trường Sơn (1969-2009); Tiểu ban giáo dục R – Một thời để nhờ; Giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước; Nhà giáo Nghệ An đi B – Một thời để nhớ…
Những ký ức tản mạn ấy chưa làm thỏa lòng những nhà giáo đi B đầy tâm huyết với một thời không thể nào quên. 31 đoàn với 2752 nhà giáo đi B suốt 14 năm ấy, mong muốn được “về chung một mái nhà”, trong một cuốn sách của “đại gia đình các nhà giáo đi B”. GS.TS Nguyễn Mậu Bành – Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam bật mí: Chúng tôi đang triển khai công việc này, tuy nhiên, không biết có đáp ứng được mong ước của các bác không, nhưng dù sao cũng là bắt đầu cho một “mái nhà chung” ấy.
Niềm mong ước khiêm tốn ấy đã được các cựu nhà giáo đi B tâm sự chân thành trong cuộc gặp mặt tháng 4 năm 2017. Có bác đã gần 90 tuổi, có bác từ Hà Nam, Sơn Tây cũng về dự. Đặc biệt, có “đôi bạn chiến đấu” năm xưa, cuối đời gặp lại nhau trở thành vợ chồng tri âm tri kỷ là “đôi uyên ương” Lê Hữu Hậu – Võ Thị Nga dù sức khỏe đã sa sút nhưng vẫn “dắt tay nhau” đến gặp mặt.
Bác Nguyễn Lý năm nay 89 tuổi, đi B từ năm 1964, thành thật: “Yếu lắm rồi cô ạ, chả biết còn đi được bao nhiêu lần nữa”. Mà thế thật, quy luật chả ai cưỡng được. Và đương nhiên, nếu không được “cấp cứu” sưu tầm, biên soạn thì những di sản ký ức, các kỷ vật của những nhà giáo đi B cũng sẽ mai một dần theo năm tháng. Thật đáng tiếc sao!
Có thể nói rằng, “nhà giáo đi B” và trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là hai chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục. Lẽ nào, tấm thảm lịch sử giáo dục lại bị hổng hai mảng lớn này? Bây giờ đã là quá muộn để giải quyết câu chuyện này. Mong sao…