Nhưng bây giờ, làng chỉ còn lại 3 lò nung. “Đất và lửa là hai thứ đã cưu mang chúng tôi, để chúng tôi là những người muôn năm cũ” - cụ Nguyễn Lành (84 tuổi, phường Thanh Hà) - tiếc nuối.
Làng bên sông
Cụ Lành chia sẻ: “Từ đất, làm ra một sản phẩm hoàn toàn bằng đất, chôn dưới đất trăm năm không rã, là cả một công trình tỉ mẩn của tay và đất đấy”. Cụ vẫn ghi nhớ rành rẽ cội nguồn làng nghề, rằng: Những di dân từ Thanh Hóa, Nam Định… mang theo nghề gốm vào đây lập làng từ đầu thế kỷ XVI, đã kết hợp kỹ thuật làm gốm xứ Bắc với phong thổ, tố chất xứ Quảng để tạo nên chủng loại gốm thô, không men như nồi, chậu, hũ, cối, trả…
Đất ngoài sông, đất lên bàn chuốt bàn xoay, đất vào lò nung, tất cả đều bởi đôi tay trần trộn, xéo, nề, ủ… “Thanh Hà có hai sản phẩm chính, gốm đỏ và gốm sành; gốm đỏ ai cũng làm được, nhưng gốm sành, tôi đã bày cho rất nhiều người nhưng họ cũng chịu thua” – cụ cho biết.
Từ thế kỷ XVI, nhờ gốm, Thanh Hà trở nên thịnh đạt. Bởi, chỉ cách phố cổ Hội An chừng 3 km, lại nằm bên sông, giao thương thuận tiện. Người Thanh Hà gánh gồng, hoặc đưa lên ghe xuồng, trung chuyển gốm vào Nam, ra Bắc. Họ còn làm ngói âm dương, ngói móc để lợp và gạch để lát nền cho các ngôi nhà ở Hội An và quanh vùng. Nhiều người còn được triều Nguyễn sung vào đội thợ hoàng cung, được phong hàm bát phẩm, như cụ Chánh Ca, Bát Luyện…
Vẫn giữ nếp cổ truyền, mồng 10 tháng 7 Âm lịch hàng năm, người Thanh Hà vẫn tổ chức lễ tạ ơn tổ nghệ. Nhưng, trên bản đồ du lịch, dường như ít ai biết đến sự tồn tại của làng nghề; và, dạo quanh làng, nhìn 3 lò nung sót lại, đủ gợi nên nỗi buồn về một làng nghề đã góp phần tạo nên bản sắc đô thị cổ.
Nỗi buồn của gốm
“Thương thay con gái Thanh Hà/ Hai tay nhồi đất chân chà bàn xoay”… Cụ Lành ngâm nga câu ca dao cổ của địa phương mà mắt buồn rười rượi nhìn vào xa vắng. Cụ yêu gốm, yêu luôn cô thợ chuốt gốm giỏi nhất làng, để bây giờ, vợ chồng cụ là hai trong số ba người trong làng nghề được Nhà nước phong tặng nghệ nhân. Nhưng, hai cụ cũng không ngờ có ngày gốm được làm chỉ để khách ngắm chơi.
Nếu đồ gỗ, đá mỹ nghệ bán rất được giá thì với gốm, đất đã bèo, làm công phu, nhưng một cái vại bán cũng chỉ mấy chục ngàn. Đã vậy, chả ai thèm mua. Lò gốm của cụ cũng chỉ sản xuất vài mặt hàng như đồng binh, là thứ gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ con xứ Quảng, giá cũng chỉ 5.000 đồng một cái, vẫn không cạnh tranh nổi với những đồng binh màu mè thượng hạng.
Khi được hỏi chuyện bán cho khách du lịch, cụ chua chát: “Đồ gốm nặng, lại cồng kềnh, khách mang lên máy bay răng được. Không chi buồn bằng gốm, đất càng nung càng teo”.
Qua mấy lần bom đạn phá nát lò gốm, sau năm 1975, làng nghề mới được khôi phục. Nhưng, đã khác lắm so với cái thời của đầu thế kỷ XX, cái thời nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. “Chừ, ngay cả chính tôi đây cũng không dùng gốm, thì có ai dùng gốm nữa đâu. Gốm hết thời thiệt rồi, muốn đem hết tâm huyết truyền cho tụi trẻ, nhưng tụi nó có chịu học đâu”.
Nói cho đúng, Hội An đang làm hết cách để duy trì nghề gốm. 20% giá trị tấm vé tham quan làng gốm được Hội An trích lại để duy trì nghề. UBND tỉnh cũng đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 3 người trong làng nghề. Động thái thiết thực nhất, là hỗ trợ tối đa cho một công ty sản xuất gốm trên địa bàn Thanh Hà. Đó là Công ty Cổ phần gốm sứ mỹ nghệ Sông Hoài.
Giám đốc công ty, anh Đỗ Ngọc Thi Ca vốn người Bắc, vào lập công ty từ năm 2007. Thành phố cho thuê đất 50 năm với giá ưu đãi, mỗi năm tham gia miễn phí 3 hội chợ… Anh đầu tư lò nung gas; đem chất men Bát Tràng vào, sản xuất gốm có men với đa chủng loại, từ trang trí mỹ thuật như lu, tranh gốm… đến gia dụng như ấm, chén… và cả gốm xây dựng như gạch ốp lát, mosiac…
Khó khăn trong chuyện tìm nhân công là một trở ngại đáng kể, bởi quá ít người còn biết nghề gốm; trọng lượng gốm khá nặng, khó làm hàng lưu niệm… Dẫu vậy, anh Ca cho rằng khó khăn này sẽ khắc phục được, nhờ những tiềm năng to lớn khác về thị trường.
“Với việc phát triển những mặt hàng mới, như phin café gốm chẳng hạn; đồng thời nghiên cứu kết hợp với nhiều phong cách khác, cơ hội mở rộng thị trường vẫn rất lớn”, anh Ca khẳng định. Khi được hỏi việc cách tân sản phẩm như vậy, có lưu giữ được bản sắc gốm Thanh Hà không, anh nói: “Trước hết gốm phải sống rồi mới tính chuyện khác”.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có thâm niên nghiên cứu văn hóa cổ miền Trung, chia sẻ: “Bản sắc Thanh Hà là gốm sành, có nguy cơ thất truyền khi 3 người biết làm sành còn lại đều đã trên 80 tuổi; tôi nghĩ, sau này gốm có được cách tân đến đâu, thì cũng cần lưu giữ lại cái nghề làm sành dù cũ kỹ nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Hội An”.
Với anh Đỗ Ngọc Thi Ca, chuyện lưu giữ bản sắc gốm Thanh Hà sẽ là câu chuyện rất dài. Nhớ những viên ngói đã phong rêu trên mái tầng phố Hội; nhớ những chum, vại… đang nằm đâu đó ở nhiều góc hiên xứ Quảng… nhớ những người như cụ Lành, rồi sẽ trở thành muôn năm cũ…