Thời hoa lửa của nhà giáo đi B

GD&TĐ - Hiếm có nước nào như Việt Nam, chiến tranh xảy ra vô cùng tàn khốc, hơn bất cứ nơi nào, nhưng nền GD Cách mạng vẫn tồn tại và không ngừng phát triển về mọi mặt. Những nhà giáo thời ấy, đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất non sông.

Những nhà giáo đi B đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh: Tư liệu
Những nhà giáo đi B đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh: Tư liệu

Soạn sách trong bom đạn

Trong kí ức của nhà giáo Phạm Thanh Liêm - nguyên cán bộ, Phó trưởng Phòng Phổ thông, Phó trưởng tiểu ban Phổ thông - Sư phạm thuộc tiểu ban GDR (B3 - Ban Tuyên huấn TW Cục miền Nam, những hình ảnh về Trường Nguyễn Văn Trỗi hiện hữu mãi trong ông. Đây là đơn vị ông đến công tác đầu tiên khi vào miền Nam làm GD. Được gần gũi, chuyện trò, biết hoàn cảnh của các em HS, ông càng hiểu và khâm phục tinh thần vượt khó, quyết tâm học tập của các em. Dù vẫn còn trẻ thơ nhưng các em phải chịu đựng khó khăn, gian khổ của chiến tranh như người lớn.

“Tôi có trở lại Trường Nguyễn Văn Trỗi thêm một lần nữa, nhưng lúc này không được gặp các thầy cô và các em HS mà phải chứng kiến khung cảnh thật đau thương. Trường Nguyễn Văn Trỗi bị pháo của địch bắn bất ngờ. Sau này tìm hiểu mới rõ nguyên nhân là khu vực đó đã có cây nhiệt đới của địch thả xuống từ trước (cây nhiệt đới là một loại máy thu phát tiếng động, phát hiện vị trí có quân ta đóng hay di chuyển qua để oanh kích).

Dù đã được thu dọn từ trước nhưng vết tích còn lại như: Sách vở, quần áo rách nát của HS rải rác khắp nơi và cả những nấm mộ được đắp điếm sơ sài, cây cối ngổn ngang. Cảnh tượng thật đau lòng, xót xa. Mười mấy học sinh và cán bộ, giáo viên của trường, trong đó có cô giáo Lệ Chi đã hy sinh bởi trận pháo này" - ông Liêm nhớ lại.

Ông kể tiếp, sau trận càn Đông Dương năm 1970, Tiểu ban GD R đóng căn cứ ở rừng Côngpông Chàm, ông tiếp tục công tác chuyên môn của mình là biên soạn sách giáo khoa (SGK) cấp 1 cho các vùng: Giải phóng, tranh chấp, tạm chiếm. Đây là lần thứ ba Phòng Phổ thông thực hiện công việc này, hai lần trước là năm 1963 và năm 1965. “Tôi nguyên là giáo viên Toán và có thời gian làm công tác ở Trường Sư phạm cấp 1 Nam Hà nên việc soạn SGK Toán cấp 1 có thuận lợi. Công việc soạn sách Sử và Luân lý thì không dễ dàng song vẫn cố gắng thực hiện. Nay tôi còn giữ được một cuốn” - ông Liêm kể.

Cũng theo ông Liêm, Phòng Phổ thông còn đóng góp tích cực vào việc xây dựng nội dung các hội nghị GD của miền Nam. Sau hội nghị GD miền Nam năm 1971, phòng tập trung thực hiện chương trình công tác hội nghị đề ra qua việc chỉnh lí, soạn SGK cho 3 vùng. Đặc biệt là sách cho vùng tranh chấp và tạm chiếm được diễn đạt và trình bày một cách thích hợp. Bìa mang tên chuyện tranh, truyện vui để dễ dàng lừa địch.

Khi Chiến dịch mùa Xuân 1975 triển khai, theo hướng dẫn của cấp trên, lãnh đạo Bộ GD-TN đã thành lập các đoàn công tác chuẩn bị đi tiếp quản. Đơn vị nào cũng chia làm hai bộ phận; một bộ phận đông đảo đi tiếp quản đợt 1, một bộ phận đi tiếp đợt 2. “Có thể nói, Phòng Phổ thông B3 đã đóng góp hết mình cho sự nghiệp GD miền Nam thời chống Mỹ cứu nước. Có người hy sinh, có người bị tù đày, có những người bị thương tật, di chứng chất độc da cam, có những trang sách, bài giảng làm nên thế hệ học sinh - chiến sĩ” - ông Liêm chia sẻ.

Chiến tranh tàn khốc. Ảnh tư liệu
  • Chiến tranh tàn khốc. Ảnh tư liệu

Tất cả vì Miền Nam ruột thịt

Nguyên là nhà giáo đi B thuộc Học viện Hậu cần - Bộ Quốc phòng, Đại tá, PGS.TS Thiều Kim Lượng bồi hồi nhớ lại, trong kháng chiến chống Mỹ, với khí thế của dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hơn 300 cán bộ, giảng viên, học viên đã tình nguyện làm đơn lên đường chiến đấu. Có những lá đơn tình nguyện được viết bằng máu, có nhiều đơn còn gửi kèm thư của gia đình, người thân động viên con em mình xung phong ra trận.

Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, học viên và được cấp trên chấp thuận, tháng 2/1965, nhà trường đã chọn 89 cán bộ, giảng viên Khoa Vận tải, 2 giảng viên Khoa Chính trị cùng 2 cán bộ Tổng cục Hậu cần lên đường phục vụ chiến trường. Đầu năm 1966, nhà trường đã tổ chức Tiểu đoàn 90 vận tải tham gia cùng các đơn vị vận tải của Tổng cục Hậu cần chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Sau hai ngày khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, sáng ngày 1/3/1966, Tiểu đoàn 90 gồm 100 xe GAZ (loại có đầu tời) được lệnh xuất phát chở hàng thẳng vào chiến trường. Trên đường ra mặt trận, dọc tuyến lửa Khu 4, cũng như trên tuyến vận tải 559, Tiểu đoàn đã nhiều lần bị không quân Mỹ chặn đánh quyết liệt. Nhưng với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ , chiến sĩ Tiểu đoàn 90 không quản hy sinh, vất vả, bình tĩnh, dũng cảm tổ chức cho đoàn xe vượt qua nhiều trọng điểm đánh phá của địch, đưa hàng tới đích và giảm thiểu tổn thất. Cùng với việc trên, cán bộ giáo viên, học viên của Trường còn tham gia lực lượng dự bị chiến lược của Bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến chiến lược.

Để không ngừng nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn chiến đấu cho cán bộ, giảng viên, Trường đã cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi thực tế trên nhiều chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam, ngày 28/4/1975, Học viện Hậu cần đã cử các đoàn cán bộ vào công tác tại các mặt trận. Đoàn thứ nhất gồm 7 người. Đoàn thứ hai gồm 6 người. Sau 20 ngày hành quân liên tục, đoàn vào chiến trường Nam bộ đã có mặt ở Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền.

Những hoạt động trên của các nhà giáo Học viện Hậu cần cho thấy, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ trung tâm là GD-ĐT cán bộ hậu cần, tài chính quân đội cho toàn quân và nghiên cứu khoa học, các nhà giáo Học viện Hậu cần còn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động phục vụ chiến trường, góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến, GD cách mạng vẫn luôn phát triển. Ảnh: Tư liệu
Trong kháng chiến, GD cách mạng vẫn luôn phát triển. Ảnh: Tư liệu 

Một thời hoa lửa

Nhớ về “Một thời hoa lửa”, nhà giáo đi B Bùi Chí Quý kể lại: “Trong cuộc chiến đấu đầy tự hào này, bản thân tôi luôn cố gắng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, không quản ngại hy sinh, gian khổ. Tôi luôn động viên mình và đồng đội ngày đêm rèn ý chí chiến đấu, bảo vệ mình và góp phần tiêu diệt địch. Gần một trăm ngày đêm trèo đèo lội suối vượt đường Trường Sơn, súng chắc trong tay, mang vác trên mình quân trang, lương thực… nhiều lúc còn mang thêm cho đồng đội ốm đau. Vượt đường 9 trong mưa bom bão đạn của máy bay phản lực Mỹ. Vượt Kon Tum khi máy bay hai thân “Cầu Tiêu” của giặc bắn phá. Vượt con đường đầy gian nan “giặc giã” từ Trung ương cục miền Nam để chi viện cho chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Quý xúc động nói: Kể sao cho xiết những tội ác của kẻ thù: đầu rơi, máu chảy, bom đạn xé nát cả cỏ cây, bầu trời… kẻ địch hủy diệt tất cả… Đạn pháo địch từ tàu chiến, những chi khu trên đất liền, máy bay phản lực, trực thăng, đồn bốt giặc, những đơn vị thủy quân lục chiến, những liên đoàn bảo an càn quét vùng giải phóng… Bom đạn đủ các loại của địch xé nát cả không gian và thời gian trút xuống như mưa…

Thế nhưng, ở chiến trường sông nước 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ, những người lính như ông không hề nao núng. Các ông vẫn ngày đêm tập luyện bơi lặn sao cho giỏi, chèo ba lá và bơi xuồng sao cho dẻo dai, nhanh tay nhanh mắt, lúc bình thường cũng như lúc nước dòng, nước cạn: nhất là những khi có giặc trên không, trên cạn; phải ẩn nấp, nghĩ sao cho khéo, phải vượt đập, vượt sông lớn cho nhanh, phải êm ắng, bí mật để vượt qua mọi con mắt của kẻ thù luôn rình rập phục kích ta.

Đợt sinh hoạt chính trị đầu năm học 1976-1977. Ảnh: Tư liệu
  • Đợt sinh hoạt chính trị đầu năm học 1976-1977. Ảnh: Tư liệu

“Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi được chọn vào lực lượng xung kích của Miền, cùng với Bộ đội chủ lực tấn công giải phóng TP Cần Thơ, tham gia Ủy ban quân quản cùng với cơ quan GD khu tiếp quản toàn bộ hệ thống GD từ ĐH đến mẫu giáo, tiến hành mọi công tác cải tạo, chuẩn bị công tác tổ chức cán bộ, công tác cơ sở vật chất, tập huấn công tác chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các nhà trường, làm tốt công tác khai giảng năm học đầu tiên 1975 - 1976 cho toàn thành phố. Sau một năm công tác quản lý GD ở Cần Thơ, tôi được Bộ GD điều động trở ra Bắc công tác để đoàn tụ gia đình. Đó thực sự là hạnh phúc lớn lao không gì vui hơn đối với tôi sau tám năm xa nhà”, ông Quý bộc bạch.

Dù đã tròn 80 tuổi nhưng ông Quý vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là quãng thời gian để lại nhiều kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ của một thời lửa đạn.

Trong câu chuyện của mình, nhà giáo đi B Đỗ Trọng Văn - Chi hội trưởng, Chi hội Cựu giáo chức đi B vẫn ánh lên niềm tự hào về một thời oanh liệt. Ông kể: Với tinh thần miền Bắc luôn sát cánh cùng miền Nam ruột thịt, chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do đó ngay từ những năm 1962, 1963 đã có những nhà giáo đầu tiên lên đường vào miền Nam giúp đồng bào tổ chức dạy học cho trẻ em và nhân dân vùng giải phóng.

 

Chúng tôi tự hào vì đã cống hiến những năm tháng thanh xuân cho miền Nam, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc đời còn lại, tôi luôn thầm nghĩ và tự nhủ mình: Phải sống sao cho trọn vẹn với Đảng, nhân dân, đất nước, với tấm lòng thủy chung son sắt của người Đảng viên cộng sản, người cựu chiến binh ngành GD Việt Nam.


Nhà giáo Bùi Chí Quý

Cuộc chiến càng mở rộng, vùng giải phóng càng nhiều, nhu cầu học tập càng tăng. Từ năm 1964, số giáo viên từ miền Bắc được điều động vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ phát triển nền GD cách mạng ngày càng nhiều hơn. Đó là những thầy cô giáo đi chiến trường như người lính thực thụ, cũng phải đi bộ vượt Trường Sơn hàng mấy tháng trời, và đương nhiên cũng nếm trải đủ mùi bom đạn và những gian khổ, bệnh tật của người chiến sĩ vượt Trường Sơn.

Năm tháng qua đi, cuộc sống mỗi người đã có nhiều thay đổi, nhưng hầu như trong tâm thức của những “nhà giáo đi B” dù ở lại miền Nam hay trở về quê hương miền Bắc, họ vẫn luôn nhớ về những ngày gian nan, vất vả với bao kỷ niệm không thể nào quên, trong đó sâu nặng nhất vẫn là tình đồng đội, những người bạn mà suốt cuộc đời không thể lãng quên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...