Nhìn lại để đổi mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 'làn sóng' cán bộ ngành y tế và tại một số địa phương, đến lượt cán bộ ở Bộ Tài chính - dù chưa có số liệu chính thức - xin nghỉ việc...

Cụ thể, phát biểu giải trình về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tính cả Luật Giá, Bộ Tài chính đang phải hoàn thành tới 13 đạo luật khác nhau.

Trước đây khi làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, 5 năm chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất nhưng sang đây là 13 bộ luật, chưa kể thông tư, nghị định. Liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu, trong khi bộ máy, nhân sự của Bộ Tài chính hiện rất khó khăn. Một số anh em xin nghỉ việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng…

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2021, tổng số công chức cả nước, không tính lực lượng vũ trang là 230 nghìn người, trong đó Trung ương là hơn 99 nghìn, địa phương là 130 nghìn. Khoảng 90% công chức có trình độ đại học và trên đại học, trong đó nữ chiếm 43%.

Số viên chức là 1,7 triệu người, trong đó Trung ương 130 nghìn, địa phương là 1,6 triệu; trình độ đại học trở lên là 80%. Công chức cấp xã khoảng 200 nghìn người, đại học trở lên trên 80%. Đến năm 2021, có 90% cán bộ công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như tinh giản biên chế, nhiều địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút người tài… Nhưng thực tế, tại không ít lĩnh vực, tại không ít địa phương, nhiều cán bộ vẫn “dứt áo” ra đi...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Do đầu vào, tức việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng nhưng đầu ra - tức tinh giản biên chế lại bị nhiều lực cản, trong khi đó, để định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn.

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, có ý kiến cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức dù chuyển từ công sang tư hay tìm công việc khác cũng vẫn cống hiến cho đất nước. Mặt khác, sự dịch chuyển này sẽ tạo sự cạnh tranh cho người lao động và cơ quan Nhà nước.

Với người lao động khi nghỉ việc Nhà nước sẽ phải tìm kiếm động lực, phải “cải tiến” mình để phù hợp với nơi làm việc mới. Về phía cơ quan Nhà nước, sự cạnh tranh này đòi hỏi phải cải cách nhiều hơn nữa về môi trường làm việc, công tác nhân sự, để môi trường Nhà nước là nơi phù hợp với chuyên môn, với cá tính và phát huy được sự sáng tạo.

Thế nhưng, dù nhìn nhận ở dưới góc độ nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là nền công vụ phải nhìn lại, phải cấp thiết đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ. Bởi với cơ chế hiện hành, nhân sự khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư sẽ còn diễn ra.

Đây là cảnh báo, là “chỉ dấu” để lãnh đạo, người làm chính sách phải suy nghĩ, nắm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả. Quan trọng hơn là để việc chuyển dịch lao động này trở thành bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.