Nhiều giáo viên chia sẻ “giật mình thon thót” khi đọc những thông tin tương tự trên mạng. Bởi “trông người mà ngẫm đến ta”. Hưng Yên, Quảng Ninh, cả hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đều bị đình chỉ công tác đấy thôi. Đành rằng, HS khi ở trường học là thuộc trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, nhưng sức một người, vừa phải trọn vẹn chuyên môn, vừa phải liên tục để mắt tới mấy trăm học sinh đang tuổi khó bảo, tâm lý đang kỳ diễn biến phức tạp, thật khó làm sao!
Một nhà giáo giỏi ở Đồng Tháp tâm sự: Gia đình chỉ có một đứa con hư đã làm đau đầu cha mẹ. Chúng tôi làm gì đây khi không chỉ quản 1, 2 mà tới mấy trăm “người con”. Ngụy biện ư? Không, chúng tôi đang rất cần sự đồng cảm, thấu hiểu, đặc biệt cùng vào cuộc với chúng tôi, thay vì chỉ đổ lỗi, “ném đá”.
Tôi có nữ đồng nghiệp rất tâm huyết. Cô sẵn sàng dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém ở nhà; trong khi cô vẫn phải làm nhiều việc khác như chăm lợn, nuôi gà, cấy đôi sào lúa, thậm chí nhận việc về làm thêm. Vì đồng lương giáo viên sao đủ nuôi 2 con ăn học, chăm cha mẹ già và người chồng bệnh cả chục năm nay. Dám chắc trên cả nước, có không ít những thầy cô như vậy.
Thường tất cả cứ đều đổ dồn lên nhà trường, giáo viên. Sổ sách không tốt thì không được xét thi đua; chất lượng cuối năm không cao thì bị phê bình, kiểm điểm. Trách mắng, răn đe học trò thì bị phụ huynh phản ánh thẳng lên lãnh đạo… “Sao cứ bắt giáo viên chúng tôi phải như thánh?” - nhà giáo này chua xót.
Khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của HSSV, bảo vệ giáo viên, ngành GD đã có nhiều giải pháp như: Ban hành các đề án Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; quy định về môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD đạo đức; phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh GD đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; chỉ đạo xây dựng Chương trình, SGK GDPT mới, trong đó chú trọng nội dung môn Đạo đức, GD công dân và dạy đạo đức lối sống...
Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường nhằm giảm áp lực không đáng có cho giáo viên cũng khiến thầy cô cả nước phấn khởi, vui mừng.
Nhưng chỉ có một ngành GD đơn phương vào cuộc chắc chắn chưa đủ. HS chỉ có nhiều nhất 8 tiếng ở trường học, còn lại các em sống trong môi trường gia đình, ngoài xã hội. Người Nigeria, châu Phi có câu ngạn ngữ nổi tiếng “Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Câu này được bà Hillary Clinton lấy tứ để làm tựa đề cho cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình: “It Takes a Village”. Ở đâu cũng vậy, trách nhiệm với sự phát triển của đứa trẻ là của cả cộng đồng.
Tại Việt Nam, “chân kiềng” GD: Gia đình - nhà trường - xã hội được coi là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động GD đạt hiệu quả. Những người làm GD muốn có sự đồng hành và cùng chung trách nhiệm xứng đáng. Cha mẹ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cần phối hợp tổ chức nhiều hơn, đừng “trăm dâu” chỉ đổ một “đầu tằm”. Thay vì đổ lỗi, hãy chung tay xây dựng một xã hội yêu thương. Thầy cô cũng mong mình được trao “viên phấn quyền lực”. Sự nóng vội, thiếu cân nhắc của phụ huynh và cả xã hội trong phán xét đã góp phần tước đi của thầy cô công cụ và uy lực để thực hiện nhiệm vụ của mình.