Gửi tới chú Hoàng Cát!
Yêu văn thơ, hay đọc báo, nghe đài, thấy các bạn nhỏ viết, cháu cũng học theo, tập tành tạm gọi là ghép vần, sắp chữ... gửi đi nhiều tờ báo, cơ quan văn nghệ trong đó có Ban Văn nghệ thiếu nhi - Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mừng là, các tác phẩm đó cũng được nhiều nhà thơ trong đó có chú - nhà thơ Hoàng Cát đọc, biên tập góp ý rồi chọn đăng. Mỗi dịp như thế, trong lòng con bé ngây thơ hồi ấy như cháu dấy lên biết bao niềm vui, khát khao, hi vọng.
Và, một ngày đặc biệt không bao giờ quên, 18/3/2000 ngẫu nhiên đúng dịp sinh nhật, cháu nhận được tập thơ: “Mùa thu, tình yêu, cuộc đời” cùng lời nhắn gửi trong bức thư tay cực ngắn: “Hãy viết và luôn sống đẹp. Cháu nhé! Chú: Hoàng Cát”. Cháu đã ngỡ ngàng đến nghẹn lời…
Nhà thơ Hoàng Cát - chú Hoàng Cát, cho phép cháu được gọi chú như vậy. Cháu vẫn nhớ mãi từng phút chờ mong được nghe tiếng chú trên Đài Tiếng nói Việt Nam – Chuyên mục Văn nghệ thiếu nhi vào mỗi chiều đi học về để xem bài mình có được chọn đọc không.
Mỗi lần đến giờ biên tập thơ thiếu nhi đầu tháng, chú đều tỉ mỉ nhận xét từng bài, nói vui khi thấy bạn nào viết còn cẩu thả và rất tận tâm khi sửa từng từ, câu, chữ cho hay… Tất cả những lời khen - chê ấy thật thấu tình đạt lý. Cháu say sưa lắng nghe, tự đọc lại bài, sửa đi sửa lại, mới thấy viết thơ không hề dễ dàng.
Những cuốn sổ với những dòng thơ bị chính tay mình cáu kỉnh gạch chi chít cháu vẫn giữ làm kỉ niệm đến giờ. Nhớ lời chú dặn, cháu tự tìm tòi và cẩn thận trau chuốt đến mệt nhoài; nhiều khi chưa ưng ý, phải gạch hết đi rồi bỏ cả bài thơ. Thấy tiếc, giận và nản, nhiều khi không muốn viết nữa. Những lúc ấy, cháu lại mở tập thơ chú tặng. Nhìn nét chữ của chú, đọc từng bài thơ, rồi nguôi ngoai dần và có niềm tin trở lại.
57 bài thơ in trong tập “Mùa thu, tình yêu, cuộc đời” - cháu đã đọc rất kĩ. Chắc chắn chú sẽ không thể biết được rằng trong suốt một khoảng thời gian dài, có một cô bé đọc thơ chú nhiều như thế.
Ngày ấy, không có mạng Internet, không có cách nào tìm kiếm hay liên lạc dễ dàng, cháu chỉ thỉnh thoảng viết thư vì sợ chú bận. Cháu thường đem tập thơ đến lớp cho bạn bè mượn đọc, mục đích cũng là để… khoe. Vì vậy, những trang thơ đã không còn phẳng phiu, có chỗ đã sờn nhưng cháu vẫn luôn nâng niu trân quý và để ở nơi trang trọng nhất trên giá sách.
Như nhan đề “Mùa thu, tình yêu, cuộc đời”, cháu nhận thấy cảm hứng thơ ở tập thơ này hầu hết là sự hòa quyện giữa tình yêu tha thiết, say đắm với thiên nhiên đất trời và con người:
“…Gió nói gì trong màu lá xanh non
Mà xao xuyến lòng ta đến vậy
Ta đang vui, sao bờ vui ứa lệ
Trời giao mùa là mùa của riêng ta
Em nghe gì không giữa mênh mông bao la?
Anh nghe cả đất trời dâng sự sống
Nghe nhạc chảy giữa lòng ta nồng ấm
Tình yêu… tình yêu… tình yêu…”.
(Trái tim tự hiểu)
Vì thế, mỗi miền đất nơi thi sĩ đặt chân đến đều được ghi lại với những cảm xúc tràn đầy. Đó có thể là làng Đặng thân yêu, là biển Nha Trang lãng mạn, hay vùng cao nguyên Đà Lạt mộng mơ…
“Trời trở gió, ngàn thông kêu vi vút
Đêm mênh mông. Đà Lạt lạnh buồn
Thành phố cao nguyên
Như hiện thân của một hành tinh xa lạ
Những ngọn đèn đường mờ ảo trong sương
Sự yên lặng của đêm Đà Lạt
Nghe mênh mang thăm thẳm vời xa...
Như tất cả đã không còn trần tục
Ta như nhìn, nghe thấu được hồn ta...”.
(Đêm Đà Lạt)
Nhưng cũng có khi là nét vẽ về những đêm Lào Cai trầm tư, sông Đà một chiều đông da diết hay một mùa Thu Hà Nội chan chứa nỗi niềm:
“…Thu Hà Nội lại về, thân thiết quá
Quanh Bờ hồ người đã vắng thưa hơn
Những cặp tình nhân khoác tay nhau thong thả bước
Muôn nghìn năm Hà Nội nét thu riêng
Se se gió heo may, xào xạc lạnh
Lá vàng khô lùa trên phố bâng khuâng
Ta lặng lẽ một mình. Chiều nhạt nắng
Nhớ người xa
Người xa nhớ ta chăng?...”.
(Thu Hà Nội)
Điều cô bé yêu thơ ngày ấy xúc động và kính trọng hơn nữa chính là khi biết chú là người lính - thương binh. Bởi vì trong tập thơ có rất nhiều bài viết mang đậm những kí ức khốc liệt không thể nào quên về chiến tranh:
“… Ấy là đêm ấy thời trai lính
Tôi giữa đoàn quân cặm cụi vô
Đại ngàn bom dập, tan hoang chết
Sót lại đồi lau, lau trắng khô
Tôi đã một mình khóc giữa đêm
Khi chân đặt xuống nước sông Hiền
Chao ôi, Tổ quốc thành da thịt
Da thịt bời bời, lau trắng im
Từ ấy trong tôi xào xạc mãi
Nhạc buồn lau trắng trắng đêm thu
Trăng sương sương trắng, ngàn lau trắng
Trăng tới ngàn năm, vạn kiếp sau…
(Lau Quảng Trị)
Đáng trân trọng là sau mỗi trang kí ức “xào xạc” không phải là cảm xúc bi lụy buồn đau mà luôn chan chứa những lời yêu thương, gửi gắm niềm tin chân thành nhất:
“…Các anh các chị không còn nữa
Chẳng biết hồn thiêng ở chốn nào
Một bó hương này xin cúi lạy
Gửi vào đất thẳm với trời cao…
Nhiều em trẻ quá cùng quê Nghệ
Nhập ngũ, hi sinh trong một năm
Mãi mãi tuổi đời em mười tám
Em ơi! Đất nước đã yên hàn
Người hưởng thanh bình không phải em
Nhiều anh nhiều chị chẳng còn tên
Chiến tranh muôn kiếp âu là thế
Người hưởng thanh bình chớ vội quên”.
(Thăm nghĩa trang Trường Sơn)
Có lẽ, đau đáu trong tim người lính còn là niềm “ngẫm nhớ một quãng đời” đã trôi qua. Bóng dáng thân thương của biết bao người mẹ Việt Nam nơi vùng đất thành đồng, địa đạo Củ Chi hay xóm Mắc hiện lên với tất cả tấm lòng thành kính:
“Gọi là xóm, nhưng chỉ còn nhà mẹ
Gọi là nhà, nhưng chỉ túp hầm nơm
Một mình mẹ cũng làm thành xóm Mắc
Đêm đêm pháo bầy. Đêm đêm mưa bom.
...Con đã ăn cơm mòn bát đũa mẹ rồi
Mà chẳng bao giờ biết tên của mẹ
Hỏi mẹ. Mẹ cười: “Kêu tau là Mẹ
Mẹ là tên tau. Bay còn hỏi mần chi?”
Giữa chiến trường. Năm tháng mờ đi
Tuổi trẻ đời con vẫn vương nơi hầm mẹ...
Mẹ chẳng còn trên đời này nữa
Chiến tranh lùi xa. Người ta đã quên rồi.
Con đốt trầm hương, ngẫm nhớ một quãng đời
Lòng con gọi thầm: Mẹ xóm Mắc ơi....”.
(Mẹ xóm Mắc)
Ba năm sau, ngày 10/4/2003, chú tiếp tục gửi tặng cháu một tập thơ mới xuất bản: “Thì hãy sống”. Cháu đã không thể tin nổi chú vẫn nhớ tới cô bé yêu thơ chưa từng gặp mặt.
Thời gian đó, cháu ít sáng tác thơ thiếu nhi và đã là cô sinh viên Văn khoa của trường Sư phạm. Mừng vui nhận tập thơ và chăm chú đọc, cháu đã phần nào hiểu sự chiêm nghiệm, mong ước của một người trải qua nhiều biến cố mà trở nên bình thản trước giông bão cuộc đời như chú:
“...Nhưng lòng ta sáng tỏ
Trước mênh mông vô thường
Nhưng hồn ta thắp lửa
Tỏa bao tình yêu thương
Dẫu ngày mai ta đi
Giữa tuổi đời nắng quái
Tình ta còn lưu mãi
Giữa dòng đời vô danh”.
(Sáng tỏ)
Có thể thấy, những dòng thơ là dòng chảy thời gian của vùng, miền nơi chú đặt chân. Bao kỉ niệm của cuộc đời cứ đặt bút là thành hoài niệm, mọi nỗi niềm dường như cô đọng lại thành thơ, để mà sống an nhiên:
“Nắng đã vàng thu. Gió vẫn xanh
Ta là đứa trẻ của mông mênh
Bơ vơ ta hát lời yêu mến;
Ai có thương nhau - một chút tình?”.
(Ai)
Nhưng điều đặc biệt trong trái tim người lính ấy vẫn luôn là sự thấu hiểu cảm thông và trọn vẹn niềm tin yêu cho người lính:
“…Các em!
(Cho tôi được gọi Trường Sa chiến sĩ
Là các em - là chính nỗi lòng tôi)
Các em ơi! Tôi không thể nói nên lời
Nỗi kính trọng, lòng yêu thương trào nghẹn
Những người em, người lính Trường Sa...
Các em!
Tôi đã trải qua những năm lính chiến trường xưa
Tôi hiểu giá của mỗi giờ cuộc sống
Tôi muốn được ôm hôn các em trong vòng tay riết sóng,
Tôi muốn hóa thân thành gió nhẹ ru các em!...
Xin cảm ơn và mãi mãi yêu thương
Những trái tim biển xanh đằm thắm!”.
(Gửi tàu 505 Trường Sa thân yêu)
Trong cuốn Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam, chú từng chia sẻ: “Nghề văn là một nghề vô cùng cao quý. Cho dù nhà văn có thể rất nghèo. Nếu một xã hội không biết quý trọng nhà văn thì đó là một xã hội man rợ, một xã hội bỏ đi. Là con người thật sự, con người đúng nghĩa, Con Người - viết hoa, không thể thiếu thi ca, không thể thiếu văn học. Nếu có kiếp sau, xin cho tôi được làm thi sĩ:
“Thì hãy sống như Trời xui ta sống
Thì hãy yêu như Đất khiến ta yêu
Thì hãy quên như tháng ngày vô tận
Thì hãy nâng niu khoảnh khắc ban chiều…”.
(Lời tựa tập thơ: Thì hãy sống)
Từng lời thơ cứ thấm đẫm cái tình mênh mang, chân thật. Người ta vẫn bảo thơ là lời tự thú của tâm hồn, có lẽ thơ chú giản dị như chính con người chú. Đọc những vần thơ ấy, cháu có cảm tưởng như đang ngồi nghe chú thủ thỉ chuyện trò, hoặc lắng nghe lời độc thoại từ trái tim nồng ấm tình yêu thương.
Vậy mà đã 24 năm trôi qua kể từ ngày nhận được tập thơ tặng đầu tiên của chú, 21 năm nhận được tập thơ thứ 2, để rồi những ngày đầu tháng Bảy này cháu bỗng nghe tin buồn. Một nỗi buồn man mác, tiếc thương về người cần mẫn truyền cảm hứng cho cháu nói riêng và nhiều cây bút nhỏ ở mọi miền đất nước thêm yêu, thêm gắn bó với thi ca. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng với cháu đấy là kỷ niệm đẹp của tuổi thơ thần tiên.
Giờ đây, cháu chỉ có thể nhẹ mở những trang sách xưa, nhìn lại nét chữ thân quen để mà ngậm ngùi, thành tâm, nhớ tiếc. Xin vẹn một nén hương tri ân thành kính nhất tới chú Hoàng Cát - thi sĩ thương binh, giữa những ngày tháng Bảy thiêng liêng này!