Công tác chủ nhiệm - những điều không thể nói hết trên mặt báo

GD&TĐ - Chúng tôi vẫn thường nói với nhau làm chủ nhiệm cứ như bận con mọn, nhưng vui vì làm chủ nhiệm thì mới có con đẻ, còn không thì chỉ có con nuôi. 

Công tác chủ nhiệm - những điều không thể nói hết trên mặt báo

Mà đúng như vậy. Nếu cô là GVCN thì ngày lễ ngày tết nhà cô sẽ tấp nập tiếng cười tiếng xe từ sáng sớm đến nhà đêm. Hàng xóm láng giềng tha hồ nhòm ngó, có người còn bảo " cô hôm nay ăn đủ"(!).

Không biết những thầy cô dạy ở thành phố lớn thế nào, chứ bản thân tôi dạy tại một huyện ngoại thành Hà Nội thì đó là những ngày chúng tôi đón tiếp các học sinh cũ về thăm cô và cũng là một dịp để các em gặp gỡ nhau sau bao ngày xa cách.

Những câu chuyện rôm rả về quá khứ về hiện tại và những lời chào mừng làm quen nhau của các khóa chủ nhiệm khiến các em không muốn về. Chồng con cô đều đi "sơ tán" cả dành chỗ cho cô trò tự do ăn uống. Cũng chẳng cỗ bàn hoành tráng gì, cô chuẩn bị một ít đồ rồi cùng nhau nấu nướng ăn uống trò chuyện đến khuya. Và ngày hôm sau là ngày cô tha hồ mà thu dọn nhà cửa. Mệt nhưng vui!

Chồng tôi thỉnh thoảng nói đùa cái nghề của em là bỏ con mình đi ôm con người. Anh nói cũng đúng bởi nhiều khi con ốm sốt mà vẫn phải bỏ con ở nhà để đến trường chỉ vì một em học sinh trong lớp chủ nhiệm của mình mắc lỗi.

Làm chủ nhiệm có nghĩa là mình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoảng 40 học sinh. Có bất cứ tội lỗi gì các cô bộ môn cũng gọi đến GVCN. Em A không làm bài, em B nói chuyện riêng, em C không thực hiện đúng đồng phục v..v.. Và cô chủ nhiệm phải dung hòa mọi thứ, phải chấn chỉnh các em, phải động viên các cô và gần như "con sai tại mẹ". Đối với những thầy cô giáo khó tính thì GVCN phải đi nói khó với họ để không gây ra sự căng thẳng giữa giáo viên và học sinh.

Phụ huynh thì lúc nào cũng trăm sự nhờ cô. Ngày nay các bậc phụ huynh cũng quan tâm tới con em nhiều hơn, cũng thường xuyên trao đổi với GVCN về tình hình học tập rèn luyện của con em họ, nhưng không ít phụ huynh vì bận rộn mà quên mất điều đó.

Tôi nhớ có lần gọi điện cho một phụ huynh vì họ không đi họp hội nghị cha mẹ học sinh thì nhận được câu trả lời: "Tôi không thích đi họp phụ huynh, cô không có quyền ra lệnh cho tôi."

Biết gặp phải ca khó tôi cười bảo "Bác có nhầm không ạ, tôi không ra lệnh cho bác, trong giấy mời tôi ghi rõ "Trân trọng kính mời". Lại có lần khác khi học sinh lần lữa không chịu nộp tiền học phí tôi gọi điện thì được họ trả lời "tôi cho nó rồi nó cho bạn vay, bao giờ nó đòi được thì sẽ nộp cho cô" và không quên bồi thêm một câu "có thế mà cũng phải gọi cho tôi". Và nhiều chuyện khác nữa mà không thể lường trước được...

Công tác chủ nhiệm đòi hỏi ở các giáo viên một bản lĩnh đối phó với mọi tình huống. Nhu quá cũng không được mà cương quá cũng không xong. Có những em học sinh ưa ngọt thì phải dỗ dành, động viên. Nhưng có những em thì phải dùng những biện pháp mạnh hơn.

Điều mấu chốt là nếu GVCN có được sự ủng hộ của phụ huynh thì mọi việc rất dễ dàng như ngược lại thì rất khó khăn. Không ít những qui định hay phong trào của nhà trường ở lớp này lại được học sinh và phụ huynh ủng hộ nhưng lớp kia thì không. Tất cả đều do cách truyền đạt và giải thích của GVCN có thấu đáo và khéo léo hay không. Đơn cử như việc sử dụng sổ liên lạc điện tử là một hình thức tự nguyện , ở lớp tôi luôn luôn là 100% phụ huynh đăng ký một cách vui vẻ, thậm chí còn kiếm tra xem số điện thoại mà học sinh đăng ký có đúng là của mình hay không, nhưng ở một lớp khác thì lại rất vất vả để vận động được vài người.

Thời đại bây giờ mỗi nhà chỉ có một đến 2 con nên con cái họ là kim cương là ngọc ngà. Vậy nên GVCN đừng dại biến một cuộc họp phụ huynh thành một nơi kể tội. Hãy nói với họ rằng con họ rất ngoan chỉ có thiếu sót một vài điều gì đó nhưng lại có những điểm mạnh như sau...Họ sẽ vui vẻ tiếp nhận những thông tin của cô mà không cảm thấy xấu hổ với các phụ huynh khác và tất nhiên họ sẽ chấn chỉnh chính con cái họ. Về phía em học sinh đó cũng sẽ có thái độ tích cực hơn so với việc bị cô phê bình gay gắt trước cuộc họp.

Còn rất nhiều những chuyện xảy ra mà bản thân GVCN không lường hết được. Muốn làm tốt công việc của mình thì trước tiên giáo viên đó phải là một người thật sự gần gũi và có trách nhiệm với học sinh. Với 18 năm làm công tác chủ nhiệm liên tục, tôi đã có rất nhiều những buồn vui với công việc của mình và tôi thấy yêu quí công tác này!

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ