Chiến tranh đã đi qua nhưng bao hồi ức của thời khói lửa ấy vẫn luôn hằn in nơi tâm trí ông Nguyễn Mạnh Ninh, một trong những chiến sĩ trẻ tuổi nhất thuộc Đại đoàn 312 - đơn vị trực tiếp bắt sống tướng De Castries tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông Nguyễn Mạnh Ninh (hay Nguyễn Mạnh Đạt) sinh năm 1934, là cựu chiến binh thuộc Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Thời còn tại ngũ, ông mang quân hàm Trung úy và giữ chức Chính trị viên Đại đội 7 (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 đảm nhận vai trò tiến công chủ lực, đánh trận mở đầu và lập nên nhiều chiến công vang dội dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn. Ông Ninh khi đó mới 17 tuổi, là một trong những chiến sĩ trẻ nhất của Đại đoàn được Bác Hồ trao tặng huy hiệu vì thành tích xuất sắc.
Năm 2024, khi cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Mạnh Ninh cũng bước sang tuổi 90. Dẫu đôi chân không còn nhanh nhẹn như thời trai trẻ nhưng trí nhớ của ông minh mẫn đến lạ. Nhắc chiến trường xưa, ông có thể kể vanh vách từng trận đánh, từng mốc sự kiện lịch sử với niềm tự hào và xúc động. Thậm chí, ông nhớ rõ cả tên từng món vũ khí, trang thiết bị quân sự mình từng sử dụng.
Theo lời anh Nguyễn Tuấn Giang, con trai ông Ninh, bố anh là thương binh hạng 3/4 với nhiều vết thương để lại từ hai cuộc kháng chiến, nhất là dây thần kinh từng bị tổn thương nặng nề. Có đợt, ông rơi vào trạng thái mất tỉnh táo. “Thời gian đó, ông không nhận ra cả con của mình, thường hô hào “xung phong, xung phong” và tưởng chúng tôi là giặc”, anh Nguyễn Tuấn Giang kể.
Xuất thân trong gia đình lao động tự do, có 4 anh em trai và 4 chị em gái, ông Ninh cùng người anh thứ hai của mình từ nhỏ đã hăng hái tham gia hoạt động. Trước Cách mạng tháng Tám, ông được Việt Minh giao cho việc rải truyền đơn. Sau khi cách mạng thành công, ông sinh hoạt ở đoàn thiếu nhi của phố Trần Nhật Duật (tức khu Đông Kinh Nghĩa Thục); thường cùng các bạn tập trận giả. Tết Trung thu, đoàn được vào Nhà hát Lớn, gặp Chính phủ lâm thời, gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần và ông Bảo Đại lúc đó là cố vấn.
Ông Ninh xúc động nhắc lại lời dặn dò của Bác Hồ với đoàn thiếu nhi: “Bác bảo, Việt Nam ta đã hoàn toàn độc lập, không còn ách thống trị của thực dân. Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của đất nước. Các cháu phải chăm ngoan học giỏi”. Lời Bác Hồ năm xưa vẫn luôn khắc sâu trong tim tôi”.
Năm 1946, khi cả nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, anh trai ông tham gia đội tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (sau là Trung đoàn Thủ đô). Đến năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng quê hương Hà Nam, ông tham gia lực lượng du kích tại xã. Chính trong thời điểm này, anh trai đưa ông gia nhập lực lượng thiếu sinh quân.
Dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời ông diễn ra vào tháng 1/1950 tại Cao Bằng. Trong một lần ra suối lấy nước cho ngựa uống, ông có cơ duyên gặp Đại tướng Lê Trọng Tấn, chỉ huy Đại đoàn 312.
“Đại tướng hỏi tôi là cậu kia đi đâu, làm gì, ở đơn vị nào? Hồi ấy mới về nên tôi chưa biết rõ mình ở đơn vị nào, cán bộ tên gì, chỉ dám trả lời “Em không biết”. Vậy là Đại tướng bảo tôi: Thế có muốn về 312 với tớ không? Về thì bảo cán bộ là tớ qua gặp nhé”, ông Ninh xúc động nhớ lại. “Đại tướng đã xin cho tôi về 312, rồi giao tướng Hoàng Cầm quản lý. Đây là một vinh dự lớn”.
Sau đó, ông Ninh cùng Đại đoàn 312 tham gia các trận đánh quan trọng suốt chiến dịch như Đông Khê, Thất Khê, Hòa Bình, Thượng Lào, Điện Biên… và giành được nhiều thắng lợi. Trong giai đoạn này, ông Ninh bị thương chân phải do máy bay thả bom napalm tại đồi Cỏ Cháy. Ông hồi tưởng: “Đêm 13/3, đơn vị tôi đánh Him Lam nhưng tôi ở bệnh viện nên không được dự, lúc về thì đánh xong rồi”.
Ông Ninh cũng tiết lộ, hôm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội trưởng của ông là Tạ Quốc Luật dẫn hai trung đội theo hướng tấn công thẳng vào sở chỉ huy tức hầm De Castries. Lúc này, ông Ninh và ông Hoàng Đăng Vinh cùng 12 chiến sĩ nữa cũng chạy theo hướng đó. Đang chạy thì trung đội trưởng của ông đột ngột… rẽ hướng khác. “Anh gọi rồi dẫn tôi chạy vòng đường khác, nên sau chỉ có anh Luật và anh Vinh vào thẳng hầm”, ông Ninh hài hước chia sẻ. “Lúc đấy mà tôi chạy theo anh Luật thì có khi cũng được bắt tướng giặc rồi”.
Sau chiến thắng, Bác Hồ đã đến thăm và trao tặng huy hiệu cho ông cùng các đồng đội thuộc Đại đoàn 312, ghi nhận những đóng góp của họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 1955, ông Ninh vinh dự được kết nạp Đảng.
Trong những năm tháng tuổi trẻ, ông Ninh không chỉ tham gia kháng chiến chống Pháp mà còn cống hiến rất nhiều cho thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tuy phải hứng chịu không ít thương tích cũng như di chứng, mất mát từ chiến tranh nhưng ông cùng các đồng đội vẫn dốc sức vì thắng lợi chung của dân tộc. Giờ đây, mỗi khi kể lại những kỷ niệm với đồng đội, ông Ninh lại không khỏi xúc động.
“Để mà nói về những hi sinh thời chiến thì đúng là cạn nước mắt, không khóc nổi vì đã chứng kiến quá nhiều. Có lần, tôi nói chuyện với một anh lính trung liên về cái mục tiêu, vừa ra chỗ khác thì anh hy sinh”, ông Ninh bồi hồi kể lại. “Thương lắm, chỉ vừa nói chuyện với nhau thôi. Còn mấy hôm nữa là hòa bình rồi…”.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Ninh chuyển sang công tác tại địa phương, tiếp tục góp sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, một đảng viên cộng sản trung kiên.
Là nhân chứng của lịch sử, trực tiếp trải qua nhiều cuộc chiến và những nghiệt ngã, đau thương của chiến tranh, ông Nguyễn Mạnh Ninh kỳ vọng thế hệ mai sau sẽ dành nhiều sự quan tâm và trân trọng hơn những giá trị của lịch sử nói riêng và hòa bình nói chung.
“Liên hệ đến thời của tôi, nhiều thanh niên bây giờ không hiểu được hết giá trị của lịch sử cũng như những điều mà thế hệ cha ông đã làm, đã trải qua, có phần thờ ơ. Dù bây giờ là thời bình nhưng người lính vẫn phải vượt qua gian khổ, hi sinh, nhất là những chiến sĩ chống ma túy, bạo loạn. Cần phải giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống yêu nước, để các em hiểu rõ hơn giá trị hòa bình và ý nghĩa của sự hy sinh. Chỉ khi hiểu được quá khứ, các em mới có thể trân trọng hiện tại và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”.
Sau những chia sẻ trên, ông Nguyễn Mạnh Ninh cũng bày tỏ nguyện vọng, nếu đồng đội ở các chiến trường năm xưa còn sống, đọc được bài viết thì xin liên lạc với ông qua địa chỉ: Xóm Hậu, xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Số điện thoại: 0964525298.