Vì sao hàng trăm cán bộ y tế công lập ở Nghệ An xin nghỉ việc?

GD&TĐ - Chỉ hơn 1 năm, tại Nghệ An có 119 cán bộ, nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc. Giám đốc Sở Y tế tỉnh này đã lên tiếng giải thích nguyên nhân.

Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế công lập ở Nghệ An xin nghỉ việc vì thu nhập thấp và áp lực công việc.
Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế công lập ở Nghệ An xin nghỉ việc vì thu nhập thấp và áp lực công việc.

Tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII đang diễn ra, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ năm 2021 đến nay, đã có 119 cán bộ, nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc, trong đó có gần 1/2 là bác sỹ.

Theo ông Chỉnh, trong số những người xin nghỉ việc có khoảng 2/3 là chuyển sang công tác tại các đơn vị y tế tư nhân; còn 1/3 có lý do cá nhân và sức khoẻ.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An.

Giám đốc Sở Y tế lý giải, để xảy ra tình trạng trên chủ yếu do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thấp.

Trước đây, Nghị định 56 của Chính phủ có quy định chế độ đặc thù cho cán bộ y tế, tuy nhiên nghị định này đã tồn tại hơn 10 năm, không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang tham mưu cho Chính phủ thay đổi.

Thứ hai, hầu hết các bệnh viện công lập ở Nghệ An đều tự chủ về tài chính. Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, lượng bệnh nhân đến viện giảm nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện.

Theo ông Chỉnh, tại các đơn vị tự chủ, ngoài chế độ lương thì chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân tại Nghệ An rất phát triển nên có sự dịch chuyển lao động từ đơn vị công lập ra ngoài công lập.

Ông Chỉnh nêu ví dụ, một bác sỹ mới ra trường vào bệnh viện công lập tuyến tỉnh có thu nhập chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, bác sỹ này có thể được trả từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đối với bác sỹ nội trú ra trường, bệnh viện công lập chỉ trả từ 15-20 triệu đồng/tháng, trong khi bệnh viện tư nhân có thể trả từ 70-100 triệu đồng/tháng.

Nguyên nhân thứ ba, theo Giám đốc Sở Y tế là do áp lực công việc. Hai năm làm công tác phòng chống dịch Covid-19 đã “bào mòn” sức lực của các cán bộ, nhân viên y tế.

Trong thời gian qua, cán bộ y tế tại các bệnh viện phải làm 2 việc cùng lúc. Vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa phòng chống dịch Covid-19 nên công việc rất áp lực.

Bên cạnh đó, nhu cầu khám chữa bệnh tại đơn vị y tế công lập ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi cán bộ y tế phải có điều kiện về sức khoẻ, năng lực.

Ông Chỉnh cho rằng, trước đây, cán bộ y tế rất “tha thiết” vào các bệnh viện công nhưng hiện nay thì khác. Các bệnh viện tư nhân được đầu tư máy móc hiện đại, đầy đủ hơn nên các cán bộ y tế có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề.

Hội trường Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Hội trường Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Trước thực trạng này, lãnh đạo ngành Y tế Nghệ An nêu giải pháp, trong thời gian tới, các đơn vị y tế công lập phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện nâng cao các chế độ đãi ngộ, chăm lo đời sống cho cán bộ y tế. Cải thiện môi trường làm việc để các y, bác sĩ yên tâm gắn bó lâu dài.

Tuy nhiên, theo ông Chỉnh để giải quyết căn cơ tình trạng này, ngành y tế cần đề xuất Bộ Y tế trong thời gian tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Từ đó giúp tăng nguồn thu cho các đơn vị công lập, nâng cao chế độ cho cán bộ, nhân viên.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã đề nghị UBND tỉnh có chính sách thu hút đối với nguồn nhân lực của ngành y tế, đặc biệt tại tuyến huyện, khu vực y tế công cộng. Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường làm việc, có chính sách giữ nguyên biên chế cho các đơn vị y tế chưa tự chủ, y tế dự phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.