Vụ xin nghỉ việc với lý do gây sốc: Phòng giáo dục rà soát lại, giáo viên bảo lưu ý kiến

GD&TĐ - Liên quan vụ việc một GV Trường Tiểu học An Lợi (Long Thành, Đồng Nai) xin nghỉ việc với lý do gây sốc, ngày 20/10, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết đang trong quá trình rà soát lại.

Cuộc họp giải quyết vụ việc do Phòng GD&ĐT huyện Long Thành tổ chức ngày 19/10.
Cuộc họp giải quyết vụ việc do Phòng GD&ĐT huyện Long Thành tổ chức ngày 19/10.

Trong khi đó, giáo viên viết đơn xin nghỉ việc cho hay vẫn bảo lưu ý kiến nêu trong đơn.

“Đang trong quá trình rà soát”

Liên quan vụ việc ông Lê Trần Ngọc Sơn - giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học An Lợi (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nộp đơn xin nghỉ việc với lý do “có quá nhiều điều phi giáo dục…”, ngày 19/10, Phòng GD&ĐT huyện Long Thành tổ chức buổi họp với ngành liên quan.

Buổi làm việc do ông Đặng Định Công - Phó phòng GD&ĐT huyện Long Thành chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Thanh tra huyện Long Thành, Công an huyện Long Thành, Trường Tiểu học An Lợi và ông Lê Trần Ngọc Sơn. Riêng Phòng Nội vụ huyện cũng thuộc thành phần mời họp trong thư nhưng không thấy tham gia.

Theo biên bản cuộc họp, ông Đặng Định Công - Phó phòng GD&ĐT huyện Long Thành - cho rằng, căn cứ Nghị định 115, Luật Viên chức thì ông Sơn cần tách lý do ra khỏi đơn xin nghỉ việc. Còn ông Sơn thì trình bày ý kiến đã nêu tại cuộc họp ngày 13/10 nên không nói lại.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 13/10, sau khi đại diện Phòng GD&ĐT huyện Long Thành đề nghị tiếp tục ở lại, làm việc tại trường, ông Sơn cho rằng chỉ rút đơn ở lại dạy học nếu các cấp có thẩm quyền giải quyết rốt ráo những sai phạm của hiệu trưởng, hiệu phó.

Đồng thời, ông Sơn cũng bảo lưu quan điểm về lý do nghỉ việc là cảm thấy không phù hợp với môi trường “có quá nhiều điều phi giáo dục... nhất là vấn nạn dối trá”.

Tại cuộc họp, ông Sơn nêu 3 lý do để nói ông Tùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi) dối trá: Bịt miệng giáo viên khi giáo viên chất vấn; làm giả biên bản; làm giả tiêu chí thi đua năm học 2019 - 2020.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng, ông Tùng nói với báo chí lý do ông nghỉ việc là đi du học ở Canada, xích mích với cô hiệu phó và ẩu đả với giáo viên trong trường nên cô hiệu phó phải chuyển đi nơi khác. “Những nội dung này thông tin sai sự thật tôi sẽ thưa ra tòa” - ông Sơn nói.

Ông Sơn chốt lại: “Tôi sẽ rút lại đơn và làm lại đơn khác nếu Huyện ủy, UBND giải quyết rốt ráo xử lý ông Tùng, bà Thư”. Phía ông Tùng cho rằng “trong cuộc họp vừa rồi tôi không phản biện, nay tôi trả lời ngắn gọn các nội dung ông Sơn nêu (3 nội dung) và đề nghị công an huyện vào cuộc...”.

Ngày 20/10, trao đổi với Báo GD&TĐ qua điện thoại liên quan đến những tố cáo của ông Sơn đối với ông Tùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi), ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Thành, cho biết, hiện huyện đang vào cuộc để làm rõ vấn đề, sau khi có kết quả sẽ có báo cáo cụ thể cho các ban, ngành đoàn thể của huyện và báo chí. “Hiện đang trong quá trình rà soát lại các bước. Việc giải quyết thôi việc tôi đã giao cho một phó phòng phụ trách” - ông Toàn nói.

Còn ông Đặng Định Công (Phó phòng GD&ĐT huyện Long Thành) cho biết: “Hiện đang trong quá trình rà soát lại các bước để báo cáo lên huyện nên chưa thể cung cấp thông tin”.

Quy trình cho giáo viên thôi việc đã hợp lý?

Liên quan việc ông Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi, bút phê đóng dấu chấp thuận cho ông Sơn nghỉ việc, dư luận thắc mắc khi một giáo viên có đơn xin nghỉ việc thì ai sẽ có thẩm quyền giải quyết và bút phê, ký tên, đóng dấu đồng ý?

Theo TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), trường hợp giáo viên là viên chức việc cho nghỉ việc phải căn cứ quy định của Luật Viên chức, đồng thời cũng phải tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp giáo viên này không phải viên chức mà là người lao động, giảng dạy theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì nghỉ việc phải căn cứ quy định của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, về nguyên tắc, cơ quan, lãnh đạo nào ký văn bản tuyển dụng thì cơ quan, lãnh đạo đó sẽ có quyền chấm dứt HĐLĐ. Còn trường hợp nếu là HĐLĐ do hiệu trưởng của trường này ký, hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trong vụ việc này, thầy giáo viết đơn xin nghỉ, cần phải xác định xem giáo viên này là viên chức hay là người lao động theo hợp đồng, nếu là viên chức thì nghỉ việc phải giải quyết chế độ theo quy định của Luật Viên chức, phải đúng thẩm quyền, có căn cứ và theo trình tự thủ tục luật định.

“Viên chức hay đơn vị sự nghiệp công lập đều phải đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước trước khi viên chức nghỉ việc. Cụ thể, tùy từng trường hợp mà thời gian báo trước của viên chức dao động từ 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày.

Trong đó, viên chức phải báo trước 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; phải báo ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có hoàn cảnh thật sự khó khăn không thể thực hiện theo hợp đồng…” - TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.

Theo TS Bùi Kim Hiếu, để được xin nghỉ việc, viên chức cần phải thực hiện theo thủ tục nêu tại Khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau: Hồ sơ xin nghỉ việc viên chức gửi thông báo bằng văn bản đến người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết ít nhất 3 ngày hoặc 30 ngày tùy vào từng trường hợp nêu trên.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ nêu ý kiến về việc đề nghị này: Nếu đồng ý: Chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức. Còn nếu không đồng ý: Trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do.

“Do đó, trong vụ việc này nếu như thầy giáo Sơn là viên chức và muốn xin nghỉ việc thì phải có văn bản trình bày, nêu rõ lý do, có căn cứ và cơ quan chức năng sẽ xem xét theo trình tự thủ tục luật định. Việc chấm dứt quan hệ lao động, chấm dứt hoạt động của viên chức không thể bút phê đơn giản thẳng vào như vậy…” - TS Bùi Kim Hiếu nhận định.

Liên quan đến vụ việc, tại cuộc họp ngày 13/10, Phòng GD&ĐT huyện Long Thành xác định thủ tục giải quyết đơn xin thôi việc của ông Sơn là sai quy trình. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi) đã nhận sai. Theo quy định, hiệu trưởng phải có văn bản trả lời cho giáo viên, không được viết trực tiếp vào đơn.

Hơn nữa, cuộc họp để giải quyết đơn thôi việc cần sự có mặt của đại diện Ban giám hiệu, Công đoàn, Ban thanh tra nhân dân, các tổ khối lớp và cá nhân ông Sơn. Nhưng hôm đó, ông Sơn không được mời.

Ông Sơn làm giáo viên 24 năm nay. Trước khi về dạy tại Trường Tiểu học An Lợi, ông Sơn công tác tại hai trường THCS ở huyện Long Thành và TP Biên Hòa. Ngày 6/10, ông nộp đơn Đề nghị giải quyết thôi việc do có một số bức xúc trong nhà trường. Sau đó, 4 ngày, Hiệu trưởng nhà trường đã bút phê, chấp thuận cho ông Sơn nghỉ việc. 
Trước đó, tháng 9/2019, ông Sơn có đơn tố cáo ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi cùng một hiệu phó do có nhiều vi phạm về thu chi, sử dụng quỹ phúc lợi không đúng quy định, vận động cha mẹ học sinh đóng góp mua sắm không đúng quy định, nhận học sinh trái tuyến... Tháng 1/2020, UBND huyện Long Thành kết luận Trường Tiểu học An Lợi có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.