Nhớ thầy Đoan trong những giờ học và hoạt động ngoại khóa
Không phải năm nào cũng được học môn Toán hay Lí do thầy Đoan dạy, nhưng tôi nhớ nhất là hình ảnh thầy trong một tiết Lí năm học lớp 7. Đó là bài học về lực đàn hồi.
Trong điều kiện dạy học thiếu thốn, thầy đã có một thí nghiệm rất đơn giản. Thầy lấy cái ổ khóa móc vô cái lò xo tự kiếm và cầm lên. Sức nặng của ổ khóa khiến cái lò xo giãn ra. Nói thật với các bạn, hồi học phổ thông, đó là thí nghiệm duy nhất tôi còn nhớ. Thế mới biết câu: “Một hình ảnh có giá trị gấp hàng trăm lời nói.”
Là giáo viên toán – lí, nhưng thầy cũng phụ trách cả phong trào Đoàn. Hồi đó trường tôi thường cắm trại trong gần hai ngày. Trước khi cắm trại, một nhóm học sinh nam tự đạp xe vào núi để chặt tre.
Hồi đó rừng chưa bị tàn phá nhiều, và nơi bọn mình hay vào là khu vực suối Cát. Sau khi phân công hai đứa ở lại phía ngoài giữ xe, số còn lại cầm rựa (dao quắm) men theo suối vô rừng. Cái cảm giác vô rừng kiếm tre (nứa, tre le thích hợp để chặt ra làm cổng, làm cọc, làm neo, làm hàng rào…) chặt xong cột lại rồi để cho nó trôi dần treo dòng nước của con suối ra chỗ để xe giờ vẫn làm tôi rưng rưng.
Tội nhất là mấy cây mía do người dân tộc họ trồng bên bờ ruộng hoặc chuối rừng. Vì khi bị phát hiện thì chúng sẽ bị bọn tôi “bổ sung dinh dưỡng” ngay! Ngày hội bắt đầu bằng tiết mục thi dựng trại. Neo, dây, cổng trại, cọc trại bằng tre (dán giấy màu xanh đỏ), vải che/ phông màn (do học sinh mượn ở nhà) đã sẵn sàng. Lớp nào dựng nhanh, cột neo đúng kĩ thuật, đẹp sẽ được giải nhất. Sau đó sẽ là các tiết mục thi đua giữa các lớp như cờ vua, múc nước đổ chai, nhảy cao, nhảy xa, chạy, cầu lông ...
Tối đó sẽ là đêm thi văn nghệ. Còn nhớ năm học lớp 7, tôi đóng vai tên lính vở kịch “Tôn Trọng – Tôn Mạnh” (trích truyện thơ của Tàu) được giải nhất. Nó có đoạn: “Tôi là lính xá – Vua sai tôi về thu thuế xã dân – Giữa đường vắng nhanh nhanh kẻo tối – Trời tối rồi mà có cái gì lù lù thế này !…” Đến ngày hôm sau thì thi thêm những tiết mục thể thao còn lại, nghi thức đội, cho đến trưa thì nghỉ, nhổ trại. Dân nghèo, trường nghèo, thầy trò cắm trại trên nền đất, nấu ăn tại chỗ, ngủ trong trại hoặc phòng học, nhưng an ninh vẫn ổn, không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra.
Đặc biệt, trong đợt cắm trại, bao giờ thầy Đoan cũng tổ chức “trò chơi lớn”. Dựa vào kí hiệu tích tè (, - -) của Morse, người chơi sẽ đi tìm mật thư, giải mã và hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, đó là một trò chơi cực kì hiện đại và hấp dẫn mà thầy đã mang đến cho bọn học sinh vùng sâu chúng tôi.
Đưa phong trào thể dục thể thao vào trường học
Thầy Đoan rất rành các môn nhảy cao, nhảy xa. Kỹ thuật nhảy cao đưa lưng qua xà hay úp bụng thầy đều thực hiện tốt, đạt mức khoảng 1,5m. Nhớ năm học lớp 9, tôi cùng Hoàng Long, Nam Trọng và thầy thường chinh phục mức sào 1,5 m ở hố nhảy cao của trường.
Những năm ấy, trường THCS Iasao bao giờ cũng đạt giải cao trong hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Nhờ những kĩ thuật học từ thầy hồi đó cùng một chút năng khiếu, nên khi học đại học, môn thể dục trở nên nhẹ nhàng đối với tôi.
Nói về thầy Đoan, nhất định phải nhắc tới môn bóng đá. Thầy có phong cách chơi bóng rất hào hoa, dẻo dai và trí tuệ. Sau này xem cúp C1, tôi có thấy phong cách này ở ngôi sao Kaka của tuyển Braxin.Thầy có sở trường ở vị trí tiền đạo hoặc hộ công. Giải đấu mà mình vinh dự sát cánh cùng thầy trong một đội hình là năm học 1991 – 1992. Lúc đó tôi đang học lớp 7.
Trường tôi là khách mời của giải do nông trường tổ chức hàng năm dành cho các đội sản xuất sau một mùa vụ cà phê. Ba người thầy cùng với những học sinh lớp 7, 8, 9 biết đá bóng đấu với 13 đội toàn người lớn. Vậy mà cũng giành được giải 3. Thật là kì tích! Trong đội, thầy Đoan là người được các đội bạn chăm kĩ nhất vì thầy giữ bóng, đi bóng khéo léo, ghi bàn tinh tế.
Không chỉ nhiệt huyết với phong trào thể thao, thầy còn tích cực tham gia làm báo tường, học nhạc. Hàng năm, vào dịp 20 – 11 là “mùa làm báo tường” của các trường học, thầy là người đầu tiên vẽ các tựa đề cho tờ báo tường theo cuốn “Mẫu chữ đẹp” (4 tập) của nhà xuất bản Sông Bé. Các tựa báo như HOA PHƯỢNG, NHỚ ƠN . . . do thầy vẽ vẫn ít nhiều nằm trong kí ức của chúng tôi.
Có thể nói, ở một khía cạnh nào đó, mầm móng của năng khiếu vẽ và nhạc của một số học sinh Iasao thời ấy là nhờ thầy Đoan gieo trồng. Mà rõ nhất là hiện tượng Nguyễn Như Thạch. Thạch là người mượn cuốn “Mẫu chữ đẹp” của thầy để tập viết theo, sau này thầy cho Thạch luôn. Thầy cũng cho Thạch cây đàn Organ nho nhỏ.
Sau này tôi đi học cấp 3 rồi vào đại học, đi làm nên không có dịp ở gần thầy. Tuy vậy, được biết sau đó thầy lên làm hiệu trưởng trường tiểu học một thời gian rồi lên huyện làm ở phòng giáo dục, làm chánh văn phòng huyện ủy, bí thư thị trấn Iakha – Iagrai – Gia Lai. Gần đây nhất được biết thầy làm ở thành ủy thành phố Pleiku.