Nhìn thẳng, nói thật...

GD&TĐ - Hiếm khi nào thông tin về bạo lực học đường (BLHĐ) lại “nóng” như hiện nay. BLHĐ đã trở thành “từ khóa mạnh” trên một số tờ báo và mạng xã hội. Cũng với từ khóa này, chỉ cần vào Google sẽ cho ra kết quả hơn 27 triệu thông tin có liên quan trong khoảng 0,42 giây.

Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trong trường học. Ảnh minh họa
Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trong trường học. Ảnh minh họa

Thực tế bạo lực học đường không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra BLHĐ ở một số cơ sở GD với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần HS, môi trường GD, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Dù bằng hình thức nào đi chăng nữa thì người bị bạo lực cũng bị tổn thương.

Với quan điểm “nhìn thẳng, nói thật”, ngành GD không né tránh, thậm chí còn kiên quyết “bắt bệnh” để “kê đơn, bốc thuốc”, dẫu biết rằng phòng chống BLHĐ không chỉ riêng ngành GD. Hẳn những thông tin trong Chỉ thị mới đây của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở GD vẫn còn nóng, khiến dư luận đồng tình về sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc của người đứng đầu ngành GD. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các sở GD&ĐT, cơ sở GD mầm non, phổ thông và GD thường xuyên, các trường đào tạo GV và đơn vị thuộc Bộ triển khai các công việc cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng BLHĐ.

Trên tinh thần ấy, mỗi đơn vị, cơ sở GD đều có nhiệm vụ riêng, chẳng hạn như: Đối với các cơ sở GD, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng cơ sở GD chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở GD; GV chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, HS trong các cơ sở GD chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ. Đồng thời, xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tập thể, xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho HS…

Trước đó, cũng có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Bộ GD&ĐT cũng có nhiều Thông tư liên quan đến nội dung này. Quan điểm của Bộ là tích cực, chủ động và tiên phong trong phòng chống BLHĐ. Chẳng thế mà, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống BLHĐ diễn ra ngày 17/4. Đây cũng là động thái tích cực, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và quyết tâm ngăn chặn BLHĐ của toàn ngành GD.

Không chỉ ban hành văn bản chỉ đạo, hay tham dự những hội nghị, hội thảo mà lãnh đạo Bộ còn có những chỉ đạo “nóng”, thậm chí là trực tiếp xuống nơi xảy ra BLHĐ để nắm tình hình; từ đó có những quyết định xử lý đúng – trúng, đảm bảo công bằng, khách quan, tuyệt đối không bao che, cả nể.

Còn nhớ vụ BLHĐ ở Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) gây rúng động dư luận xã hội thời gian gần đây. Ngay trong ngày Chủ nhật, khi vụ việc vừa xảy ra Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp xuống làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành GD của địa phương. Theo đó, những ai liên quan đến vụ việc này đều được xử lý “đúng người, đúng tội”.

Có thể nói, dư luận rất hoan nghênh sự chủ động vào cuộc quyết liệt của ngành GD. Qua đó đã giúp phụ huynh, HS yên tâm hơn về môi trường GD an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, nếu chỉ ngành GD thôi thì chưa đủ mà cần có sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cùng với đó, bản thân HSSV cần nâng cao nhận thức về hậu quả của BLHĐ. Đặc biệt là tránh sự thờ ơ vô cảm trước những hành động BLHĐ xảy ra đối với bạn mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ